(GLO)- Đến làng Trek (xã Kdang) hỏi về những phụ nữ làm kinh tế giỏi, chúng tôi được mọi người chỉ ngay đến gia đình chị Ngay kèm theo lời giải thích: Dù còn khá trẻ song chị Ngay làm kinh tế rất giỏi và rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác xã hội... Thật vậy, ở tuổi 28, chị Ngay đã sở hữu một khối tài sản mà nhiều người mơ ước, gồm: 1,4 ha cà phê, gần 1 ha cao su tiểu điền, 1 ha mì và 3 sào lúa nước…
Song ít ai biết rằng, đã có những năm tháng, gia đình chị Ngay phải sống trong nghèo khó mà nguyên nhân chính là thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn đầu tư… nên loay hoay mãi mà vài ha đất vẫn chẳng sinh lời. Cho đến năm 2006, nghe theo lời khuyên của một số chị em, chị Ngay mới mạnh dạn tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức. Và rồi những kiến thức mới đã làm chị “vỡ” ra nhiều điều, đồng thời cũng lý giải vì sao nhiều năm qua, mặc dù có nhiều đất sản xuất nhưng gia đình chị vẫn nghèo!
Sau khi được tập huấn và hỗ trợ vốn vay hộ nghèo, chị bắt tay ngay vào việc cải tạo vườn tạp sang các vườn cây chuyên canh. Đầu tiên, chị cải tạo 3 sào lúa nước kém năng suất và canh tác thêm vài ha mì để lấy ngắn nuôi dài, tiếp đến chị vay mượn thêm bà con, bạn bè để trồng cà phê, cao su… Những vườn cây xanh tốt được hình thành như tiếp thêm sức mạnh khiến chị mải miết làm việc mà quên đi thời gian. Hầu như sáng nào chị cũng thức dậy từ 5 giờ sáng để đi theo các tổ làm đổi công và chỉ trở về nhà trở khi trời đã tối.
Tuy nhiên, nỗ lực của chị đã được đền đáp xứng đáng, sau ba năm, vườn cà phê đã cho thu hoạch cộng với tiền bán mì…, anh chị đã dựng lại căn nhà cho tươm tất. Và cũng trong năm 2009, gia đình anh chị đã chính thức xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Ngoài việc phát triển kinh tế, chị Ngay còn tích cực tham gia vào công tác xã hội và rất được hội viên tín nhiệm trong vai trò chi hội trưởng chi hội phụ nữ làng Trek. Dẫu khá bận rộn với công việc gia đình, song hàng ngày chị vẫn dành thời gian đi tuyên truyền, vận động chị em trong làng chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như vận động người có đạo trong làng phải sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, không theo các tà đạo, đoàn kết với bà con trong làng để xây dựng gia đình và xây dựng phong trào của làng ngày càng tốt hơn… Chị Ngay cho biết: Năm 2010, chi hội phụ nữ làng Trek có 28 gia đình hội viên phụ nữ nghèo, trong đó có 2 hội viên nghèo làm chủ hộ nhưng đến nay chỉ còn có 9 hội viên nghèo.
Cũng đi lên từ nghèo khó nên chị Nguyễn Thị Vân (thôn 1, xã Nam Yang) rất hiểu giá trị của sức lao động. Giờ đây, mỗi năm gia đình chị thu nhập hàng tỷ đồng từ 2,5 ha cà phê, 500 cây hồ tiêu cùng với dàn máy xay xát và 2 xe tải chuyên vận chuyển hàng hóa, nhưng thỉnh thoảng chị vẫn nhớ về khoảng thời gian 17 năm trước như để nhắc nhớ bản thân và con cái… Lập gia đình năm 1997 rồi theo chồng về xã Nam Yang sinh sống, lập nghiệp.
Những năm đầu chưa có công việc ổn định, lại sinh liên tiếp 3 đứa con, có đứa thường xuyên đau ốm khiến cuộc sống gia đình chị nhiều khi rơi vào bế tắc. Cũng may, trong “cái khó ló cái khôn”, với sự động viên, giúp đỡ tận tình của hai bên nội-ngoại, anh chị đã mạnh dạn chuyển từ trồng trọt, chăn nuôi sang buôn bán nhỏ. Hàng ngày, anh chị chở nhau vào các làng lân cận để mua lúa, cà phê về xay xát bán kiếm lời.
Công việc buôn bán thuận lợi và nhìn thấy nguồn hàng dồi dào, anh chị mạnh dạn vay mượn thêm để mua chiếc xe công nông vận chuyển hàng hóa ở những làng xa hơn. “Nghề dạy nghề”, dần dà chiếc xe công nông ấy lại được thay bằng chiếc xe tải và lần này anh chị quyết định trực tiếp mua hàng hóa của bà con sau đó nhập lại cho công ty lớn… Công việc buôn bán ngày càng hiệu quả, hiện tại anh chị đã sở hữu hẳn một dàn máy xay xát cà phê năng suất cao khoảng 1,5-2 tấn cà phê nhân/giờ cùng với 2 chiếc xe tải chuyên vận chuyển hàng hóa.
Đặc biệt, việc sản xuất kinh doanh của gia đình chị Vân cần rất nhiều nhân công, từ công nhân trong khuân vác hàng hóa, xay xát cà phê, đến chăm sóc mùa màng…, nhờ đó hàng năm, gia đình chị đã góp phần giải quyết nhiều lao động cho địa phương với thu nhập bình quân khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Mặt khác, phát huy tinh thần “Tương thân tương ái”, những năm qua gia đình chị đã hỗ trợ vốn cho khoảng 20 chị em trong xã để từng bước ổn định.
Anh Huy