Mưa lốc bất thường trong ngày 31.3 tại Phú Yên khiến hàng trăm tàu cá chìm, hàng nghìn con tôm hùm bị cuốn trôi, trên 50% lúa sắp đến ngày thu hoạch bị ngã đổ…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác khắc phục sau mưa lốc bất thường tại Phú Yên. Ảnh: Phương Uyên |
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Hôm ngày 2.4, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn ông Nguyễn Hoàng Hiệp và đoàn công tác đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại nặng tại Phú Yên cũng như lưu ý công tác đợt mưa dự báo tiếp diễn trong những ngày tới.
Theo lãnh đạo tỉnh Phú Yên, đến thời điểm này trận mưa lớn và lốc xoáy ngày 31.3 và mưa liên tiếp ngày 1.4 trên địa bàn đã khiến 120 tàu cá ngư dân bị chìm, vỡ; hơn 16.000 ha lúa, hoa màu bị ngã đổ. Nặng nhất là thiệt hại về thuỷ sản với 2.450 lồng/790.000 con tôm hùm ươm nuôi của ngư dân Phú Yên bị hư hỏng, trôi dạt. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính sơ bộ tại Phú Yên là hơn 284 tỷ đồng.
Công tác khắc phục hậu quả đang được các địa phương ưu tiên. Trong đó, lực lượng quân đội được huy động phối hợp cùng lực lượng địa phương và người dân các xã ven biển hỗ trợ ngư dân trục vớt tàu cá bị chìm, tháo gỡ tàu cá bị hư hỏng để ngư dân sớm khôi phục sản xuất.
Sau trận mưa lốc bất thường bờ biển Phú Yên ngổn ngang xác tàu bị sóng đánh vỡ. |
UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh 200 tỷ đồng nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, nhất là những hộ có tàu, lồng nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, chìm do đợt áp thấp trái mùa.
Trực tiếp có mặt tại xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đoàn công tác đến thăm hỏi và chia sẻ mất mát với gia đình ngư dân Nguyễn Sam, thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải – người đã mất trong đợt mưa lốc vừa qua.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá: Đợt áp thấp này đã gây thiệt lớn cho người dân Phú Yên. Những gì mà người dân gánh chịu còn nặng hơn cả những cơn bão cấp 11, 12 từng xảy ra ở khu vực này. Đồng thời đề nghị địa phương cần tranh thủ thời gian này khắc phục khẩn trương hơn vì đợt mưa dự báo tiếp diễn trong những ngày tới.
Cần giải pháp vùng nuôi an toàn
Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy An, thiệt hại nặng nhất của địa phương này là số lồng và tôm hùm ươm trên địa bàn gần như mất trắng. Con số thiệt hại tính sơ bộ đến nay là hơn 150 tỷ đồng.
Với 790.000 con tôm hùm ươm nuôi của ngư dân Phú Yên bị hư hỏng, trôi dạt trong đợt mưa lốc bất thường vừa qua đã khiến vụ mùa tôm của người dân ở đây thất bát sớm. Nhiều gia đình cố gắng gom góp những gì còn lại trong dịch để cố đầu tư vào vụ tôm này với hi vọng khôi phục được trở lại tuy nhiên trận mưa lốc này đã khiến họ mất mùa sớm, mất luôn cả vốn.
Theo thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thiệt hại tại các vùng nuôi trong mưa bão là câu chuyện không mới. “Theo quan sát của tôi tại khu vực nuôi tôm chưa tuân thủ quy hoạch tuyệt đối. Chúng ta nuôi tôm mật độ quá dày, khi xảy ra thiên tai, gió va chạm gây thiệt hại rất nặng nề”.
Cùng với vùng nuôi thực tế hiện nay vật liệu dùng làm lồng nuôi ngư dân vẫn sử dụng theo phương thức truyền thống vì thế giải pháp chuyển đổi vật liệu thay thế để ứng phó đang được cơ quan Bộ Nông nghiệp nghiên cứu.
Ông Hiệp thông tin: “Nghiên cứu vật liệu mới chịu đựng được gió, bão để khi có bất cứ hình thái thiên tai nào thì lồng bè vẫn chịu đựng được. Lồng bè phải bền vững thì bà con mới không bị thiệt hại. Và giá thành của chất liệu mới phải bằng hoặc hơn hiện tại một chút thôi thì bà con mới chuyển đổi. Theo kế hoạch trong tháng 4 này, Tổng Cục Thuỷ sản sẽ có một hội thảo bàn về vấn đề này để tìm kiếm giải pháp nuôi thuỷ sản bền vững cho khu vực Miền Trung”.
Theo Phương Uyên (LĐO)