(GLO)- Đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý thuế được xem là một trong các giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính thuế, hỗ trợ đối tượng nộp thuế, đảm bảo thi hành pháp luật được chính xác, thuận tiện, hạn chế vi phạm, tiết kiệm chi phí xã hội và chi phí cho người nộp thuế, tiến tới đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính lĩnh vực thuế.
Đại lý thuế (ĐLT) là tổ chức được doanh nghiệp (DN) ủy quyền để thực hiện các thủ tục có liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế và thay mặt doanh nghiệp giải quyết mọi vướng mắc về thủ tục thuế. Đối với cơ quan quản lý thuế, ĐLT là cầu nối chuyển tải thông tin giữa ngành thuế đến đối tượng người nộp thuế (NNT) và ngược lại. Thông qua ĐLT sẽ giúp cho NNT thường xuyên được cập nhật các thông tin liên quan đến lĩnh vực thuế, tăng cường sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật; đồng thời sẽ ngăn ngừa tình trạng gian lận, trốn thuế, nợ đọng thuế, giảm các vụ khiếu kiện, tranh chấp giữa DN và cơ quan thuế, bởi các ĐLT chịu trách nhiệm rất cao với các dịch vụ tư vấn thuế mà họ cung cấp cho khách hàng của mình.
Đại lý thuế sẽ được đại diện cho người nộp thuế trực tiếp giải trình với cơ quan nhà nước các vấn đề về thuế theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu. |
Vì vậy, phát triển ĐLT là yêu cầu phù hợp với xu thế hiện nay. Theo thống kê, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh Gia Lai có 3.450 DN đăng ký hoạt động. Số lượng DN ngày càng tăng, nhưng đến thời điểm này, theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh, ở Gia Lai mới có 2 đại lý thuế đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế. Đó là Công ty TNHH Dịch vụ thuế và Kế toán Tây Nguyên (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) và Công ty TNHH Dịch vụ thuế-Kế toán TFC Gia Lai (81 Tăng Bạt Hổ, phường Yên Đổ, TP. Pleiku).
Theo quy định, đại lý thuế phải có đầy đủ các điều kiện như về đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, có ngành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có ít nhất 2 nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. |
Hiện nay, chính sách, thủ tục thuế liên tục thay đổi, bổ sung, vì vậy với các ĐLT, đội ngũ nhân viên phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ kế toán-tài chính DN, kế toán thuế, pháp luật thuế mới có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, hỗ trợ đắc lực cho DN được. Nếu làm tốt dịch vụ ĐLT sẽ giúp DN giảm được những lo lắng liên quan đến thủ tục thuế, các chính sách thuế mới sẽ liên tục được cập nhật. Bên cạnh đó, DN sẽ cắt giảm nhiều chi phí như giảm số lượng nhân viên kế toán, giảm chi phí thực hiện các thủ tục quyết toán thuế, giãn thuế, giảm thuế, hoàn thuế.
Biết là thuận lợi, cần thiết, tuy nhiên còn khá nhiều DN có quy mô nhỏ cho rằng, tuyển nhân viên kế toán làm việc có cái lợi là họ vừa làm sổ sách, vừa làm thủ tục liên quan đến thuế, thậm chí có thể kiêm nhiệm thêm công việc đơn giản nào đó. Rồi tâm lý chưa tin tưởng hoặc không muốn để lộ số liệu sản xuất-kinh doanh của DN mình cho bên thứ ba (là ĐLT) biết. Hoặc nếu có nhu cầu thuê dịch vụ kế toán thì DN lại tìm đến một cá nhân để tiết giảm chi phí… Ngoài ra, vì nhiều DN vẫn còn hiểu khá lờ mờ về chức năng của ĐLT nên thời gian qua các ĐLT vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm, mở rộng đối tượng khách hàng.
Với cơ quan Thuế, việc thông qua ĐLT sẽ quản lý các hoạt động của DN thực hiện dịch vụ làm thủ tục về thuế tốt hơn; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT tuân thủ pháp luật thuế; giảm chi phí về thời gian, nguồn lực cho cả cơ quan thuế và NNT, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Với những lợi ích như vậy, việc phát triển mạng lưới ĐLT là hết sức cần thiết, do đó công tác tuyên truyền để NNT hiểu về lợi ích cũng như hiệu quả sử dụng dịch vụ ĐLT-một tổ chức được công nhận và đảm bảo về chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp cần được ngành chức năng quan tâm triển khai thực hiện để dịch vụ này có thể phát triển trong thời gian tới.
Thảo Nguyên