Trong năm 2021, thiên tai đã khiến 3 người tại Kon Tum tử vong, 136 nhà ở bị ảnh hưởng, hơn 800 ha diện tích nông nghiệp thiệt hại.
Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng. Giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trên 126 tỉ đồng. Cùng với đó, Kon Tum hiện còn nhiều công trình bị hư hỏng nặng do thiên tai gây ra từ những năm trước cần tổng kinh phí khắc phục khoảng 123 tỉ đồng.
Tổn thất do thiên tai gây ra là rất lớn và không thể lường trước. Ảnh: Đức Nhật |
Để phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, tỉnh Kon Tum đề xuất 27 dự án cần đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí gần 880 tỉ đồng để di dời, bố trí ổn định cuộc sống cho khoảng 10.000 người dân.
Đồng thời, tỉnh Kon Tum cũng đề nghị xây dựng bộ tài liệu số hóa về số liệu khí tượng thủy văn (KTTV) dùng chung và chia sẻ cho tỉnh để phục vụ công tác quản lý nhà nước về KTTV tại địa phương; hỗ trợ cho địa phương thiết bị, máy móc chuyên ngành về lĩnh vực KTTV; Bộ TN-MT chuyển giao các nghiên cứu khoa học, công nghệ, các phương án, mô hình dự báo KTTV cho tỉnh để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Kon Tum là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, do đó những đề nghị nêu trên là chính đáng và cần được gấp rút thực hiện để hỗ trợ địa phương bảo vệ người dân trước thiên tai, địch họa.
Phòng, chống thiên tai là công việc thường xuyên, liên tục, không bao giờ ngơi nghỉ. Trong bối cảnh thời tiết, khí hậu thay đổi theo hướng tiêu cực đang ngày một nhiều hơn thì sự phòng, chống ấy càng trở nên cấp bách, thường trực. Những nghiên cứu, phán đoán, đón đầu khả năng biến động, tác động ghê gớm của khí hậu, thời tiết cũng chính là những bước chuẩn bị cần thiết để đối phó với thiên tai. Việc chủ động mọi mặt trong công tác ứng phó với thiên tai sẽ góp phần quan trọng để giảm bớt những thiệt hại. Khi đó tổn thất của thiên tai sẽ được hạn chế, sau mỗi cơn bão lũ sẽ bớt cảnh tang thương. Hàng ngàn mái nhà có thể giữ vững và đời sống của người dân cũng sẽ bình yên hơn.
Theo Đức Nhật (TNO)