(GLO)- Đang trên đà phát triển bền vững nhờ biết phát huy sức mạnh đoàn kết, vừa làm vừa học, vận dụng sáng tạo đường lối, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác và kêu gọi đầu tư phát triển, Gia Lai hiện đang dần là một vùng đất sôi động, giàu tiềm năng, từng bước trở thành vùng kinh tế động lực trong khu Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.
Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng nhanh
Thực hiện đường lối đổi mới xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Gia Lai đã thoát khỏi khủng hoảng, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới-thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Theo đó, từ sau đổi mới đến năm 1990, việc thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu phát triển về lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu được đánh giá là thành công bước đầu. Sự chuyển đổi cơ bản từ cơ chế cũ sang cơ chế quản lý mới, kinh tế-xã hội có những bước tiến mới, sức lao động được giải phóng. Giai đoạn này, tốc độ tăng tưởng kinh tế tăng bình quân 3,5%; GDP khoảng 5,13%.
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ). |
Giai đoạn từ năm 1991 đến nay, kinh tế Gia Lai bước đầu khắc phục tình trạng trì trệ, kinh tế phát triển tương đối cao, liên tục và toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 11,3%; 2006-2010 đạt 13,6%/năm, riêng năm 2011 đạt 13,14%. Tỉnh đã xây dựng được gần 150 công trình thủy điện, trong đó có thủy điện lớn như: Ia Ly, Sê San 3, Sê San 4, Hchan...; hình thành Khu Công nghiệp Trà Đa; Khu Công nghiệp Tây Pleiku đã công bố quy hoạch, đang kêu gọi đầu tư. Về thu ngân sách, nếu sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, thì năm 2001 đã đạt tới 256 tỷ đồng; năm 2010 lên 2.300 tỷ đồng và đến năm 2011 là 3.200 tỷ đồng.
Đưa Gia Lai thành vùng kinh tế động lực trong vùng Tam giác phát triển là một mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2020. Sự hình thành cặp Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Việt Nam)-Oyadao (Campuchia) là tiền đề cho sự phát triển chung của cả khu vực. Con đường 78 dài hơn 70 km nối liền biên giới huyện Đức Cơ (Gia Lai-Việt Nam) đến thị xã Ban Lung (Rattanakiri-Campuchia) là một thuận lợi lớn cho việc phát triển kinh tế cho nhiều địa phương của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Theo con đường này, hàng hóa có thể lưu thông đến tận các tỉnh Đông Bắc Campuchia, các tỉnh Nam Lào và một số tỉnh của Thái Lan nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây từ Siem Reap (Campuchia)-Paksé (Lào)-Bình Định (Việt Nam).
Cùng với nguồn lực quốc gia, chính sách khuyến khích sản xuất kinh doanh của Nhà nước đã phát huy tốt tác dụng. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội 2001-2005 đạt gần 13 ngàn tỷ đồng; 2006 đến 2010 đạt trên 31,5 ngàn tỷ đồng; riêng năm 2011 đạt 9.141 tỷ đồng. Hoạt động xuất khẩu chuyển biến tích cực, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, từ năm 2001 đến năm 2005 đạt 190 triệu USD; 2006-2010 đạt 604 triệu USD, năm 2011 đạt 350 triệu USD, gấp gần 2 lần so với cả giai đoạn 2001-2005, quy mô nền kinh tế tăng nhanh.
Giải quyết các vấn đề an sinh xã hội
Có thể nói, giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, mở rộng các cơ hội phát triển cho mọi tầng lớp dân cư là một thành công lớn đầy ấn tượng của tỉnh. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế đã tạo điều kiện để hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Đầu tiên là công tác xóa đói giảm nghèo với những kết quả quan trọng.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 29,8% năm 2005 xuống còn 10,8% năm 2010 (theo tiêu chí cũ; tương đương 27,56% theo tiêu chí mới), năm 2011 giảm còn 24,06% (theo tiêu chí mới). Số lao động được giải quyết việc làm 2,2 vạn người/năm và xuất khẩu lao động được 3.160 người. GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 19,5 triệu đồng, gấp 3,82 lần so với năm 2005, gấp 6,5 lần so với năm 2000. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Hiện nay, 100% xã đã có điện sinh hoạt và có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, 95% hộ sử dụng điện, 80% hộ ở nông thôn dùng nước sạch; 100% xã đã phủ sóng phát thanh, 95% xã phủ sóng truyền hình; tỷ lệ dùng điện thoại đạt bình quân gần 105 thuê bao/100 dân; internet đạt bình quân trên 2,8 thuê bao/100 dân. Toàn tỉnh có 85% hộ gia đình văn hóa, 75% thôn, làng, tổ dân phố văn hóa. Một số khu đô thị mới, nhà cao tầng, bến xe, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học, cơ sở văn hóa... được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Trong năm 2009 đã mở đường bay thẳng Pleiku-Hà Nội; Hà Nội-Pleiku.
Thành tựu trên đã khẳng định truyền thống, sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh cùng nhau chung tay xây dựng quê hương Gia Lai đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững và ngày càng giàu đẹp.
Kim Linh