(GLO)- Trước một mốc thời gian, bồi hồi nhớ về quá khứ, soi vào hiện tại, đan xen với mơ ước tương lai là quy luật chung của tâm lý con người. 40 năm sau ngày Pleiku giải phóng, nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta ngưỡng mộ, tự hào với những gì Đảng bộ, quân và dân thành phố phấn đấu đạt được, củng cố thêm niềm tin trên hành trình đi tới.
Những chỉ số phát triển năng động
Ông Trọng (phường Hội Phú) nhớ lại: Mãi đến mấy ngày sau khi giải phóng, Pleiku vẫn còn ngổn ngang súng ống, đồ đạc, quần áo, giày lính, xe cộ vứt lung tung, bừa bãi. Một cảnh tượng kinh hoàng của chiến tranh, của sự thất bại buộc phải tháo chạy và đầu hàng. Thời điểm đó, tôi không có mặt tại đây nhưng trong trí óc đủ nhận biết của mình và những trang viết trong các tập sách, những trang sử… giúp tôi đủ hình dung về sự kiện “có một không hai” này.
Chính con người chứ không ai khác và thời gian với phép màu của nó đã làm lành vết thương, hồi sinh cuộc sống và phát triển. Trước hiện thực hôm nay, thật khó hình dung những vất vả, khó khăn như thế nào khi ngay sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng bắt tay ổn định trật tự xã hội, trấn áp bọn phản động, tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa người dân về nơi ở cũ, khôi phục và phát triển sản xuất. Tiếp đó là công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo xã hội chủ nghĩa, bài trừ FULRO, góp phần xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập dưới sự lãnh đạo của Đảng. Làn gió mát lành của tư duy đổi mới thổi tràn kể từ năm 1986 nhưng phải đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, công cuộc làm ăn, phát triển kinh tế, quy hoạch, đầu tư xây dựng và chỉnh trang đô thị thành phố mới thực sự sôi nổi. Đặc biệt kể từ năm 1999-khi được công nhận là thành phố thuộc tỉnh, Pleiku mới chuyển mình mạnh mẽ.
Điểm qua những chỉ số đánh giá từ ngành chức năng để thấy sự phát triển này là như thế nào: sau 15 năm trở thành thành phố, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Pleiku đạt 15%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 1999 là gần 5,5 triệu đồng thì đến năm 2014 đạt 34 triệu đồng. Trong GDP, nếu năm 1999 tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng là 28,19%; thương mại-dịch vụ 63,77%; nông-lâm nghiệp 8,04% thì đến năm 2014, tỷ trọng này lần lượt là: 44%, 51% và 5%.
Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh nên công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, làm cho thành phố phát triển toàn diện cũng được đẩy mạnh. 100% thôn, làng thành phố bây giờ đều có đường nhựa tới nơi; 100% đường chính trong khu trung tâm thành phố được đầu tư khá hoàn chỉnh và đồng bộ; 100% hộ dân được dùng điện, nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; hệ thống thông tin liên lạc được mở rộng; các khu-cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng; hệ thống dịch vụ đáp ứng các hoạt động kinh tế và xã hội; hệ thống vỉa hè, cây xanh, thảm cỏ, điện chiếu sáng được quan tâm đầu tư tương xứng. Công tác xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được chú trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao, chương trình xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, Đảng bộ thành phố đã có Nghị quyết 05 năm 2011 đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị. Huy động bằng nhiều nguồn lực, đến nay bộ mặt của thành phố trở nên khang trang, quy củ và hiện đại lên trông thấy.
Định hướng và tầm nhìn chiến lược
Đã có những đổi thay, tiến bộ, nhưng đặt trong bối cảnh chung, tốc độ phát triển của Pleiku vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng. Ý thức điều đó, năm qua, Pleiku đã triển khai điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đưa TP. Pleiku trở thành đô thị loại I trước năm 2020. Đến lúc đó, theo hình dung của Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Quang: Pleiku phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa hình đồi núi, rừng và tập quán địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, có vị trí quan trọng và ảnh hưởng trong Tam giác phát triển: Việt Nam-Lào-Campuchia, là điểm giao thương kết nối giữa các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên của Việt Nam.
Định hướng này hình thành trên cơ sở của kết quả điều tra, khảo sát quy hoạch, điều chỉnh và bổ sung trong nhiều năm, tham khảo ý kiến của chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, cả trong và ngoài nước và kết quả phụ thuộc vào sự lãnh đạo, điều hành thực hiện của thế hệ lãnh đạo hôm nay. Trên thực tế, một số ý tưởng và nhiệm vụ đã được hiện thực hóa. Tuy nhiên để Pleiku là thành phố văn minh, hiện đại, bền vững, có bản sắc riêng, phát huy ưu thế công nghiệp, dịch vụ, hay du lịch thăm khám sức khỏe và nghỉ dưỡng như các chuyên gia Pháp đề xuất, trong xu thế hội nhập và phát triển, còn và còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Cả những giá trị tưởng như vô hình nhưng rất Pleiku, riêng có Pleiku, không lẫn vào đâu được dựa trên đặc điểm địa hình, khí hậu, không gian cảnh quan, kiến trúc, con người, văn hóa, lễ hội... Cúc quỳ vàng rực đồi Hàm Rồng khi mùa khô bắt đầu; Biển Hồ-đôi mắt Pleiku xanh trong, mát lành khiến bao người bỡ ngỡ; hương vị cà phê độc đáo quyện trong màn sương sớm,… rất nhiều vẻ đẹp Pleiku như thế, cả tiềm ẩn và nổi bật. Lý do để người ta nhớ thương, cồn cào trở về, quay lại, đến thăm có khi là thế.
Nhớ tiếc cái cũ, mong ước về sau-điều đó thật dễ hiểu. Nhưng không chỉ có thế, cái mới đã, đang sinh sôi, nảy nở, phong phú, trở thành tiếng thơm cho người Phố núi. Suối Hội Phú đang được triển khai làm kè hai bên bờ, phấn đấu cải tạo môi trường sinh thái thành phố. Biển Hồ bây giờ đã là một lâm viên thực thụ. Các doanh nghiệp, doanh nhân nức tiếng trong đầu tư, làm ăn kinh tế, chăm lo phát triển thể thao. Người dân Phố núi cởi mở, năng động, sôi nổi. Không bất ngờ khi bây giờ nghe câu “Gái Gia Lai, trai Phố núi”. Phải trên cơ sở nào đó mới có câu nói như thành ngữ mới này. Và đó quyết không phải là những người trẻ hào nhoáng, rẻ tiền, trống rỗng. Sự nghiệp phát triển thành phố, tương lai của thành phố trông đợi vào họ để đẹp hơn, giàu hơn, văn minh hơn. Có thế họ mới xứng đáng là lực lượng kế tục, biết phát huy truyền thống để gánh vác sự nghiệp mà thế hệ cha ông đã phấn đấu và trao lại.
Thất Sơn