Phú Yên: Người dân đạp rừng sâu, săn “sung dược”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bất chấp hiểm họa chết người từ rắn độc, muỗi rừng độc hại, nhiều nông dân tại các xã miền núi tỉnh Phú Yên vẫn thâm nhập từng cánh rừng sâu “truy tìm” mối chúa bán kiếm tiền. Gần đây, săn mối chúa làm “sung dược” trở thành nghề chính kiếm sống của nhiều hộ dân miền núi ở địa phương này.

Đi săn từ giữa đêm khuya

Vào mùa mưa, khi đất tơi xốp là “thời cơ” để mối đùn. Đó cũng là thời điểm dân “săn” mối lên đường tấp nập nhất, bởi đất ụ mối bị mưa thấm mềm, đào bới dễ dàng. Vì nghe đồn rượu ngâm con mối chúa có tác dụng tráng dương, bổ thận, trị nhức mỏi, nhiều người đã đặt hàng loại rượu lạ này. Đó cũng là dịp để một số người mưu sinh bằng nghề săn mối chúa.
 

Rất nhiều người mưu sinh bằng cách vào rừng săn mối chúa bất chấp nguy hiểm. Ảnh: Gia Ly
Rất nhiều người mưu sinh bằng cách vào rừng săn mối chúa bất chấp nguy hiểm. Ảnh: Gia Ly

Một ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi theo chân nhóm thợ săn của anh Nguyễn Ngọc Ẩn, xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) vào rừng sâu săn mối chúa. Vào thời điểm đầu mùa mưa như lúc này, nhiều người dân không chỉ ở huyện sông Hinh mà ở nhiều địa phương khác cũng kéo nhau vào rừng tìm tổ mối. Có người một ngày bắt được hai, ba con mối, có người cả tuần trăng mới được một con, nhưng họ vẫn vào rừng. Hơn một giờ đồng hồ, nghiêng người, ngã cổ lách qua những tán lá rừng còn ướt đẫm sương đêm, anh Ẩn chợt phát hiện, chỉ tay về một gò đất đùn lên dưới lớp lá cây đã mục: “Đó! Ổ mối đó!”.

Anh Ẩn cho biết, đang mùa nên mối chúa nằm sâu dưới lòng đất rồi đưa mắt nhìn về hướng mặt trời đang lên, lựa thế dùng sà ben thộc mạnh vào ổ mối. Tiếp theo, anh Ẩn liên tục dùng xà ben khoắng tròn khu vực giữa ổ mối để tìm “cung điện” có chứa mối chúa. Chỉ sau vài phút đào, anh đã lôi ra từ ụ mối một “vật thể” giống như hai chiếc dĩa lớn ụp lại, ẩm ẩm, rắn chắc. Đó là một thứ làm bằng hỗn hợp gồm đất sét màu đỏ kết dính, rất chắc chắn. Tiếp tục dùng chiếc xà beng xắn nhẹ vài ba lần, anh Ẩn mới tách đôi được lớp vỏ bên ngoài của “cung điện” mối ra.

Con mối chúa có bụng to trắng toát như lòng trắng trứng gà, lớn bằng ngón tay, dài khoảng 7 cm; cái đầu nhỏ xíu có 4 cái chân (con mối bình thường có 8 chân), nằm im lìm giữa hàng trăm mối con mới sinh còn trắng nõn. Anh Ẩn nhanh tay bắt mối chúa bỏ ngay vào hũ rượu nhỏ mang theo. Bởi theo thợ săn Ẩn, nếu để ngoài không khí chừng 5 phút thì con mối chúa sẽ vỡ bụng, chết, ngâm rượu mất chất. “Để săn mối chúa không khó, nhưng giờ đây tìm được ụ mối là cực khó bởi cơn sốt mối chúa trong thời gian gần đây, người đi săn đông như quân nguyên”-anh Ẩn phân trần.

Theo anh Ẩn, ngày trước vào rừng chừng tiếng đồng hồ là có thể kiếm được cả chục con về chữa thấp khớp, đau lưng. Nhưng từ khi các quán xá, nhà hàng xem loại côn trùng này là “đặc sản hạng sang”, nhiều người mệnh danh mối chúa là “đệ nhất sung dược” nên mấy ông muốn kiếm “đặc sản” này về ngâm rượu tăng “bản lĩnh đàn ông” nên nhiều người cũng “truy lùng” loại côn trùng này về bán.

Không chỉ người ở tỉnh Phú Yên, mà nhiều nơi từ Quy Nhơn, Nha Trang đến Hà Nội, Sài Gòn, cả người nhà các Việt kiều cũng đặt hàng rượu mối chúa. “Leo rừng, vượt núi toé cả máu chân nhưng mỗi ngày chúng tôi cũng kiếm được chục con là cùng. Vất vả lắm”, một thợ săn đi cùng than vãn. Ngày trước mối chúa săn đem xuống bìa rừng bán được 7.000-10.000 đồng/con, bây giờ một con mối chúa giá dao động mức 25.000-50.000 đồng/con nhưng không phải dễ dàng kiếm được, anh này tiếp lời. “Muốn săn được mối chúa nhiều, giờ chỉ còn cách đi vào các cánh rừng sâu nhiều khi đi săn từ lúc giữ khuya”-thợ săn Ẩn nói.
 

Mỗi chuyến vào rừng phải chuẩn bị nhiều thứ. Ảnh: Gia Ly
Mỗi chuyến vào rừng phải chuẩn bị nhiều thứ. Ảnh: Gia Ly

Đối mặt nguy hiểm giữa rừng sâu

Hơn 12 giờ, khi đã săn được hai con mối chúa, anh Ẩn bảo ăn trưa rồi tiếp tục tìm kiếm. Bữa cơm giữa rừng, anh Ẩn kể nhiều kỷ niệm về nghề săn mối chúa. Bất chợt anh bảo, đi rừng giờ không sợ thú (bởi rừng có còn thú dữ đâu), chỉ sợ rắn rít bất chợt trong bụi rậm quất đầu cắn không hay. Nhiều lúc đang thộc tay vào lấy “cung điện” mối chúa còn bị rắn độc cắn bất ngờ. “Đã có một thợ săn khác đoàn sắp mất mạng vì bị rắn hổ chúa cắn một phát vào tay trong lúc đang gạt tán cây bụi rậm chui vào gốc cây đào ụ mối”-thợ săn Ẩn nhớ lại.

Anh Ấn còn kể, hôm đó sau khi trời mưa nên nhiều người lên rừng săn ổ mối nhưng không biết kiểu gì con rắn hổ chúa nằm trên tán lá rậm, anh thợ săn mối chúa kia vừa phát hiện ổ mối xông vào định đào thì chưa kịp gì đã bị con rắn “phập” vào cánh tay. Anh này chỉ may mắn thoát nạn khi được các anh em đi cùng dùng dây thun buộc cả cánh tay, đưa nhanh về cấp cứu trong cơn nguy kịch, tim co giật.

 


Ông Võ Ngàn-một người nhiều năm buôn thú rừng ở các địa phương miền núi tỉnh Phú Yên cho hay, gần đây có rất nhiều người tìm mua mối chúa về ngâm rượu uống nên giá mối chúa tăng cao. Ông Ngàn tiết lộ, khoảng 5-6 năm trước, những người lớn tuổi từng sống lâu năm ở rừng núi truyền nhau nghe “bí quyết” về rượu ngâm mối chúa của người dân tộc thiểu số. Theo họ, sau mỗi bữa ăn, uống một cốc nhỏ rượu này thì có tác dụng tráng dương, bổ thận, người đau lưng uống vào giảm đau, người yếu sinh lý làm vài ly vô là… mạnh mẽ. Một đồn mười, mười đồn trăm… khiến số quý ông đến đặt hàng rượu mối chúa tại đây ngày càng nhiều. Nhiều người không chỉ mua rượu ngâm mối chúa về để uống, mà còn làm quà tặng, biếu. Gần đây có người còn đặt ông ngâm một thẩu lớn có đến 500 con mối chúa gửi ra nước ngoài.

Theo ông Phan Văn Bảy (63 tuổi, xã Đức Bình Đông) cho hay, trước đây mối chúa chủ yếu được người dân ngâm rượu ưống trị các bệnh nhức mỏi, đau lưng chứ chưa nghe ai nói ngâm rượu mối chứa uống vào bổ dưỡng bản lĩnh “đàn ông”. Khi đơn đặt hàng rượu ngâm mối chúa tăng cao thì cũng là lúc nhiều người chọn nghề đào mối chúa làm kế sinh nhai, nên ụ mối ngày càng… khan hiếm. nhiều người săn mối chúa phải đi đến tận các vùng rừng xa ở Sông Hinh, Sơn Hòa, thậm chí lên cả Gia Lai, Đak Lak mới tìm được ụ mối, nhưng thường mỗi ngày một người tìm được 5 con mối chúa là nhiều.
 

Một lán trong rừng của đoàn người săn mối chúa. Ảnh: Gia Ly
Một lán trong rừng của đoàn người săn mối chúa. Ảnh: Gia Ly

Tuy nhiên, theo các tài liệu về Đông dược thì không thấy đề cập đến tác dụng chữa bệnh của rượu ngâm mối chúa. Dù vậy, trong dân gian có bài thuốc dùng mối chúa nướng cho trẻ con bị suy dinh dưỡng hoặc bị hen suyễn ăn để cải thiện sức khỏe, không có chuyện rượu ngâm mối chúa uống vào cải thiện “bản lĩnh đàn ông”. Bởi vậy, những người uống rượu mối chúa nên uống ở mức vừa phải để tránh bị… say xỉn, hoặc bị ngộ độc rượu côn trùng không hay.

Gia Ly

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.