(GLO)- Theo bác sĩ Nguyễn Thị Xuân- Phó Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm-Vắc xin-Sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thì Kbang là một trong những huyện có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Do đó, việc tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu được những mối nguy hại mà sốt xuất huyết mang lại, từ đó có biện pháp cụ thể tự phòng tránh là rất cần thiết.
Năm 2012, toàn huyện Kbang ghi nhận 39 ca mắc bệnh. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Y tế huyện Kbang đã tiếp nhận 3 ca bệnh nghi mắc sốt xuất huyết. Ngay sau khi có ca mắc đầu tiên, ngành Y tế huyện đã triển khai nhiều hoạt động để phòng-chống sốt xuất huyết. “Nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng-chống sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Y tế huyện trong năm 2013 và những năm tiếp theo”- ông Đậu Đăng Khoa- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Kbang cho biết.
Diễu hành tuyên truyền những mối nguy hại từ sốt xuất huyết tại huyện Kbang. Ảnh: Nguyễn Tú |
Để hoạt động phòng chống dịch có hiệu quả lâu dài, Trung tâm Y tế huyện tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn tại khu vực đông dân cư, phát tờ rơi trong các trường học... Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tổ chức nhiều đợt tập huấn phổ biến kiến thức phòng-chống bệnh sốt xuất huyết cho các trưởng thôn, già làng, tuyên truyền viên cơ sở… giúp họ hiểu được mức độ nguy hại của sốt xuất huyết và vận động nhân dân trong khu vực thôn, làng phòng tránh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện phát động chiến dịch dọn vệ sinh môi trường tại các tổ dân phố thuộc thị trấn Kbang; cắt cử cán bộ y tế đến từng nhà tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu nguyên nhân xảy ra dịch sốt xuất huyết và hướng dẫn người dân phát dọn vệ sinh xung quanh khu vực sinh sống, khơi thông cống rãnh, làm sạch và thả cá vào các bể chứa nước sinh hoạt, lật đổ các vật chứa nước mưa như chén, gáo dừa, lốp xe hỏng…
Từ đó, giúp người dân có nhận thức được tầm quan trọng của vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, phòng trừ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Ông Phạm Quang Khoa (tổ 16, thị trấn Kbang) cho hay: “Trước đây, tôi chỉ nghĩ phun thuốc là cách nhanh nhất để diệt muỗi, nay nhờ được tuyên truyền, tôi hiểu được tầm quan trọng của việc dọn vệ sinh môi trường diệt lăng quăng phòng sốt xuất huyết”.
Ngoài việc tập trung nâng cao nhận thức cho người dân, ngành Y tế Kbang tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo phòng-chống dịch các tuyến, chuẩn bị cơ sở vật chất, dự trữ đầy đủ cơ số thuốc, xây dựng phương án dập dịch, để khi xảy ra dịch sớm khoanh vùng dịch, không để lây lan sang khu vực khác. Tuy nhiên để công tác phòng-chống dịch ở Kbang thu được kết quả khả quan hơn, cần có sự chung tay của các ban, ngành, tổ chức và từng người dân toàn huyện, nhất là người dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguyễn Tú