Gia Lai:Đề xuất xây dựng Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai vừa phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng hồ sơ đề xuất Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng Gia Lai. Tham dự có ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, một số địa phương và đơn vị chủ rừng có diện tích nằm trong khu vực dự kiến xây dựng khu sinh quyển…
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Diệp
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cao nguyên Kon Hà Nừng gồm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rộng 42.143,25 ha; Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng khoảng 15.446,03 ha cùng diện tích rừng của một số chủ rừng trải dài qua nhiều địa phương của tỉnh. Đây là khu vực có hệ sinh thái rừng còn tương đối nguyên vẹn với hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới với cây xanh lá rộng, cây lá kim, rừng thưa xanh lá kim, thảm cây bụi, trảng cỏ và các khu vực đất nông nghiệp, khu dân cư có tính đa dạng sinh học cao; có nhiều điểm độc đáo, nổi bật, độc nhất, đáp ứng được các tiêu chí đề nghị UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong đó, các loài động, thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao; 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú; 326 loài chim; 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là vùng rừng nhiệt đới xanh núi thấp được ưu tiên cao trong bảo tồn đa dạng sinh học.   
Tại Hội thảo, các đại biểu và chuyên gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để các đơn vị tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các tiêu chí lập hồ sơ xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng Gia Lai để trình UNESCO công nhận là khu sinh quyển thế giới.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng Gia Lai khi được công nhận sẽ là mô hình phát triển bền vững của địa phương trong việc kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học…
       Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm