"Hình như mùa đã lỡ": Đọc để yêu cả những bất trắc của cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến “Hình như mùa đã lỡ”, thơ Bùi Kim Anh không còn những mê đắm, khát khao hay những dằn vặt, tự vấn giữa chông chênh bão tố đời người như ở “Cỏ dại khờ” hay “Bán không cho gió”, “Lời buồn trên đá”… Thay vào đó là những tâm sự nhẹ nhàng mà lắng sâu của một người đàn bà lớn tuổi, đã “ngụp lặn” đủ những ngọt-bùi-đắng-cay của kiếp đời.

“Hình như mùa đã lỡ” là tập thơ thứ 10 của nữ sỹ Bùi Kim Anh, một tập thơ đẹp và dày dặn với 122 bài thơ. Ở đó, chị viết về tình yêu, tình mẫu tử, những câu chuyện nhân tình thế thái bằng một trái tim ấm áp, sự bao dung và thái độ quý trọng từng phút giây của cuộc sống.

 

Tập thơ thứ 10 của nhà thơ Bùi Kim Anh.
Tập thơ thứ 10 của nhà thơ Bùi Kim Anh.

Trước đây, thơ Bùi Kim Anh thường buồn, chất chứa nhiều ẩn ức, ngập tràn cảm giác bơ vơ, chống chếnh đến tuyệt vọng bởi nó được “chắt” ra từ chính những biến cố gia đình, những cay cực của đời chị. Cũng bởi lẽ ấy, độc giả đôi khi không tránh được tiếng thở dài và thậm chí là cảm giác nặng nề bị lan truyền sang khi đọc thơ Bùi Kim Anh.

Lần này, “Hình như mùa đã lỡ” cho thấy một diện mạo khác của thơ Bùi Kim Anh, mang tới cho người đọc cảm giác nhẹ nhõm, thư thái, truyền đến một nguồn năng lượng tích cực để biết yêu cả những… bất hạnh, trắc trở của cuộc đời. Tất cả đều được thể hiện bằng một giọng điệu thủ thỉ tâm tình, sự tĩnh lặng và cả những khắc khoải của một người đàn bà có tuổi.

“Già rồi nghẹn miếng cơm ăn/nghẹn thời gian niềm đau năm tháng/ giá như trao được/ còn được gì trao lại cho con/ đã thừa thãi rồi sự đời mất còn/ đã hao hụt rồi bình minh mỗi sớm/ và đêm vò võ cơn mê…” (trích “Chiều cuối năm mẹ đợi”).

Nhà thơ Bùi Kim Anh là một gương mặt quen thuộc của thi đàn từ hơn hai thập kỷ nay. Thơ chọn chị và gắn chặt vào chị như một cái “nghiệp” bên cạnh nghề giáo của chị. Dù làm thơ kiểu “tay ngang” nhưng dường như, càng lớn tuổi, nhà thơ càng viết nhiều - viết như một niềm vui sống, không chỉ để thỏa niềm say mê văn chương, chữ nghĩa mà còn để trải lòng.

Những tâm sự đong đầy, những ưu tư trĩu nặng trước sự chuyển động của thời gian ẩn sâu trong những câu thơ khi mới đọc thì tưởng như nhẹ tênh và có phần dàn trải: “Ta ngồi đếm buổi tháng 10/ thấy ngày trống, thấy lá rơi lối về/ thấy chiều trên một dải đê/ con đò gày đến tái tê đợi chờ/ thấy mình là kẻ ngẩn ngơ/ cứ trông ngóng một vu vơ đến già” (trích “Ta ngồi đếm buổi tháng 10”).

Thơ lục bát vốn được coi là một trong những thế mạnh của nhà thơ Bùi Kim Anh. Thế nhưng, ở “Hình như mùa đã lỡ”, thể thơ này lại rất ít xuất hiện. Thay vào đó là lối viết thơ không vần điệu, câu thơ ngắn, thậm chí một câu thơ được cắt thành nhiều dòng, tập trung diễn tả sự kìm nén của cảm xúc. Điển hình như ở “Người đàn bà không ngủ,” nhà thơ viết: “Người đàn bà gom mỗi ngày/niềm yêu nhớ/xâu chuỗi hạt… Người đàn bà làm thơ/ buồn/ gió giật từng trang…”.

Bùi Kim Anh là vậy! Trước tất cả những đòn đau của số phận, sự khắc nghiệt trên đường đời, nhà thơ đón nhận và vượt qua tất cả bằng sự bền bỉ sống và viết; không than khóc, trách móc hay phản ứng lại bằng sự nổi loạn, phá phách…

Dù có một giọng điệu khác nhưng “Hình như mùa đã lỡ” vẫn nằm trong nguồn mạch sáng tác chung của một người phụ nữ có nụ cười ấm áp, ánh nhìn lãng đãng và trái tim nhân hậu, đầy yêu thương.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.