Nhân dân tệ mất giá có thể gây nhiều áp lực lên VND

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế có thể có tác động nhất định tới tỷ giá USD/VND.
Mới đây, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã công bố Báo cáo đánh giá khả năng Trung Quốc có phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) hay không.
Theo nhóm tác giả, khả năng Trung Quốc phá giá NDT là không cao. Thứ nhất, họ lo ngại sự rút vốn mạnh như đã xảy ra trong năm 2015; Thứ 2, Trung Quốc không muốn bị cho là thao túng tiền tệ, gây căng thẳng thêm trong cuộc chiến thương mại; Thứ 3, Trung Quốc vẫn kiên định tiến trình quốc tế hóa đồng NDT...
Đồng Nhân dân tệ mất giá có thể gây áp lực lên VND (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể dẫn tới những biến động lớn trên thị trường ngoại hối quốc tế. Giá trị đồng USD có xu hướng tăng lên, trong khi giá trị đồng NDT và một số đồng  tiền khu vực giảm. Do đó, những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế có thể có tác động nhất định tới tỷ giá USD/VND.
TS. Bùi Quang Tín cho rằng, về trung và dài hạn, tỷ giá USD/VND sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng... của NHNN. Trong cách thức tính tỷ giá của NHNN, tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ gồm 8 loại tiền chủ chốt đó là: USD, EUR, JPY, CNY, SGD.... 
Trong 8 đồng tiền đó thì đồng NDT là phương tiện giao dịch trong thương mại đầu tư lớn nhất với Việt Nam, cho nên sự phá giá của đồng tiền này sẽ tác động lớn tới chính sách tỷ giá của Việt Nam.   
Thực tế thời gian qua, rõ ràng lạm phát đã có những dấu hiệu bị áp lực tăng lên. Ngoài vấn đề tăng giá điện, giá y tế, giáo dục… thì tỷ giá cũng là một trong những yếu tố tạo đà tâm lý, tỷ giá tăng sẽ kéo lãi suất tăng, tạo nhiều áp lực lên chỉ số lạm phát.
“Với việc phá giá đồng NDT, như mọi khi sẽ kéo theo các đồng ngoại tệ khác phá giá theo. Về góc độ vĩ mô đối với các nhà xuất khẩu, thì khi các nước phá giá mà VND vẫn giữ giá hoặc tỷ giá tăng không cao thì điều đó có nghĩa VND bị tăng giá. Khi VND tăng giá như vậy thì sẽ không có lợi cho xuất khẩu trong trung và dài hạn. Do đó, các nhà xuất khẩu nên chú ý đến sự biến động của tỷ giá cũng như rủi ro khi tỷ giá tăng lên; cần phòng ngừa tỷ giá bằng cách mua các hợp đồng phái sinh để bảo vệ rủi ro tỷ giá”, TS Bùi Quang Tín đưa ra lời khuyên….
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù khả năng Trung Quốc phá giá đồng NDT là không cao, song bài toán tỷ giá đã trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, định chế tài chính phải theo dõi sát sao diễn biến chiến tranh thương mại, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế; từ đó đưa ra các kịch bản phù hợp và ứng xử, can thiệp kịp thời, linh hoạt. 
Đồng thời, cần theo dõi, bám sát diễn tiến động thái của Bộ Tài chính Mỹ để phối hợp thông tin, tránh bị đưa vào diện thao túng tiền tệ, gây bất lợi cho Việt Nam.
Chung Thủy (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm