Đào tạo nghề trình độ cao ở Gia Lai:Nhu cầu bức thiết từ thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, chất lượng nguồn lao động trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Hơn nữa, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của thị trường.
Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 800.000 người trong độ tuổi lao động nhưng tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm trên 69%. Cuối năm 2018, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá, cơ cấu lao động được đào tạo nghề theo trình độ chuyên môn-kỹ thuật đã tăng lên 50% so với năm 2010 (30%), nhưng số lao động được đào tạo từ cao đẳng nghề lên đại học lại tăng chậm.
Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai-cho rằng: Đây là vấn đề còn nhiều bất cập. Trên thực tế, hoạt động đào tạo nghề chất lượng và trình độ cao chưa được quan tâm đúng mức, trong khi nguồn lao động này đang được các doanh nghiệp ưa chuộng. “Nguyên nhân là do mạng lưới cơ sở đào tạo của tỉnh chưa được quy hoạch đồng bộ. Một số cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô, năng lực, chất lượng. Cơ cấu đào tạo lao động, kỹ thuật lành nghề để phục vụ cho các ngành kinh tế mũi nhọn còn bất hợp lý; hệ thống thông tin việc làm, lao động chưa khảo sát, cập nhật đầy đủ, thường xuyên…”-ông Điều chia sẻ.
  Học nghề công nghệ ô tô ở Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Ảnh: Đ.Y
Học nghề công nghệ ô tô ở Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Ảnh: Đ.Y
Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Trưởng khối giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai-nhận định, nhân lực nhiều ngành kỹ thuật như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, tester, nhân viên phát triển phần mềm, thiết kế lập trình web, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp... đang được các doanh nghiệp tìm kiếm nhưng nguồn cung cả nước mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu tuyển dụng, còn ở Gia Lai thì nguồn nhân lực này lại càng hạn chế.
Trong khi đó, ông Trương Quốc Cường-Giám đốc Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai thì cho biết: “Doanh nghiệp chuyên khai thác, sản xuất đá granite và đá bazan nên có nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề, trình độ cao để vận hành những thiết bị, máy móc hiện đại. Nhưng muốn có nguồn nhân lực đáp ứng với công nghệ thời 4.0, sau khi tuyển dụng Công ty vẫn phải đào tạo lại, rất mất thời gian, công sức và tiền của”.
Nhiều giải pháp thiết thực
Nắm bắt xu thế phát triển chung của xã hội, từ năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 877/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020. Theo quy hoạch, mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ đào tạo khoảng 300.000 lao động, trong đó hơn 1.300 người đạt trình độ nghề trên đại học, đào tạo mới hơn 50.000 cử nhân cao đẳng, đại học, số còn lại là trung cấp chuyên nghiệp và nghề để đáp ứng tốt nhu cầu về nhân lực của tỉnh trong tương lai.  
Mới đây, khi đến thăm và làm việc với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai, ông Doron Lebovich-Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam-đánh giá: Những năm qua, giữa Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và các trường đại học tại Israel đã duy trì mối quan hệ hợp tác rất tốt, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Phó Đại sứ Israel mong muốn, thời gian tới, nhà trường tiếp tục đào tạo, định hướng cho sinh viên để các em chuẩn bị tốt kiến thức, khả năng ngoại ngữ trước khi tham gia chương trình Thực tập sinh nông nghiệp tại Israel.
Tiến sĩ Trần Cao Bảo cho biết thêm: “Với dân số chỉ có 8,8 triệu dân, diện tích bằng 1/16 Việt Nam, khí hậu khắc nghiệt với hơn một nửa là sa mạc nhưng Israel lại được biết đến là đất nước của công nghệ kỹ thuật số và nông nghiệp. Năm 2018, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai đã cử 20 sinh viên sang Israel tham gia chương trình Thực tập sinh nông nghiệp. Hy vọng thời gian tới, tỉnh ta sẽ có thêm nguồn nhân lực lành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ nhu cầu phát triển chung của tỉnh nhà”.
Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai hiện cũng là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực lành nghề và trình độ cao. “Trong kỷ yếu tốt nghiệp, chúng tôi đều cập nhật thông tin về nơi làm việc của sinh viên; trên cơ sở dữ kiện này, nhà trường xác định có 97% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhà trường còn có Phòng Vật tư thiết bị và Tiếp xúc doanh nghiệp, nhờ đó các doanh nghiệp có thể trao đổi, quan sát cách chúng tôi thiết kế chương trình học xem có phù hợp với nhu cầu tuyển dụng hay không. Sau 2 đến 3 năm, chúng tôi cải tiến và tiếp tục mời các nhà quản lý doanh nghiệp đến để tham khảo ý kiến. Cách làm này giúp nhà trường giữ mối quan hệ thường xuyên với doanh nghiệp, giúp sinh viên ra trường thuận lợi hơn trong tìm kiếm việc làm”-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai thông tin.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.