Giấc mơ không rực rỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một buổi sáng đẹp trời, Mai chợt phát hiện ra là mình đẹp, mình có sức thu hút đàn ông. Mai cũng phát hiện ra rằng mình có ông chồng là Minh keo kiệt hơn tất cả những người đàn ông keo kiệt trên thế gian này. Cùng lúc đó, một anh chàng khá lịch lãm xuất hiện làm cho trái tim Mai bỗng tỉnh thức giống như một hạt mầm đang vùi sâu trong nhúm đất khô, rồi mưa đổ xuống làm cho thấm đất, hạt mầm cựa mình nhú ra những lá non.

Đó là 3 tháng sau khi Mai nghỉ việc ở xưởng may công nghiệp, chuyển sang mở quán bán hàng ăn tại nhà. Chấm dứt cuộc sống của một cô công nhân tối ngày lầm lũi trong phòng may với bộ đồng phục xanh, gương mặt luôn phải đeo khẩu trang, bàn tay luôn phải đeo găng. Một cô công nhân chỉ dán mắt vào chiếc bàn máy may tự động, đạp những đường chỉ. Động tác ấy cứ diễn ra từ ngày này sang ngày khác đã làm phung phí cả tuổi xuân của Mai gần 10 năm trời.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Lúc đầu là hụt hẫng khi công ty may xuất khẩu chỗ Mai đang làm bị thua lỗ, không đủ nguyên liệu sản xuất, sa thải hàng loạt công nhân, trong số đó có Mai. Thất nghiệp, Mai loay hoay với chuyện cơm áo gạo tiền, không biết xoay xở vào đâu thì một hôm đi ăn cháo lòng, bỗng cô lóe lên ý nghĩ mình sẽ mở hàng ăn như thế. Bởi lẽ Minh cũng chỉ là bảo vệ của một nhà máy, lương một anh bảo vệ chắc chắn không đủ chi phí cho một gia đình 4 người, dù gia đình Mai đã tiết kiệm chi tiêu như không xài bất cứ thiết bị nào liên quan đến điện được gọi là xa xỉ như tủ lạnh, máy lạnh. Chiếc ti vi ở nhà cũng không nối cáp để khỏi trả thêm tiền. Cả nhà chẳng bao giờ ra quán, những bữa ăn thịnh soạn chỉ diễn ra năm thì mười họa bằng cách ra chợ mua một con vịt về tự chế biến.

Sự túng quẫn luôn làm cho hạnh phúc gia đình dễ đứng bên bờ rạn vỡ. Ngày cuối tuần ở nhà Mai chỉ có bóng điện tù mù ở phòng khách, bữa cơm không có bao nhiêu thức ăn với tiếng bát đũa khua nhau buồn không chịu nổi. Chính quán ăn đã mở cửa cho những tiếng cười trở lại.

Thật ra thì ở thành phố này, bất cứ ngành nghề nào cũng đều không có gì mới mẻ. Chỉ riêng con đường chưa tới 500 m đi ngang nhà Mai, mỗi buổi sáng đã có trên 20 quán cà phê cóc bày bán. Nhưng những quán cà phê đông khách không phải do cà phê giá rẻ, thơm ngon mà là nhờ cô chủ quán ăn mặc hơi sexy một chút, trẻ tuổi và xinh. Cho nên đó là lý do để Mai mở quán cháo lòng dù ở đầu ngõ cũng có một quán mở bán đã hơn 2 năm nay.

Quán với tấm bảng kẻ sơn màu đỏ vụng về trên miếng tôn cũ trên lý thuyết là gây phản cảm đối với người ăn, nhưng rồi lại trở nên đắt khách bởi giá cả bình dân và bởi lời đồn của cánh đàn ông. Những tay đàn ông chỉ bỏ ít tiền ra đã có một bữa say, lại có thể được nhìn cô chủ quán lúc nào cũng rực rỡ giống như một con bướm lượn, mặc chiếc quần rất ngắn, dẫu cô ta không có cặp chân dài như các cô hoa hậu hoặc người mẫu nhưng vẫn rất gợi cảm. Chỉ bỏ ít tiền lại được những cái va chạm, đôi khi cô chủ cố tình mặc áo rộng cổ, cúi xuống dọn bàn, dẫu khách chỉ thấy chiếc áo ngực nhỏ hững hờ bên trong nhưng cũng đủ cảm giác.

Quán ngày càng đông, Mai cũng bắt đầu đổi khác. Cuộc sống lạ thế, khi tất bật xoay xở để tính từng bữa ăn trong nhà thì không ai quan tâm chuyện shop thời trang hôm nay có quần áo gì mới. Nhưng khi đã thoát khỏi vòng cơm áo thì lại nảy sinh ra nhu cầu mới ngoài nhu cầu áo cơm.

Quân, anh chàng tài xế đường dài một hôm xuất hiện theo lời mời của bạn bè. Lần đầu tới quán, Quân vẫn là người khách bình thường, rồi mãi thành bất bình thường vì anh quyết phải giành lấy trái tim của cô chủ quán cháo lòng, dẫu anh biết rằng Mai đã có chồng.

Quân vừa mới ly dị vợ. Nghe đồn vì cái thói trăng hoa của anh mà cô vợ cương quyết chia tay, hai người chưa có mặt con nào. Quân xuất hiện ở quán Mai chẳng khác nào một anh chàng hào hoa phong nhã, tạo ấn tượng cho Mai ngay tức khắc. Có thể bởi Mai phải  thường xuyên sống với một ông chồng gần như không quan tâm tới vợ, đời sống khó khăn và bản tính keo kiệt khiến cho Minh như một cái bóng. Mai, vốn khát khao được bay nhảy, giờ đây như được chắp thêm cánh bởi những lời hoa mỹ của người đàn ông từng trải tên Quân.

Không cần những hạt mưa thấm lâu, Quân nhìn trong mắt Mai thấy đầy sự khát khao, còn Quân thì thiếu một người đàn bà bên cạnh từ khi bị vợ bỏ. Mai đã ngả về phía Quân như một cô gái mới lớn lần đầu tập yêu.

Quán bán tới 8 giờ là hết khách. Còn Minh thì làm theo ca, 2 đứa con đi học. Giờ vắng vẻ ấy là giờ thiêng liêng của hai người. Chỉ cần chốt lại khóa, bước chân ra sau dăm bước. Sau những giây phút ấy, Quân nói với Mai: “Nếu em không có chồng, anh sẽ cưới em làm vợ”. Cũng trong thức tỉnh ấy, Mai vùi trong gối chăn: “Thực không? Anh nói là nhớ lời đấy nhé”. “Ừ, anh nhớ mà”.

Căn nhà nhỏ như hộp diêm. Hai căn phòng nhỏ ngày trước một dành cho con, một dành cho hai vợ chồng bây giờ được chia lại: Mai một phòng, Minh một phòng. Phần phòng khách và hiên nhà lấn ra vỉa hè vẫn là sở hữu chung để Mai bán cháo lòng. Hai người tạm thời ly thân để đợi ngày chia tay nhau.

Mai mơ đến một ngày sẽ về ở với Quân. Một cuộc đời khác lộng lẫy hơn, sang trọng hơn. Bởi Quân có đủ tính cách của một người đàn ông Mai mong muốn: Làm nhiều tiền, biết đưa Mai đến những nhà hàng sang trọng, biết nhắn tin hẹn hò, thỉnh thoảng gọi điện nói những lời ngọt ngào. Quan trọng hơn là Quân biết nhớ cả những ngày kỷ niệm như ngày sinh nhật của Mai, ngày 8-3, ngày Lễ tình nhân… Từ khi lấy chồng, Mai cũng quên bẵng rằng trong cuộc sống cũng cần phải có những ngày kỷ niệm. Cho đến khi Quân xuất hiện.

Người đàn ông cục mịch như Minh cũng đã một lần nổi cơn ghen. Hôm đó anh bị bệnh, cơn sốt do bị dầm mưa khiến anh phải nghỉ ba ngày ở nhà. Chồng bệnh, nhưng Mai vẫn ung dung lả lơi với những người khách đến quán. Buổi trưa, Mai để nồi cháo nấu cho Minh trên bếp, kệ cho bếp lò. Quân tới, Mai và Quân như hai vợ chồng lả lơi giỡn hớt ở phòng khách. Nồi cháo cạn nước, rồi cháy khét. Minh phải chồm khỏi giường bệnh, ra bếp tắt lửa. Từ bếp, Minh nhìn thấy Mai và Quân đang ôm nhau. Vậy mà Minh lẳng lặng trở về lại phòng, trùm kín chăn lại.

Mấy ngày sau cơn giận của người đàn ông mới bùng nổ. Đó là lần đầu tiên Minh ghen. Minh vung tay tát Mai mấy cái đến độ Mai phải sững sờ nhìn thẳng vào mặt Minh: “Anh điên à? Anh cũng biết ghen à?”. Và cũng là lần đầu tiên trong đời, Minh với tay cầm những chiếc chén, chiếc đĩa bán hàng ném vỡ tan tành xuống nền nhà. Minh nói như hét: “Ly dị đi”. Mai cũng không vừa: “Ly dị thì ly dị”.

Minh xin nghỉ phép năm. Anh quyết định về quê trước khi cuộc ly thân chấm hết, để ngẫm lại giấc mơ tình.

Mai vui như con chim vừa được sổ lồng, như buổi sáng mai rực rỡ. Nhưng lạ chưa, biết Minh đã về quê, biết Mai đã ly thân với chồng mà cả nửa tháng ròng không thấy bóng dáng Quân tìm tới. Gọi điện, vẫn chỉ là những âm thanh của một chiếc điện thoại ở ngoài vùng phủ sóng.

Buổi chiều của ngày thứ 15 Quân không tới quán. Mai diện bộ quần áo thật đẹp, không quên nhỏ vài giọt nước hoa và phóng xe tới nhà Quân. Căn nhà ấy tất nhiên là Mai rất quen. Quen cánh cửa mở, quen căn phòng ngủ nát nhàu nệm gối, quen tiếng cười tiếng nói cùng Quân. Đó là căn nhà Quân thuê từ ngày ly dị vợ. Nhưng Mai chỉ thấy trước căn phòng khóa kín cửa treo một tấm bảng: “Nhà cho thuê”.

Bà hàng nước bên kia đường, đối diện với nơi Quân ở, buông thõng một câu với Mai: “Cậu Quân chuyển nhà rồi. Nghe nói tháng sau cậu ta lấy vợ”.

Khuê Việt Trường

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.