307 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi” các cấp, trong đó, cấp cơ sở 233 hộ, cấp huyện 59 hộ, cấp tỉnh 15 hộ, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo ở Hội Nông dân xã Tân An, thị xã An Khê (Gia Lai) đã phát huy sức mạnh, góp phần đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Trong những năm qua, từ phong trào “Nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi” đã thúc đẩy và phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, khai thác tiềm năng đất đai, lao động và nguồn vốn của các hộ nông dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hội viên nông dân phát triển sản xuất-kinh doanh theo hướng thâm canh tăng vụ, xây dựng trang trại tổng hợp phát triển bền vững. Các dịch vụ hỗ trợ nông dân ngày một phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần ổn định chính trị-xã hội ở địa phương.
Ảnh minh họa |
Với Câu lạc bộ Internet Nông dân, do Hội Nông dân tỉnh đầu tư, Hội Nông dân xã Tân An đã phát huy được hiệu quả trong việc vận động hội viên tích cực tham gia học hỏi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh; nuôi, trồng các cây- con giống phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, đưa các giống cây trồng có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, cho giá trị kinh tế cao; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, các cánh đồng có giá trị kinh tế cao tại địa phương... “Câu lạc bộ hiện có 36 thành viên. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã phân công cụ thể 1 tuần có 3 nhóm tham gia trực trong 3 buổi. Những nhóm này trước khi đi trực, nắm nhu cầu của bà con, khai thác thông tin và cung cấp lại cho bà con”-ông Phúc chia sẻ.
Đó cũng chính là “cần câu” mà Hội đã trang bị cho hội viên để vươn lên thoát nghèo. Trong đó, điển hình có thể kể đến là hộ ông Nguyễn Văn Hưng, ở thôn Tân Sơn, với hơn 1.000 m2 vườn ươm các loại cây giống ngắn ngày để cung cấp cho nông dân. Cây giống của ông Hưng không chỉ cung cấp cho nhu cầu trên địa bàn huyện Đak Pơ, mà còn cho cả các huyện khác như: Kbang, Kông Chro, An Khê, Chư Sê… Nhiều hộ nông dân khác cũng đã đi lên làm giàu nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, như hộ của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ở thôn Tân Lập, với mô hình trồng hoa trong nhà kính, hay hộ ông Trần Văn Chức, ở thôn Tân Sơn…
Không chỉ vậy, Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, Trường Trung cấp Nghề An Khê, Trung tâm Hỗ trợ Việc làm của Hội Nông dân tỉnh mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho gần 650 lượt hội viên và các lớp dạy nghề ngắn hạn trồng và bảo vệ thực vật; tổ chức hội thảo đầu bờ về cây, con giống mới. Bên cạnh đó, Hội đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ đến nay là hơn 9,5 tỷ đồng với 531 hộ vay. Nhờ đó đến nay, Hội đã trực tiếp xóa nghèo cho 10 hộ nông dân, phối hợp giảm nghèo cho 60 hộ, và giải quyết việc làm cho 200 nông dân.
Những kết quả trên cho thấy, Hội Nông dân xã Tân An đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong phong trào xây dựng và phát triển nông thôn mới. Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nông dân Tân An đã thể hiện được ý chí vượt qua khó khăn, thi đua lao động sản xuất làm giàu cho gia đình và xã hội, góp phần thiết thực trong công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nguyễn Hiền