(GLO)- Đã có những lời cảnh báo bằng lời và cả bằng vụ việc cụ thể ở khu vực rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, nhưng UBND huyện Chư Pah vẫn tỏ ra khá thờ ơ và bị động dẫn đến vụ cháy chiều 15-1 kéo dài đến 2 ngày sau, khiến ít nhất 100 ha rừng thông bị cháy.
Khu vực rừng thông ven hồ vẫn bốc khói nghi ngút chiều 17-1. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
100 ha rừng thông bị thiệt hại
Chiều 17-1, PV Báo Gia Lai đã có chuyến thực tế địa bàn vụ cháy rừng diễn ra vào chiều 15-1. Theo quan sát của chúng tôi, một khoảnh rừng thông chừng 5 ha gần hồ chứa nước vẫn đang nghi ngút khói đen ngòm. Phía trên đó là những đồi thông non bị thiêu rụi đến tận ngọn trải dài hết quả đồi này đến quả đồi kia. Đi dọc theo con đường mòn sát con suối, từng quả đồi xám xịt, nham nhở hiện ra đầy xót xa. Nhiều khu rừng thông bị cháy rụi chỉ còn tro tàn. Những khu khác ít thiệt hại hơn cũng bị cháy sém đến tận ngọn, khó có khả năng phục hồi hoặc phục hồi chậm. Với những rừng thông từ 10 năm tuổi trở lên tuy không thiệt hại nặng nề đến thân cây nhưng cũng khiến cả khu rừng khô lá và đổi màu xám.
Đi bộ dọc theo con suối về hướng Bắc khoảng 6 km, chúng tôi đến được tiểu khu 249, nơi bắt nguồn ngọn lửa. Đây là khoảnh rừng thông 6 năm tuổi, chiều cao trung bình khoảng 2,5 m. Sau vụ cháy, phần lớn thông bị thiêu rụi, những cây còn sót lại cũng bị khô cả thân và lá. Ở những phần lửa chưa cháy đến có thể dễ dàng thấy được thảm thực bì gồm cây lau, cây đót, cỏ dại thân khô mọc cao ngang ngửa cây thông. Đó chính là nguyên nhân vì sao rừng thông dễ bắt lửa, và cộng với những cơn gió lớn mùa khô sẽ lan nhanh đến mức độ nào.
Những rừng thông 6 năm tuổi gần như bị thiêu rụi hoặc không có khả năng phục hồi. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Anh Djưp, nhân viên trực tại chốt giữ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ-người đầu tiên phát hiện ra đám cháy kể lại: “Khoảng 14 giờ chiều 15-1, khi đi tuần tra, tôi phát hiện thấy một cột khói xanh bốc lên rất cao giữa tiểu khu 249. Tôi liền gọi điện báo cáo lãnh đạo rồi chạy đến hiện trường thì đã thấy lửa quá to, và lan rất nhanh do có gió lớn. Lúc có cơn gió thốc vào ngọn lửa cao đến hơn 10m”.
Trao đổi với PV Báo Gia Lai chiều 17-1, ông Nguyễn Đức-Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cho biết: “Ngay sau khi nhận được tin báo của anh em, chúng tôi đã khẩn cấp lên hiện trường để cùng tìm phương án dập lửa. Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng của Ban là 36 người, cùng với 30 chiến sĩ bộ đội đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng để tham gia dập lửa, cứ 50 m làm đường ranh để khoanh vùng đám cháy. Nhưng vì thảm thực bì nhiều và cao, thời tiết khô hanh, gió lại lớn khiến lửa bốc cao, lan rất nhanh nên đến 2 giờ đêm 16-1, chúng tôi đành bất lực trước ngọn lửa và phải trở về để chờ ứng cứu cũng như tìm phương án tối ưu. Đến 6 giờ sáng hôm sau, hơn 130 chiến sĩ do UBND huyện đến hỗ trợ, tình hình mới khả dĩ hơn. Đến khoảng 16 giờ 16-1, ngọn lửa coi như đã được khống chế không để cháy lan rộng hơn nữa. Việc rừng thông 10 năm tuổi vẫn đang âm ỉ cháy là vì chúng tôi không thể dập tắt được khu vực đó, và với rừng thông đã cao như vậy thì ngọn lửa chỉ cháy ở dưới cũng không ảnh hưởng gì đến cây. Đến nay chúng tôi vẫn chưa tiến hành đo đạc chính xác diện tích thiệt hại, nhưng dựa trên bản đồ và anh em đi hiện trường về thì có thể ước tính tổng diện tích bị cháy là 100 ha ở các tiểu khu 249 và 257, trong đó có 30 ha bị thiệt hại 70%, 35 ha thiệt hại từ 15-20% và 35 ha cháy nước- tức cháy dưới mặt đất không gây thiệt hại lớn”.
UBND huyện phản ứng chậm?
Theo ông Nguyễn Đức, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được cho là do sự bất cẩn trong việc sử dụng lửa của người đi bứt đót trên núi bởi hàng ngày có đến 300-400 người bứt đót trong khu vực này. Trong năm 2010, cũng chính vì nguyên nhân này mà hơn 90 ha rừng thông của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã bị thiêu rụi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người đi bứt đót thường có thói quen cuối mùa đót sẽ đốt những diện tích đót đã bứt hết để mùa sau đót mọc đều và to cũng như thuận lợi cho việc thu hoạch vào năm sau.
Ông Đức nói: “Vì khu vực này rất nhiều đót và bông lau, cỏ dại, thảm thực bì dày, nên nguy cơ cháy rừng bởi sự sơ ý của những người đi lấy đót là rất cao, đặc biệt năm nay có rất đông người đi lấy đót như vậy. Vì thế, Ban đã báo cáo nguy cơ ấy trong cuộc họp Tổng kết công tác bảo vệ rừng của huyện ngày 11-1 mới đây, nhưng chưa thấy huyện chỉ đạo cụ thể. Ngay sau đó, ngày 13-1 cũng đã xảy ra một vụ cháy nhỏ được nhận định là do nguyên nhân trên dù không gây thiệt hại gì, Ban cũng đã báo cáo lại với Hạt kiểm lâm và UBND huyện, nhưng cũng không thấy chỉ đạo gì để ngăn chặn tình trạng người đi lấy đót có thể gây cháy lớn”.
Lửa vẫn đang cháy rất mạnh vào chiều 17-1. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Mặt khác, ông Đức cho hay: “Ngay sau khi có mặt tại hiện trường vào lúc 14 giờ 15 phút chiều 15-1, tôi đã huy động lực lượng dập lửa đồng thời báo cáo ngay với UBND huyện về vụ cháy”. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến sáng 16-1, lãnh đạo UBND huyện mới có mặt tại hiện trường chỉ cách trung tâm huyện 15km, để cùng với 130 chiến sĩ đến ứng cứu. Một câu hỏi lớn được đặt ra, nếu không có sự chậm trễ đó, liệu hàng trăm ha thông kia có bị thiêu cháy?
Ngoài ra, còn tồn tại một bất cập lớn trong việc phòng cháy chữa cháy tại khu vực rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, đó là với tổng diện tích 6185,2 ha cả rừng phòng hộ và rừng sản xuất, nhưng chỉ làm đường vành đai bao quanh để tránh lửa lan từ ngoài vào. Còn với trường hợp lửa cháy từ giữa lô như vụ cháy ngày 15-1 cần có đường ranh khoanh vùng hạn chế lửa lan rộng thì chưa hề có. Ông Nguyễn Đức nói thêm: “Trước đây, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện để xin tỉnh cấp vốn làm 1000 km đường ranh nhưng không được chấp nhận. Bây giờ Ban cũng chỉ còn cách là tăng cường lực lượng canh gác tại các trạm chốt 24/24 để khi xảy ra tình hình khẩn cấp có hướng xử lý kịp thời”.
Đơn vị chủ rừng tỏ ra bất lực, còn UBND huyện lại cho thấy dấu hiệu của sự lơ là, buông lỏng trong quản lý, thì có ai dám chắc sẽ không có thêm vài vụ 100 ha rừng như thế bị thiêu rụi theo ngọn lửa khi mùa khô mới bắt đầu vào dịp cao điểm.
Lê Văn Ngọc