Gương mặt thơ: Lữ Mai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đọc thơ nữ có cái thú riêng của nó. Lữ Mai là một trường hợp như vậy. Những quan sát rất độc đáo, kiểu như: “bạn rót trà/từ nóc nhà có làn mây sà xuống”, liên tưởng cũng chênh vênh “mùa thu vừa rơi vừa ngủ”, mà thơ thì rất cần sự chênh vênh như thế.

 

Quê xứ Thanh, đang làm tại Vụ Văn hóa-Văn nghệ Báo Nhân Dân, chị sống trọn trong môi trường thi ca theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng: Chồng là nhà thơ, con gái cũng có năng khiếu nghệ thuật rất rõ, từ nhà tới cơ quan chỗ nào cũng thơ, cũng chữ nghĩa. Môi trường sáng tạo rất quan trọng để người ta có thể sống hết mình với nghệ thuật, Lữ Mai có môi trường ấy, có tài năng bẩm sinh, được đào tạo cơ bản về chữ nghĩa. Và, thơ chị chứng tỏ chị đã tận dụng hết những gì mà cả thiên-thời-nhân ưu ái cho mình. Những câu thơ như thế này khiến ta không thể không bất giác mà giật mình: “mưa ấm đất và hoa xoan phủ nhận/cách lụi tàn nền nã nhất trần gian”. Và, trong chùm thơ này, những câu khiến ta giật mình không ít.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.



CHUYẾN KHỞI HÀNH TƯỞNG TƯỢNG

Cỏ đã hoài thai trong những vệt mây trời
điều đánh mất sáng ngời và căng chật
chuyến đi thoát cơn trầm mặc
chỉ con đường ma mị đuổi theo xe.

bọt nước vẽ màu hoa trắng
thác đổ âm ba tịnh độ chín tầng
ta chọn cách soi mình vào hoang dại
sỏi đá reo tiếng lũ mèo rừng.

cuối cùng
mưa ấm đất và hoa xoan phủ nhận
cách lụi tàn nền nã nhất trần gian.

Minh họa: H.T
Minh họa: H.T






UỐNG TRÀ TRÊN ĐỈNH NÚI

Bạn rót trà
rót cả bài ca chim núi
tiếng hót tan chát ngọt môi người.

mái rêu đang vỗ về ta lúc này
xanh um như tóc
rầm rĩ trút xuống như ai khóc.

mẹ chuyện cùng bếp lửa
sáng phơ phất lau rừng
niềm khúc khuỷu trũng buồn đáy mắt.

vợ bạn tất bật chiều khói bếp
con trẻ khóc òa trong vắt
lát cắt vực đèo chầm chậm ngấm sang ta.
bạn rót trà
từ nóc nhà có làn mây sà xuống
những sợi tóc ánh lên mũi nhọn rất êm đềm.

 

Minh họa: H.T
Minh họa: H.T





TỪ NÚI

Thanh âm ấy vừa rời bỏ tôi
tự mỏm núi dội trong tầng sóng
mỗi trái hồng ngâm làm một mặt trời
mùa thu vừa rơi vừa ngủ.

gió đã chín bời bời vào lúa chín
chim đã hót quên vào quên quên
người chết lặng bởi vững bền vướng bận
mũi đò kia nhọn bóng xa gần.

cũng đến lúc đò đắm vì tưởng tượng
ta hóa nhành lau trắng mờ mây
sông núi biết đâu mà lỗi hẹn
chỉ ta với nhau
nghẹn đòng.

cũng đến lúc tiếng chim mùa hạt
gieo lòng sâu mọc nên mùa cây
những bóng người tìm nhau thôi run rẩy
nhẹ hơn bóng núi
và bay.

  Minh họa: H.T
Minh họa: H.T

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...