(GLO)- Sáng 19-10, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với sự tham gia của 53 điểm cầu (1 điểm cầu Trung ương và 52 điểm cầu tại các tỉnh, thành trong cả nước).
Ảnh: Thái Bình |
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh và đại diện lãnh đạo các huyện: Chư Sê, Chư Prông, Mang Yang và Chư Pah tham dự hội nghị tại phòng họp trực tuyến, Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp xác định là nội dung quan trọng, có ý nghĩa chính trị to lớn góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi.
Trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự vùng dân tộc, miền núi và khu vực biên giới, 5 năm qua, người có uy tín đã cung cấp cho các ngành chức năng hàng nghìn tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự; trong đó đã tích cực tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp có nguy cơ trở thành “điểm nóng”, tham gia đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bản thân và gia đình người có uy tín có nhiều đóng góp tích cực như ngày công lao động, hiến đất, phát triển kinh tế hộ gia đình...
Tại Gia Lai, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, về mặt nhận thức, các sở, ngành và chính quyền địa phương đã thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, đã tranh thủ 7.728 lượt người có uy tín làm lực lượng nòng cốt phục vụ công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, cung cấp cho lực lượng công an nhiều thông tin quan trọng liên quan đến an ninh trật tự, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phản bác luận điệu tuyên truyền, các hoạt động chống phá của bọn phản động FULRO, ngăn chặn biểu tình, bạo loạn, trốn sang Campuchia và giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn ở thôn làng, góp phàn giữ vững an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Người Việt Nam rất quý trọng bậc cao niên, đặc biệt là những người có uy tín. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín trong làng, xóm, bản, thôn là những người có vị trí vô cùng quan trọng, là hạt nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân. Phó Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương cần nhận thức rõ hơn về vai trò vị trí của người có uy tín; đồng thời tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy tấm gương của người có uy tín, điều kiện cho người có uy tín cống hiến, đóng góp, đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở vùng đồng bào dân tộc miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
Thái Bình