Đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 1 qua Đức Phổ tựa hai nét vẽ của tiền nhân truyền cho hậu thế. Làng quê ngoại thị như đang được khoác tấm áo mới rực rỡ sắc màu
Sông Trà Câu êm ả trôi qua thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) làm dịu mát làng quê giữa trưa nắng oi ả. Phía hữu ngạn sông có đến hai đền thờ cụ Huỳnh Công Thiệu, nằm ở hai phường Phổ Ninh và Phổ Minh, cách nhau chưa đến cây số.
Giữ nghiêm phép nước
Bia đá trong khuôn viên đền thờ cụ Huỳnh Công Thiệu ở phường Phổ Minh, ghi: "Ngài được vua Lê ban tước Vũ Sơn Hầu, thăng chức Chánh đề lãnh. Ngài được chúa Nguyễn Hoàng tin tưởng, giao nhiều trọng trách...".
Chánh đề lãnh là chức quan võ trông coi việc quân ở phủ Tư Nghĩa (tương đương tỉnh Quảng Ngãi ngày nay). Ngày 16-6 âm lịch hằng năm, chính quyền sở tại cùng cư dân trong vùng chung tay sửa soạn mâm cỗ dâng cúng cụ Huỳnh Công Thiệu để tỏ lòng tôn kính bậc tiền nhân thời mở cõi.
|
Một trong những đền thờ cụ Huỳnh Công Thiệu ở phường Phổ Minh |
"Ông thủy tổ của tôi được con cháu và người dân trong vùng hết sức kính trọng. Sau khi cụ chết, mọi người góp công sức xây đền thờ và thành kính tế lễ từ đó đến nay" - ông Huỳnh Kim, một hậu duệ của cụ Huỳnh, cho biết.
Anh Huỳnh Minh Tiếp, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phổ Minh, đưa tôi đến nhà ông Huỳnh Minh Đậm - người đang giữ những tư liệu quý báu của dòng họ Huỳnh.
Ông Đậm thận trọng mở nắp hộp gỗ chứa sắc phong thời vua Thành Thái cùng những tư liệu về thân thế cụ Huỳnh Công Thiệu lưu giữ qua bao thế hệ. Những tấm giấy nhuốm màu thời gian, ghi nhận công lao của cụ trong việc mở mang bờ cõi, tạo lập xóm làng, đem lại cuộc sống ấm no cho dân.
"Cụ cùng con trai Huỳnh Công Bảng được nhiều đời vua phong thưởng. Công lao của cha con cụ luôn được con cháu và người dân ở đây ghi nhớ" - ông Đậm tâm sự.
Hơn 400 năm trước, dù bận rộn việc quân nhưng cụ Huỳnh chiêu mộ hàng ngàn lưu dân cùng binh sĩ khẩn hoang, lập làng. Cụ cấp phát lương thực cho lưu dân đủ ăn để khuyến khích họ chung sức cùng binh sĩ mở mang vùng đất mới.
Sau những tháng ngày nhọc nhằn khai phá, hơn 2.000 mẫu đất được cấp toàn bộ cho dân, khiến mọi người vui vẻ, ra sức cấy cày. Cụ tổ chức "đào xẻ khe ngòi", tạo hệ thống kênh mương dẫn thủy nhập điền, phục vụ tưới tiêu cho nhiều xứ đồng. Nước trong xanh từ sông Trà Câu được đưa lên, tưới mát cho những cánh đồng lúa xanh mướt. Vùng đất sình lầy thành ruộng đồng cò bay thẳng cánh, đem lại mùa vàng cho bao phận đời lam lũ.
Lưu dân dần quần cư thành những xóm làng kéo dài từ phía Nam sông Trà Câu đến đèo Bình Đê, giáp ranh tỉnh Bình Định. Cụ Huỳnh còn khuyến khích người dân phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền. Những chiếc thuyền nan lướt trên sông Trà Câu, sông Thoa chở sản vật đến nhiều vùng miền và trở về với của ngon vật lạ của nơi khác. Cánh buồm trên những chiếc ghe bầu căng gió vào ra cửa biển Mỹ Á tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, trên bến dưới thuyền, rộn ràng tiếng nói cười, ngã giá bán mua.
Ngoài chăm lo giáo hóa dân chúng thông qua việc mở trường, cụ Huỳnh Công Thiệu còn mời thầy về dạy cho con em trong vùng. Cư dân các làng nghe theo cụ, đóng góp công sức và tiền của xây dựng đình làng, miếu võ để cúng tế những bậc tiền hiền có công với quê hương. Với chức trách là quan đứng đầu, cụ luôn giữ nghiêm phép nước, thẳng tay trừng trị những quan lại nhũng nhiễu dân, góp phần ổn định trật tự xã hội. Tiếng lành đồn xa, nhiều cư dân Đàng Ngoài rời quê đến vùng đất này với ước mong cuộc sống được đủ đầy.
|
Biển Sa Huỳnh thơ mộng của thị xã Đức Phổ |
Thắp lên niềm tin
Chớm hạ, những chùm hoa nhãn khoe sắc vàng lẫn trong tán lá xanh trước trụ sở UBND thị xã Đức Phổ.
Cây nhãn trăm năm tuổi, cành lá xum xuê, thân xù xì phô bày dấu chai sần qua năm tháng, được Hội Bảo vệ môi trường và thiên nhiên Việt Nam công nhận là cây di sản.
Anh Trịnh Đức Thương, bảo vệ trụ sở, cho biết nhiều bạn trẻ đến đây chụp hình lưu niệm khi cây ra hoa, thoảng hương dịu ngọt gọi mời ong, bướm. Nhưng ít người biết cây này là "chứng nhân" của sự kiện lịch sử chấn động trời Nam gần 90 năm trước. Đấy là cuộc biểu tình chiếm huyện đường do Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát động để "chia lửa" với phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh năm 1930.
Nửa đêm 7-10-1930, dân từ các nơi tụ họp tại gò Cây Thị, ở thôn Lộ Bàn, xã Phổ Ninh (nay là phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ), dự mít tinh. Đại diện Tỉnh ủy Quảng Ngãi lên diễn đàn diễn thuyết vạch trần tội ác của thực dân, phong kiến; tuyên truyền đường lối của Đảng và cổ vũ tinh thần quần chúng.
Hơn 3.000 "người cùng khổ" chăm chú lắng nghe, lòng tràn đầy nhiệt huyết. Rồi đoàn người mang gậy, dây thừng, cơm gói, giương cao cờ đỏ búa liềm, hàng ngũ chỉnh tề tiến về huyện lỵ. Những người đi đầu phất cao cờ, tiếp đó là những người mang băng-rôn, biểu ngữ. Đoàn người tiến đến đâu hô vang đến đấy: "Tiến lên! Tới! Tới!". Tiếng trống, mõ rộn ràng đêm khuya. Đoàn người rầm rập bước chân, đầu ngẩng cao nhìn về phía trước với khí thế hiên ngang. Những tiếng hô vang từ lồng ngực bao năm bị đè nén, tạo khí thế oai hùng.
Gần sáng, đoàn biểu tình đến huyện lỵ, dân chúng tham gia lên hơn 5.000 người. Quá hoảng sợ, tri huyện Nguyễn Phan Lang và toàn bộ lại mục, lính tráng bỏ chạy thoát thân. Những người biểu tình xông vào huyện đường đốt công văn, hồ sơ, ấn tín, giải phóng tù nhân trong trại giam, rải truyền đơn… Cờ đỏ búa liềm tung bay trên ngọn cây nhãn trong khuôn viên huyện đường vào rạng sáng 8-10-1930, thắp lên niềm tin vào tương lai tươi sáng trong lòng dân Đức Phổ. Niềm tin ấy giúp họ thêm kiên cường, đứng lên đánh trả ngoại xâm, góp phần giải phóng quê hương.
|
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ (bìa phải) trao cho Bí thư Thị ủy Đức Phổ Trần Phước Hiền quyết định đổi tên Đảng bộ huyện Đức Phổ thành Đảng bộ thị xã Đức Phổ |
Đất nước yên bình, nơi đây có 20 tập thể và 14 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đức Phổ cũng là địa phương đầu tiên của Quảng Ngãi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1978.
"Riêng xóm tôi chỉ với 36 mái nhà tranh vẫn bám trụ giữa đồng, mặc đạn pháo cày xới. Khi quê hương giải phóng, cả xóm có 36 liệt sĩ, 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 7 thương bệnh binh..." - cựu chiến binh Đào Văn Ngọc ở xã Phổ Cường cho biết.
Chuyển mình
Nhìn từ trên cao, vùng đất Đức Phổ mang dáng con tàu hướng về phương Nam, chạm vào phía Bắc tỉnh Bình Định, nằm giữa rừng xanh và biển cả đêm ngày sóng vỗ.
Nơi đây cũng tiếp nối với Tây Nguyên qua tuyến Quốc lộ 24 rộng thênh thang. Cả tuyến đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 1 cũng qua đây tựa hai nét vẽ của tiền nhân truyền cho hậu thế. Hai cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh nay dập dìu tàu cá vào ra với những ngư dân làn da sạm đen vì nắng gió sau những ngày lênh đênh sóng nước.
Từ nguồn vốn cấp trên và ngân sách địa phương, nhiều tuyến đường ngang dọc nối rừng với biển được mở rộng, nâng cấp, đánh thức tiềm năng sẵn có, thúc đẩy giao thương ngày càng phát triển. Sản vật của núi rừng và biển cả từ những vùng lân cận hiện diện nơi đây trước khi tỏa đi khắp nơi.
Đức Phổ giờ đã có một cuộc trở mình, thay da đổi thịt. Phố xá sầm uất, làng quê ngoại thị như được khoác tấm áo mới rực rỡ sắc màu. Bốn cụm công nghiệp (Đồng Làng, Phổ Phong, Phổ Hòa, Sa Huỳnh) dần kín diện tích bởi những nhà máy, xí nghiệp. Nhiều dự án đang xây dựng sẽ giải quyết thêm việc làm cho người lao động địa phương.
Hơn trăm năm trước, nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện những ngôi mộ chum ven đầm An Khê bốn mùa lộng gió. Nền văn hóa khoảng 3.000 năm ẩn trong lòng đất dần phát lộ. Bí ẩn về người Sa Huỳnh cổ hé mở sau nhiều lần khai quật và các cuộc điền dã của những nhà khoa học. Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh được công nhận là Di tích văn hóa quốc gia vào năm 1997 và đang xem xét, công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
|
Du khách tham quan hiện vật văn hóa Sa Huỳnh |
Việc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) vừa trình hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh lên cơ quan chức năng để xem xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu đang góp phần "nâng tầm" văn hóa Sa Huỳnh. Đấy là những nhân tố đã và đang thu hút du khách đến vùng đất Sa Huỳnh cát vàng - biển xanh để thưởng ngoạn và khám phá bao điều mới lạ.
Theo Bài và ảnh: TRANG THY (NLĐO)