(GLO)- Tuyên truyền pháp luật để đảm bảo an ninh học đường là nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, phiên tòa giả định được xem là cách làm mới, hiệu quả đang được khuyến khích tổ chức. Đến nay, Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã An Khê) là đơn vị đi đầu trong việc tổ chức phiên tòa giả định để tuyên truyền pháp luật cho học sinh.
Phương pháp tuyên truyền hiệu quả
Nói về lý do tổ chức phiên tòa giả định, thầy Vũ Văn Chiến-Bí thư Đoàn trường-cho biết: “Từ trước đến nay, việc tuyên truyền pháp luật, an ninh học đường cho học sinh chỉ dừng lại ở các tình huống giả định, trả lời các câu hỏi liên quan mà chưa nói đến những hình phạt đích đáng của pháp luật. Do đó, chúng tôi chọn phiên tòa giả định để học sinh thấy được những bản án, hình phạt, những hệ lụy liên quan đến bản thân và gia đình khi các em phạm phải sai lầm, kể cả trường hợp vô tình phạm tội do thiếu hiểu biết”.
Tình huống giả định được đưa ra tại Trường THPT Nguyễn Trãi như sau: Duy nghi ngờ Trung (bạn học cùng lớp) “cướp” bạn gái của mình nên đã gọi Hưng (một thanh niên từng có tiền án, tiền sự và có sử dụng ma túy) vào trường đánh bạn. Không những bị đánh, Trung còn bị Duy và Hưng kéo tụt quần để lộ bộ phận nhạy cảm. Trong lúc Trung bị đánh, Khánh đã dùng điện thoại quay video livestream lên mạng xã hội. Clip này sau đó có rất nhiều người theo dõi, chia sẻ, nhiều người còn để lại những bình luận bôi xấu danh dự của Trung, khiến học sinh này bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, học hành sa sút... Tại phiên tòa giả định, các bị cáo đã bị tuyên án như sau: Duy và Hưng phạm tội cố ý gây thương tích, Hưng chịu mức phạt 40 tháng tù, Duy 24 tháng tù; Khánh phạm tội làm nhục người khác và phải chịu mức án 9 tháng tù.
Phiên tòa giả định được Trường THPT Nguyễn Trãi tổ chức với sự tham gia theo dõi của hơn 1.000 học sinh. Ảnh: N.G |
Phiên tòa giả định đã thu hút sự chú ý của học sinh toàn trường. Sau khi nghe tuyên án tại phiên tòa giả định, đa số các em cho rằng nhận thức về pháp luật của bản thân đã được “đánh thức”. Em Đặng Bùi Thành Dũng (lớp 12A2) nói: “Bản cáo trạng và những hình phạt của pháp luật được chủ tọa phiên tòa tuyên bố thực sự khiến chúng em biết sợ. Lâu nay, em và nhiều bạn khác vẫn nghĩ gọi người vào trường đánh bạn, quay clip bôi xấu danh dự bạn chỉ bị nhà trường phạt cảnh cáo trước cờ, nhưng qua phiên tòa giả định này có thể thấy hậu quả nặng nề hơn nhiều. Bị cáo bị phạt tù không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn cả danh dự gia đình”.
Cũng theo Bí thư Đoàn trường, trong năm học 2016-2017, Trường THPT Nguyễn Trãi có 3 học sinh bị Công an xử phạt hành chính do liên quan đến các vụ gây gổ, đánh nhau ngoài trường học. Năm học 2017-2018, số học sinh bị xử phạt giảm xuống còn 1 em. “Năm học này, nhà trường tăng cường tuyên truyền với nhiều cách làm hiệu quả, hy vọng triệt tiêu hẳn số vụ vi phạm của học sinh. Thông qua phiên tòa giả định, các em sẽ ý thức rõ hậu quả khi phải đối mặt với các phiên tòa thật sự”-thầy Chiến cho biết thêm. Để tổ chức phiên tòa giả định, Ban Giám hiệu, Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi đã chủ động đặt vấn đề, mời đại diện Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước khu vực Đông Gia Lai tham gia. Tất cả những tình tiết trong phiên tòa giả định được Tòa án nhân dân huyện Đak Pơ lựa chọn xây dựng liên quan đến các nội dung vi phạm phổ biến của học sinh THPT hiện nay như: vi phạm nội quy trường học, trật tự an toàn xã hội, ma túy, phạm tội hình sự, vi phạm khi sử dụng mạng xã hội...
Cần nhân rộng
Ông Tô Toàn Khanh-chuyên viên phụ trách An ninh trường học, Phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo): “Để các em học sinh ở lứa tuổi THPT hiểu biết hơn về những quy định của pháp luật thì công tác tuyên truyền, cách tuyên truyền giữ một vai trò quan trọng. Phiên tòa giả định là cách làm hay, hiệu quả nhưng đòi hỏi sự chính xác, bài bản. Do đó, chúng tôi khuyến khích các trường chủ động phối hợp Tòa án, Viện Kiểm sát để tiến hành chứ không tự ý tổ chức”. |
Theo nhận định của ông Nguyễn Quang Đức-Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đak Pơ, Chủ tọa phiên tòa giả định-việc chưa có đủ hiểu biết về những quy định của pháp luật là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong học sinh có nguy cơ gia tăng. Những vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên hiện nay tập trung chủ yếu vào các vấn đề: đánh nhau gây thương tích, trộm cắp tài sản, sử dụng mạng xã hội bôi nhọ danh dự người khác và sử dụng ma túy biến hình như cỏ Mỹ, shisha... Do đó, tổ chức phiên tòa giả định là điều cần thiết.
Phiên tòa giả định được tổ chức như một phiên tòa thực thụ với các thành phần: thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký, đại diện viện kiểm sát, luật sư, công an, người phạm tội và người có liên quan. Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đak Pơ đánh giá: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một phiên tòa giả định tại trường học. Tôi cho rằng đây là cách làm hiệu quả, học sinh tham gia theo dõi rất đông, hơn 1.000 em. Trong khi đó, những phiên tòa xét xử lưu động trong cộng đồng dân cư với mục đích tuyên truyền, giáo dục, răn đe hiện rất ít người theo dõi. Do vậy, đây là hình thức tuyên truyền cần được nhân rộng”.
Bảo Lam