Đắk Nông phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng khai thác nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn. Về phía tỉnh Đắk Nông xác định việc thực hiện chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
 
Sản phẩm quýt đường của chị Nguyễn Thị Mai đạt chứng nhận OCOP tỉnh Đắk Nông nên có giá trị cao hơn, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Dương Phong
Sản phẩm quýt đường của chị Nguyễn Thị Mai đạt chứng nhận OCOP tỉnh Đắk Nông nên có giá trị cao hơn, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Dương Phong
Mang lại lợi ích cho nhiều nông dân
Năm 2018, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên được thành lập. HTX tập hợp nhiều nông dân có nhiều kinh nghiệm để trồng hồ tiêu hữu cơ. Đến nay, sản phẩm hồ tiêu của HTX đã được chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn của Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada và đạt OCOP hạng 3 sao.
Hiện nay, HTX có trên 195 ha hồ tiêu của 65 thành viên được chứng nhận hữu cơ quốc tế. Hàng năm, HTX cung cấp hàng trăm tấn sản phẩm hồ tiêu hữu cơ cho các công ty trong nước và xuất khẩu.
Nhờ chất lượng tốt, nên sản phẩm hồ tiêu của HTX luôn bảo đảm đầu ra ổn định, giá bán thường cao hơn nhiều so với các loại hồ tiêu thông thường trên thị trường.
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên cho biết, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông, có diện tích hồ tiêu rất lớn. Đây là lợi thế để HTX khai thác, nâng cao giá trị cho sản phẩm hồ tiêu.
Trước hết, HTX đã ứng dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ, đem lại giá trị kinh tế cao cho thành viên. Những năm qua, HTX luôn mua sản phẩm hồ tiêu của thành viên với giá cao hơn giá thị trường, trong đó có thời điểm cao hơn 160%.
Ngoài hiệu quả kinh tế nổi trội cho thành viên, vào những thời điểm dịch bệnh COVID-19 làm cho thị trường nhiều loại nông sản bị “tê liệt”, sản phẩm hồ tiêu của HTX vẫn tiêu thụ thông suốt.
Trong đó, năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng HTX vẫn bán hồ tiêu hữu cơ với giá trung bình 95 triệu đồng/tấn, có thời điểm giá lên tới 120 triệu đồng/tấn tiêu đen hữu cơ.
 
Các sản phẩm mắc ca Như Ý ở huyện Tuy Đức đang có đầu ra rộng mở trên thị trường. Ảnh: Phan Tuấn
Các sản phẩm mắc ca Như Ý ở huyện Tuy Đức đang có đầu ra rộng mở trên thị trường. Ảnh: Phan Tuấn
Không riêng gì sản phẩm Hồ tiêu hữu cơ của HTX Hoàng Nguyên, hầu hết các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều đã gia tăng về mặt giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy, doanh thu của sản phẩm OCOP tăng bình quân 26%/năm.
Ngoài ra, các sản phẩm cũng có giá bán tốt hơn sau khi được chứng nhận OCOP. Nổi bật như sản phẩm tiêu đen hữu cơ của HTX Hữu cơ Hoàng Nguyên; hạt mắc ca Như Ý của hộ kinh doanh Như Ý; “Mắc ca M’nông” của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực; Gạo ST25 của HTX Lúa gạo Buôn Choáh; cà phê của HTX Phát triển nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái…
Phát triển 47 sản phẩm OCOP
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 47 sản phẩm của 41 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đến từ các huyện, thành phố.
Trong đó, có 5 sản phẩm OCOP hạng 4 sao, 42 sản phẩm hạng 3 sao. Các sản phẩm được công nhận OCOP đều có tính đặc trưng, tiêu biểu của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Thời gian qua, việc triển khai Chương trình OCOP được các cấp, ngành và địa phương thực hiện lồng ghép với dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia và đạt kết quả tích cực.
 
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã phát triển được 47 sản phẩm OCOP, gắn với nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Tâm Nguyễn
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã phát triển được 47 sản phẩm OCOP, gắn với nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Tâm Nguyễn
Trong đó, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng có nhiều chủ trương, chính sách đồng hành với các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP.
Hàng năm, ngành chuyên môn, địa phương thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tỉnh, ngành chức năng tổ chức cho các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, sự kiện để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm…
Các hoạt động này đã tạo động lực và điều kiện để các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, hoàn thiện sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường. Sau 3 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Đắk Nông đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Chương trình cũng có những tác động tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương.
Chương trình OCOP còn tạo ra phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn.
Theo ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, Chương trình OCOP đã giúp các địa phương tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Nhờ có OCOP, các địa phương đã chú trọng, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tốt tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn.
OCOP đã góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Quan trọng hơn, các sản phẩm OCOP đã mang lại thu nhập tốt hơn cho nhiều người dân.
Theo Phan Tuấn (LĐO)

https://laodong.vn/kinh-doanh/dak-nong-phat-trien-san-pham-ocop-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-1127831.ldo

Có thể bạn quan tâm