Theo phương án giao- nhận khoán sản xuất cà phê giai đoạn 2011-2015 của Công ty Cà phê Đak Đoa thì năng suất giao nhận khoán là 11.300 kg cà phê quả tươi/ha/năm; sản phẩm nộp khoán tạm tính là 7.286 kg cà phê quả tươi/ha, thời gian giao nhận khoán là 5 năm (2011-2015). Dự toán tổng chi phí đầu tư cho 1 ha cà phê kinh doanh là 80.347.591 đồng; trong đó Công ty đầu tư 51.803.199 đồng, người nhận khoán đầu tư 28.544.320 đồng.
Ảnh minh họa |
Song dưới góc nhìn của người lao động và chính quyền địa phương thì hoàn toàn ngược lại. Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa- ông Nguyễn Đức Hoàng- phân tích: Với phương án trên, người nhận khoán đầu tư 35% tổng chi phí trên 1 ha cà phê nhưng sản lượng vượt, người nhận khoán chỉ được nhận dưới 50%, phần còn lại thuộc về Công ty. Tỷ lệ phân chia này so với phương án doanh nghiệp đầu tư 100%, người lao động làm công hưởng lương thì người lao động bỏ công, vốn đầu tư nhiều mà phần được hưởng lại ít. Trước khi xây dựng phương án khoán mới, doanh nghiệp cần tổng kết, đánh giá và giải quyết rốt ráo những vấn đề của phương án cũ nhưng việc này đã không được thực hiện và cuối cùng đã dẫn đến khiếu kiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- ông Phùng Ngọc Mỹ chất vấn: Phương án giao- nhận khoán hợp lý sao người lao động vẫn còn tụ tập đông người khiếu kiện. Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiều lần làm việc với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam song đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình hình khiếu kiện mà nguyên nhân có phần ở cung cách hành xử của Công ty Cà phê Đak Đoa với người lao động. Điển hình là trong các văn bản của Công ty gửi cơ quan có thẩm quyền có nêu vấn đề sẽ xử lý những trường hợp không chấp hành! Cách hành xử nặng về hành chính, xem nhẹ yếu tố tình cảm và giải thích, vận động, tuyên truyền đến người lao động về chủ trương khoán mới.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ yêu cầu Công ty Cà phê Đak Đoa cần triển khai phương án giao- nhận khoán 2011-2015 đúng quy trình từ dưới lên. Quá trình xây dựng phương án phải công khai, minh bạch nghĩa vụ và quyền lợi giữa các bên, từng khoản chi phí đến người lao động, tổ đội sản xuất, các tổ chức đoàn thể, tổ chức đảng trong đơn vị. Cần giải trình rõ những thắc mắc để người lao động chia sẻ, gắn bó, đóng góp cho Công ty.
Ủy ban Nhân dân tỉnh không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng yêu cầu phải giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện kéo dài, nếu không được thì Bộ Nông nghiệp và PTNT phải vào cuộc. Nếu tình trạng khiếu kiện vẫn tái diễn thì UBND tỉnh sẽ đề nghị thu hồi lại đất.