Phục dựng lễ "Cúng năm mới" của đồng bào Bahnar: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại xã Đak Tơ Pang, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với UBND huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) vừa tổ chức phục dựng nghi thức lễ "Cúng năm mới” của đồng bào Bahnar. Tại đây, đồng bào dân tộc Bahnar tại các buôn làng trên địa bàn đã mang đến các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc.
Đối với cộng đồng dân tộc Bahnar ở Kông Chro, cúng năm mới là nghi lễ vừa bày tỏ tấm lòng thành của dân làng đối với các thần linh, đồng thời thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên tạo nên sức mạnh của cộng đồng, là sự giao hòa giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên tạo vật và đáp ứng nhiều mong mỏi khác từ cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất từ xa xưa đến nay.
Lễ vật cúng gồm có 2 con heo, 2 con gà trống, thịt heo nướng, 3 ghè rượu. Thầy cúng và 3 người phục vụ (phụ tế) là già làng và những người được dân làng tín nhiệm. Khi đã chuẩn bị xong, thầy cúng Đinh Văn Phíp đứng trước nơi bày lễ vật, cất lời khấn thần linh: “Hỡi ông bà ở trên cao, ông Kei Dei-người giữ vạn vật linh hồn của cây dưa, bông, bắp, lúa. Hôm nay, chúng tôi cúng năm mới, kính mời ông bà trên cao xuống ăn uống cùng, cầu ông bà trên cao luôn soi sáng đường cho chúng tôi có cuộc sống ấm no, bình an. Mời ông bà trên cao chung vui với dân làng. Bây giờ, tôi gọi bà Kơ Nur cầu cho tất cả dân làng luôn khỏe mạnh, có lúa ăn, có nước uống, có lúa, có bắp để dành. Cầu ông bà trên cao luôn soi sáng đường cho chúng tôi”.
Các Thấy cúng đang khấn các thần linh
Cúng năm mới là phong tục độc đáo của người Bahnar, là dịp để những thành viên trong cộng đồng sum họp, thêm gắn kết. Ảnh: Hà Đức Thành
Theo ông Phíp, lễ cúng đầu năm rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Bahnar. Nghi lễ này là dịp để dân làng xin Yàng ban cho người dân được mạnh khỏe, không bị bệnh tật quấy nhiễu, giúp rắn rỏi đôi chân lên nương, lên rẫy. Đây là phong tục độc đáo của người Bahnar, cũng là dịp để những thành viên trong cộng đồng sum họp, thêm gắn kết trong những ngày đầu năm mới. Lễ vật cúng do tất cả người dân trong làng đóng góp, điều đó thể hiện sự đoàn kết và trách nhiệm của từng thành viên với cộng đồng. Lễ cúng là điểm tựa tinh thần nên dân làng luôn giữ lại những lễ cúng năm mới, cúng sức khỏe như một nét đẹp văn hóa.
Ngồi nhâm nhi bên ché rượu cần vừa cúng xong, già làng Đinh ANep (làng Đak Hway, xã Đak Tơ Pang) hồ hởi cho biết: “Hôm nay, mình rất vui vì được sống lại không gian văn hóa đặc trưng của người Bahnar. Già mong muốn không chỉ ở làng mình, xã mình mà cả cộng đồng người Bahnar trên địa bàn tỉnh cũng có những buổi lễ như thế này. Đây cũng là cách để trao truyền cho thế hệ trẻ tiếp nối và giữ gìn bản sắc văn hóa của người Bahnar”.
Dân làng Đak Hway (xã Đak Tơ Pang) đánh chiêng, múa xoang mừng lễ “Cúng năm mới”. Ảnh: Hồng Thắm
Dân làng Đak Hway (xã Đak Tơ Pang) đánh chiêng, múa xoang mừng lễ “Cúng năm mới”. Ảnh: Hồng Thắm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-cho biết: Thông qua việc phục dựng các nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, chúng tôi muốn chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống một cách đúng hướng. Di sản là tài nguyên du lịch không thể thay thế nên giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch theo hướng bền vững đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc cái mới, cái xây dựng sau nhất thiết phải tôn trọng di sản gốc. Với tinh thần dựa vào văn hóa để phát triển khi du lịch được xác định trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thì yêu cầu phát triển bền vững gắn liền với bảo tồn giá trị di sản càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, việc phục dựng các lễ hội truyền thống còn góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để thu hút du khách.
HÀ ĐỨC THÀNH

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.