(GLO)- Từ khi tuyến đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Mường Hoong-Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) thi công qua những xã dưới chân dãy núi Ngọc Linh thì những trường hợp chị em có con với công nhân làm đường không còn là chuyện hiếm. Tuyến đường hoàn thành, những công nhân bỏ đi để lại người phụ nữ sống với đứa con trong cảnh tủi hổ, cô đơn.
Có chồng không hôn thú
Nhằm thẳng con đường hướng dãy núi Ngọc Linh chúng tôi cứ thế đi. Đến khi không còn tỏ mặt người, chúng tôi đến được thôn Chung Tam, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Thấy khách lạ xin ngủ nhờ, già làng A Đăng, người dân tộc Xê Đăng đang ngồi hơ tay bên bếp lửa trong căn nhà sàn niềm nở “Vào đây ngồi cho ấm đã, đi xa như vậy có lạnh lắm không”. Già Đăng vui mừng kể chuyện bà con đi lại bớt khó khăn, thôn làng không còn lo ăn từng bữa từ khi Nhà nước quan tâm làm cho con đường. “Nhưng già cũng buồn lắm. Khi làm đường nhiều phụ nữ có quan hệ rồi có con với công nhân. Khi công nhân bỏ đi họ lại phải nuôi con một mình”-già A Đăng rầu rĩ nói.
Y Tâm ngại ngùng không muốn nói về chuyện cũ. Ảnh: Nam Hoàng |
Trong câu chuyện của già Đăng, Y Dĩ (SN 1996) là người con gái nhà nghèo nhưng đẹp như đóa hoa pơ lang đỏ chót giữa núi rừng Tây Nguyên. Làn da Y Dĩ trắng tựa những đám mây quanh năm bao phủ đỉnh Ngọc Linh. Trai chưa vợ trong làng, trong xã để mắt đến nhưng Y Dĩ chưa ưng cái bụng được ai. Thế rồi Y Dĩ yêu say đắm một người con trai người Kinh, là công nhân vào làm đường. Cứ tối đến hai người hò hẹn đến gặp nhau. Khi làng phát hiện ra Y Dĩ đã “làm bậy” với người công nhân, sợ mang xui xẻo cho cả làng nên cả làng họp và bắt phạt vạ một con heo, một con gà. “Mới tháng 9-2014 đây thôi, nhưng nhà con Y Dĩ không có tiền để mua heo nộp phạt. Sau đó nó bỏ xuống Đak Tô làm bậy tiếp nhưng làng vẫn chưa họp để xử”-già Đăng kể.
Có hoàn cảnh đáng thương hơn, Y Miên (SN 1989) sống cùng đứa con nhỏ tại làng Chung Tam sau khi chia tay với chồng. Khi những công nhân vào làm đường, một người đàn ông đến bây giờ Miên vẫn chỉ biết là tên Văn, quê ngoài Bắc buông lời tán tỉnh. Đã chia tay chồng cũ lâu ngày, chịu cảnh cô đơn Y Miên không cưỡng lại trước những lời hứa hẹn về một tương lai màu hồng. Y Miên đã yêu thêm lần nữa. Rồi khi cả làng phát hiện Y Miên và Văn đã “qui bằng bo” (ngủ với nhau) thì họp làng bắt Y Miên phải nộp phạt con heo béo cổ phải to bằng sợi dây gấp tôi dài bằng ba nắm tay. Đem chuyện kể cho Văn, Văn liền mua ngay một con heo rồi làm lễ xin làng Chung Tam cho lấy Y Miên về làm vợ. Cả làng Chung Tam đồng ý và xem Văn như con rể của làng.
Hai người dọn về sống chung với nhau. Khi Y Miên đã “nê siu” (mang thai) bụng to không lên nổi cái rẫy thì cũng là lúc tuyến đường đoạn qua xã được hoàn thành. Không một lời từ biệt. Văn cũng bỏ Y Miên như bỏ một cái áo cũ. Bỏ luôn cả đứa con sắp chào đời trong bụng Y Miên. Không còn mặt mũi nào ở lại làng, Y Miên lầm lũi dọn sang làng khác sinh con rồi sống luôn ở đó. “Thỉnh thoảng con Miên nó vẫn về thăm làng, thăm anh em. Cả làng không ai trách nó, chỉ trách người tên Văn quá bội bạc thôi”-già Đăng nói.
Sống trong tủi hổ
Nhiều người phụ nữ xã Măng Ri bị công nhân làm đường lợi dụng rồi bỏ rơi phải cực nhọc nuôi con một mình. Ảnh: Nam Hoàng |
Y Tâm (SN 1995), làng Đak Rôn xã Măng Ri đã bị già làng A Đăng cùng các bậc chức sắc trong làng đuổi đi vì không chấp thuận theo lệ làng, không chịu nộp phạt khi bị làng phát hiện đã “quy bằng bo” với công nhân. Hàng ngày, Y Tâm làm rẫy lấy tiền nuôi thân, Y Tâm bảo rằng không phải cố tình làm trái lệ làng, nhưng nhà nghèo không có tiền nộp phạt một con heo to và một con gà nên đành phải bỏ đi. “Bị đuổi đi rồi em không dám về lại làng cũ vì xấu hổ. Chắc em phải sống cô đơn cả đời vì cả làng, cả xã biết chuyện rồi thì chẳng ai dám lấy em làm vợ nữa”.
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum, hiện có khoảng 300 phụ nữ người dân tộc thiểu số tại địa phương có quan hệ như vợ chồng với những công nhân làm đường. Trong đó một số trường hợp đã có con.
Ông A Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, sau khi nghe chính quyền xã báo cáo một số trường hợp phụ nữ người địa phương có con với công nhân làm đường đã khẩn trương cho tiến hành rà soát, thống kê trên địa bàn toàn huyện. Đồng thời cũng yêu cầu lực lượng Công an huyện giám sát, quản lý chặt chẽ việc đăng ký tạm trú tạm vắng của công nhân làm đường. Yêu cầu chính quyền xã vào từng thôn làng, vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu, tránh làm những việc đáng tiếc, có con khi chưa có đăng ký kết hôn với công nhân.
Cũng theo ông Hơn, các xã nằm dưới chân núi Ngọc Linh như Ngọc Lây, Xê Tăng, Măng Ri phong tục tập quán vẫn còn khá nặng nề. Hai người muốn thành vợ thành chồng chỉ cần được làng đồng ý, làm tiệc rượu đãi cả làng là được. Những phụ nữ khi có con với công nhân cũng không thông báo, kiến nghị yêu cầu chính quyền can thiệp nên cũng rất khó xử lý.
Ảnh: Nam Hoàng |
Sau nhiều lần vào tận thôn, làng để tuyên truyền, vận động người dân nhưng vẫn có một số phụ nữ sinh con. Có trường hợp chị em phụ nữ chưa đăng ký kết hôn, đến UBND xã để đăng ký khai sinh cho con nhưng không có tên cha nên cán bộ hộ tịch xã quyết không làm khai sinh. “Cán bộ hộ tịch họ bức xúc quá vì đã tuyên truyền nhiều lần mà chị em không nghe, vẫn có con với những công nhân. Sau khi nắm tình hình tôi đã chỉ đạo làm khai sinh cho các cháu để sau này đỡ thiệt thòi. Những trường hợp có con không hôn thú sau này sẽ để lại hậu quả lớn cho xã hội phải gánh. Những gia đình này cũng rất dễ tái nghèo trong tương lai”-ông Hơn nói.
Theo một lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông, chính quyền địa phương đã nhận được nhiều phản ánh nhiều trường hợp chị em phụ nữ được công nhân nói rằng đưa về quê ra mắt bố mẹ. Tuy nhiên khi ra tới nơi lấy lý do bố mẹ không đồng ý nên đuổi về. Có một số trường hợp đã ra được nửa đường cũng bị đuổi quay trở lại mà chị em không có tiền về nhà, có trường hợp về tới huyện Đak Tô (cách trung tâm huyện Tu Mơ Rông khoảng 30 km) nhưng không có tiền thuê xe nữa phải gọi người nhà ra đón.
Nam Hoàng