Phía sau một bản án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn một năm xảy ra vụ tai nạn giao thông làm chết 5 người, bị thương 9 người ở xã Ia Khươl (huyện Chư Pah), Tòa án nhân dân huyện Chư Pah đã đưa vụ án ra xét xử. Trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân, bị cáo Cao Đại Trọng cúi đầu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và chấp nhận những yêu cầu bồi thường từ phía bị hại. Vụ án khép lại, nhưng nỗi đau mất mát quá lớn, khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, đau khổ…   
Tai nạn thương tâm
Mới đây, hàng trăm người dân có mặt tại thôn Đại An 1 (xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) để chứng kiến Tòa án nhân dân huyện xét xử vụ án “Vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” xảy ra vào ngày 27-11-2015 tại xã Ia Khươl (huyện Chư Pah) làm 5 người chết, 9 người bị thương. 
 Bị cáo Cao Đại Trọng tại phiên tòa. Ảnh: P.L
Bị cáo Cao Đại Trọng tại phiên tòa. Ảnh: P.L
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Chư Pah, vào khoảng 20 giờ ngày 27-11-2015, Cao Đại Trọng (SN 1986, trú tổ dân phố 6, trị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) điều khiển xe ô tô tải BKS 81M-5781 lưu thông trên quốc lộ 14B, hướng từ TP. Pleiku đi Kon Tum. Khi đến Km 1568 + 700 thì đâm vào xe công nông do anh Rơ Châm Hrưng điều khiển chở 13 người, lưu thông cùng chiều làm 5 người chết và 9 người bị thương. Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do Trọng điều khiển xe trong tình trạng buồn ngủ, thiếu quan sát. Mặt khác, bị cáo Cao Đại Trọng không có giấy phép lái xe nên đã mua một giấy phép lái xe giả để sử dụng nhằm đối phó với cơ quan chức năng. 
Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Xét các tình tiết của vụ án và một số tình tiết giảm nhẹ như: bố đẻ của Trọng là người có công với cách mạng, hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, các bị hại cũng có phần sai phạm khi điều khiển xe công nông lưu thông trên tuyến quốc lộ, xe không có đèn chiếu sáng, chiếu hậu, biển phản quang, chở người… dẫn đến vụ tai nạn trên, Tòa án nhân dân huyện Chư Pah đã tuyên phạt bị cáo Cao Đại Trọng 8 năm tù. Ngoài ra, bị cáo còn buộc phải bồi thường cho các bị hại tổng số tiền hơn 800 triệu đồng; mỗi tháng phải chu cấp cho 4 cháu nhỏ là con của các nạn nhân bị chết trong vụ tai nạn đến khi các cháu được 18 tuổi.
Nỗi đau người ở lại
Từ sáng sớm, ông Cao Kế Nghiêu, 79 tuổi (bố đẻ bị cáo Cao Đại Trọng) đã có mặt tại điểm xét xử. Ông Nghiêu chia sẻ: Gia đình từ tỉnh Quảng Bình vào huyện Đức Cơ sinh sống từ nhiều năm nay. Hôm đó, hay tin Trọng gây tai nạn nghiêm trọng, ông bàng hoàng, đau khổ tột cùng… Bị cụt một chân, sức khỏe yếu không đi lại được, ông phải nhờ đứa cháu cõng đến dự phiên tòa. Ông kể, hiện gia đình quá khó khăn, vợ Trọng lại không có việc làm, thường xuyên ốm đau, chiếc xe tải của Trọng mới được hai vợ chồng vay tiền ngân hàng và người thân để mua, sử dụng được thời gian ngắn thì gây tai nạn, đến giờ nợ vẫn còn nguyên. 
Đến dự phiên tòa, chị Võ Thị Tứ, 32 tuổi (vợ bị cáo Trọng) khiến nhiều người mủi lòng thương bởi dáng người nhỏ thó, khuôn mặt hốc hác. Mỗi khi Tòa gọi, hỏi, chị phải vịn vào vai người thân để đứng dậy. Khi được hỏi đến hoàn cảnh hiện tại của gia đình, chị Tứ cúi mặt kể: Hiện chị còn 2 con nhỏ, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi. Khi xảy tai nạn chị phải nhờ hàng xóm, người thân vay mượn tiền để khắc phục một phần hậu quả cho phía bị hại. “Hoàn cảnh gia đình tôi giờ quá khó khăn, tôi làm thuê mỗi ngày chỉ được một đến hai trăm ngàn đồng, tôi cũng chưa biết những ngày tiếp theo sẽ sống ra sao…”-chị nói trong giàn giụa nước mắt. 
Trong giờ nghị án, hàng chục người thân của các nạn nhân ở làng Tơ Vơn 2, xã Ia Khươl ngồi thất thần. Anh Rơ Châm Hrưng, người điều khiển xe công nông chở 14 người chia sẻ: “Những lúc nhớ lại vụ tai nạn tôi không tin đó là sự thật… Một ngày đưa tang 5 người, họ là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh nhà nào cũng khó khăn. Thương tâm nhất là 3 cháu nhỏ là Rơ Châm Nhung, Rơ Châm Nhát và Rơ Châm Luýt. Mẹ mất trước đó 4 tháng, cha là Rơ Châm Thủy và đứa em út 5 tuổi chết trong vụ tai nạn, hiện 3 cháu phải sống nương nhờ vào họ hàng và bà con trong làng. Các cháu còn quá nhỏ mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, chúng nó sống bơ vơ tội lắm. Trong làng ai cũng thương, thỉnh thoảng người cho ít gạo, người thì mua được con cá, ít thịt cũng mang cho chị em nó. Mấy tháng liền chị em nó tủi thân, nhớ bố mẹ khóc suốt đêm, đứa nào cũng hốc hác, gầy ốm. Chẳng biết tương lai chúng nó sẽ ra sao…”. 
Phiên tòa kết thúc, nhiều người vẫn không rời khỏi ghế, vẻ mặt thất thần… Còn ông Nghiêu thì liên tục đưa tay gạt nước mắt và nói: “Đời tôi bao nhiêu năm lăn lộn ở chiến trường không thấy khổ, thế mà giờ đây đau đớn, chết từng khúc ruột vì con”. Đứa cháu mắt đỏ hoe, nắm tay động viên rồi thất thểu cõng ông rời khỏi phiên tòa…  
 Phú Lâm

Có thể bạn quan tâm

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.