Kỳ vọng ở những cửa khẩu tỉ USD  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thông tin Trung Quốc bắt đầu thực hiện các biện pháp từng bước khôi phục việc ra nước ngoài của công dân cũng như hàng hóa nước này từ 8.1.2023 mang lại nhiều kỳ vọng. Không khí chuẩn bị đón hàng và người ở những “cửa khẩu tỉ USD” tại Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn đang rất khẩn trương.


Sẵn sàng nhưng vẫn thận trọng

Những ngày này, chính quyền thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và các lực lượng chức năng khối cửa khẩu đã và đang tích cực rà soát, chuẩn bị, lên phương án nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện khi hoạt động xuất nhập cảnh trở lại bình thường.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ phía nước bạn Trung Quốc, UBND TP.Móng Cái đã ra văn bản hỏa tốc số 4183/UBND - VP về việc điều chỉnh, triển khai linh hoạt một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, dừng thực hiện phương án làm việc, ăn nghỉ tập trung khép kín trong khu vực cửa khẩu, lối mở đối với các lực lượng liên ngành cửa khẩu, doanh nghiệp, công nhân và lái xe trung chuyển, lái đò, lái xe đường dài.

Từ ngày 8.1.2023, dừng thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Virus Sar-CoV2 bằng phương pháp RT-PCR đối với người và hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu cầu Bắc Luân 2, lối mở Km3+4 Hải Yên, cửa khẩu Ka Long.

Ông Hoàng Văn Lương - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Quảng Ninh - cho biết, cùng với việc đợi hướng dẫn của Bộ Y tế, đơn vị cũng đã lên phương án và đang chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị, nhân lực phục vụ kiểm soát dịch COVID-19 khi hoạt động xuất nhập cảnh hoạt động trở lại, đặc biệt tại cửa khẩu cầu Bắc Luân 1, như phương án đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, phương án cách ly và sau cách ly theo từng cấp độ, số lượng người.

Trong khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới, địa phương yêu cầu 100% người ra/vào, làm việc trong khu vực cửa khẩu, lối mở phải đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, không tập trung đông người, đặc biệt không bắt buộc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID -19.

Tại cửa khẩu Bắc Luân I, đến nay, các lực lượng chức năng khối cửa khẩu đã thực hiện rà soát lại toàn bộ cơ cở vật chất, phương tiện như các hệ thống máy soi hành lý, hệ thống biển chỉ dẫn, thông báo; điện chiếu sáng, vệ sinh, đồng thời bố trí nhân lực sẵn sàng, kịp thời đáp ứng khi hoạt động xuất nhập cảnh tại đây hoạt động bình thường trở lại.

Đối với khách du lịch, ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Công ty CP du lịch lữ hành Hữu Nghị chia sẻ: “Sắp tới công ty chúng tôi sẽ đón một đoàn khách Trung Quốc nhưng đi bằng đường hàng không. Khách đi bằng đường bộ qua Móng Cái nếu có thì cũng phải ít nhất sau Tết Nguyên đán 2023. Tôi cho rằng nên làm từng bước và tùy thuộc vào tình hình dịch để quyết định đón khách như thế nào”. Còn bà Nguyễn Tố Yển - Giám đốc Công ty TNHH Tố Yển, có trụ sở tại TP.Móng Cái, đơn vị chuyên đón khách Trung Quốc - cho biết, vẫn thường xuyên trao đổi với các đối tác Trung Quốc để cập nhật tình hình, chuẩn bị các phương án đón khách.

“Doanh nghiệp và du khách rất háo hức, chờ đợi và đã sẵn sàng chuẩn bị để đón khách. Dù đến thời điểm hiện tại, đội ngũ nhân viên, đặc biệt là hướng dẫn viên đã tản mát mỗi người một nơi để kiếm sống, nhưng cũng đã sẵn sàng trở lại khi có khách” - bà Yển cho biết.

Ông Hoàng Bá Nam - Bí thư Thành ủy Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin Trung Quốc hạ cấp độ phòng chống dịch COVID-19, ngày 21.12.2022, UBND thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Chính quyền nhân dân thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đã hội đàm, trao đổi thông tin thống nhất một số phương án.

Hiện tại, các điều kiện để mở cửa khẩu địa phương đã sẵn sàng. Về xuất nhập khẩu hàng hóa, TP.Móng Cái cũng đang rất quan tâm công tác hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Giảm giá dịch vụ logicstic để tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, phối hợp giữa các lực lượng chức năng thực hiện cải cách hành chính, nhất là các thủ tục thông quan, xây dựng cửa khẩu số, công khai minh bạch thông tin, tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng các khu dịch vụ bến bãi, đặc biệt là cảng Vạn Ninh không để tình trạng ùn tắc hàng hóa xảy ra.

Việc chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện, đồng thời thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế, nhất là trong công tác phòng chống dịch sẽ là những cơ sở quan trọng để Móng Cái nói riêng và Quảng Ninh nói chung đón tiếp tốt nhất lượng người cũng như hàng hóa qua cửa khẩu trong thời gian tới.

Đảm bảo hàng hóa lưu thông


Ngày 4.1, theo thông tin từ  Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, đơn vị vừa nhận được thư của Ban Ngoại vụ huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) thông báo về việc khôi phục hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
 

Cửa khẩu biên giới Việt - Trung tại Lào Cai dự kiến mở cửa hoàn toàn từ 8.1. Ảnh: Văn Đức
Cửa khẩu biên giới Việt - Trung tại Lào Cai dự kiến mở cửa hoàn toàn từ 8.1. Ảnh: Văn Đức


Theo đó, từ ngày 8.1, phía Trung Quốc sẽ khôi phục toàn diện hoạt động thông quan qua các cửa khẩu lối mở biên giới - Cửa khẩu đường sắt sông Nậm Thi, cửa khẩu đường bộ sông Hồng Trung - Việt.

Cụ thể, các phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và lái xe sẽ xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, thời gian thông quan từ 7-19h hằng ngày.

Người và các phương tiện đi cùng sẽ xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Thời gian thông quan từ 7-22h. Để khôi phục hoạt động xuất, nhập khẩu, xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Lào Cai được tiến hành, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã thông báo các đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo đó, trong thông báo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh yêu cầu các đơn vị có phương án bố trí lực lượng, đảm bảo các điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu theo đúng quy định.

Ngoài ra, thông báo công khai tại cửa khẩu cho các tổ chức, cá nhân hoạt động tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai về thông báo của phía Hà Khẩu, Trung Quốc biết và thực hiện.

Trước đó, tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh Lào Cai, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai và lãnh đạo TP.Lào Cai đã đề cập đến việc cửa khẩu biên giới với Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn.

Tại TP.Lào Cai, có 3 cửa khẩu phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu và đi lại của nhân dân hai nước gồm cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, cửa khẩu quốc tế Lào Cai và ga đường sắt cửa khẩu Lào Cai. Trên địa bàn tỉnh còn có cửa khẩu Bản Vược (Bát Xát) và cửa khẩu Mường Khương.

Năm 2022, giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tại Lào Cai đạt trên 2 tỉ USD. Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu cho năm 2023 là 5 tỉ USD.

 

Ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho hay: "Cửa khẩu biên  giới sẽ thông thương hoàn toàn, đây là cơ hội rất lớn, UBND tỉnh cần chỉ đạo lập kế hoạch, kịch bản để triển khai".


Theo Nguyễn Hùng - Đoàn Hưng - Văn Đức

https://laodong.vn/kinh-doanh/ky-vong-o-nhung-cua-khau-ti-usd-1135038.ldo
 

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.