Đức Cơ: Nhiều hợp tác xã gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù nỗ lực trong tổ chức sản xuất kinh doanh nhưng nhiều hợp tác xã (HTX) ở huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) vẫn gặp không ít khó khăn. Ngoài thiếu trụ sở làm việc, nhiều HTX gặp khó về đầu ra sản phẩm, hoạt động dịch vụ yếu.

Năm 2017, HTX Ia Dom đi vào hoạt động với các ngành nghề: kinh doanh chợ, thu gom rác thải và dịch vụ trạm thực nghiệm giống cây trồng, vật nuôi. Ông Trang Quốc Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX-cho biết: Chợ Ia Dom có diện tích 2.000 m2 gồm khu nhà lồng và 40 lô sạp ki ốt cho tiểu thương thuê với 3 mức đóng lệ phí mỗi tháng: 180 ngàn đồng, 300 ngàn đồng và 500 ngàn đồng. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, 40 tiểu thương không đóng lệ phí vì cho rằng mức thu cao. Sau đó, HTX họp bàn với các tiểu thương và quyết định giảm 20-40% tiền thu nợ lệ phí, đồng thời sau khi thu nợ sẽ giảm lệ phí mặt bằng 20% nhưng các tiểu thương vẫn không thống nhất. “Trong các ngành nghề đăng ký thì dịch vụ kinh doanh chợ là nguồn thu chính của HTX. Trạm thực nghiệm giống cây trồng, vật nuôi mới đi vào hoạt động nên chưa có nguồn thu. Dịch vụ thu gom rác thải thì thu chỉ đủ bù chi. Do vậy, việc không thu được lệ phí mặt bằng từ các tiểu thương đã gây khó khăn cho hoạt động của HTX”-ông Hùng thông tin.

   Sản phẩm cà phê chế biến của HTX Phượng Hoàng đã được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh nhưng vẫn gặp khó về đầu ra. Ảnh: Nhật Hào
Sản phẩm cà phê chế biến của HTX Phượng Hoàng đã được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh nhưng vẫn gặp khó về đầu ra. Ảnh: Nhật Hào


Tương tự, ông Hồ Sư Cần-Giám đốc HTX Thiên Phước (xã Ia Krêl) cho hay: Hợp tác xã hoạt động với ngành nghề chính là thu gom rác thải sinh hoạt, thu mua nông sản, cây con giống, sản xuất gạch không nung. Năm 2019, sau khi được huyện bàn giao đất có thu phí sử dụng đất trên diện tích 4.000 m2 tại thôn Thanh Giáo để làm trụ sở, HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để làm hàng rào, kéo điện 3 pha, khoan giếng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, HTX chỉ mới hoạt động được dịch vụ thu gom rác thải. “Huyện đã bàn giao đất và làm thủ tục gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến các sở, ban, ngành tham mưu giúp UBND tỉnh ra quyết định giao đất. Song từ đó đến nay, HTX vẫn chưa nhận được quyết định giao đất của UBND tỉnh nên chưa thể xây dựng trụ sở và các công trình để triển khai các dịch vụ đã đăng ký. Trong khi đó, dịch vụ thu gom rác thải hiện cũng gặp khó khăn vì nhiều hộ dân không đóng lệ phí. Mặc dù xã đã quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí song vẫn không thể bù các khoản chi phí hoạt động”-Giám đốc HTX nói.

Trong khi đó, HTX xây dựng-thương mại và dịch vụ Phượng Hoàng được đánh giá là đơn vị hoạt động khá hơn nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Tuấn Duy-Giám đốc HTX-cho biết: Hợp tác xã được thành lập từ năm 2018 với các ngành nghề: chế biến điều, cà phê, mua bán lương thực, thực phẩm, cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng các công trình dân dụng và đường bộ. Được huyện hỗ trợ, HTX đã xây dựng Dự án liên kết sản xuất cà phê với 316 hộ sản xuất trên diện tích 530 ha. Tuy nhiên, 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều hộ dân sau khi thu hoạch cà phê đã bán cho thương lái dẫn tới HTX thiếu hụt sản lượng đầu vào cũng như không thu được nợ tiền bán phân bón trước đó. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất những năm gần đây tăng cao nhưng sản phẩm cà phê sau chế biến của HTX còn tồn kho nhiều. “Chúng tôi mong người dân tuân thủ theo đúng hợp đồng liên kết; các sở, ngành cần hỗ trợ HTX liên kết các sàn giao dịch nhiều hơn nhằm tạo thuận lợi đầu ra của sản phẩm”-ông Duy nói.

Trên địa bàn huyện Đức Cơ hiện có 9 HTX. Thời gian qua, huyện rất quan tâm tạo điều kiện về thủ tục pháp lý, hồ sơ để các HTX hoạt động; hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết, xây dựng các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, một số HTX gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Nguyên nhân chủ yếu là do HTX thiếu vốn, không có quỹ đất để xây dựng trụ sở. Ngoài ra, năng lực quản trị của một số HTX còn yếu, thiếu năng động dẫn đến các dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Trước khó khăn đó, huyện cũng đã tạo điều kiện bố trí quỹ đất để các HTX đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký. “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hộ dân; đẩy mạnh chế biến sản phẩm, hướng tới xây dựng sàn giao dịch điện tử nhằm có đầu ra ổn định. Đồng thời, tiếp tục mở các lớp đào tạo để thành viên của các HTX nâng cao năng lực quản trị, xây dựng phương án hoạt động hiệu quả hơn”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin.

 

 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.