Ông giáo nghèo có tấm lòng nhân hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thầy giáo Nguyễn Đình Sử. Ảnh: T.T
Thầy giáo Nguyễn Đình Sử. Ảnh: T.T
Vì muốn thay đổi cách nghĩ hạn hẹp của dân làng, ông đã nhận hỗ trợ H’Yam ăn học đến khi có việc làm ổn định. Trải qua nhiều thách thức, khi H’Yam sắp ra trường để tìm việc làm thì ông gặp phải… bế tắc.

Cô gái Jrai trên đất Hà thành
“Bố ơi! Con hết tiền rồi! Bố gửi tiền cho con đi”! Người cha nghẹn lời… “Con mượn tạm ai đó đi!”. Bố chưa nhận lương. Vài hôm nhận lương bố gửi. Con cứ yên tâm lo học đi nhé…”. Ngắt cuộc điện thoại, người cha nuôi thở dài rồi chậm rãi kể về đứa con đặc biệt của mình. Năm 2002, nhìn thấy Rơ Mah H’Yam- học sinh lớp 6 duy nhất của làng Tung Chrúk (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) phải vượt hơn 10 km đường bộ đến trường hàng ngày, thầy giáo Nguyễn Đình Sử- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (Ia Krái, huyện Ia Grai) đã cảm động và nhận hỗ trợ nuôi em ăn học. H’Yam được cùng ăn, cùng ở với gia đình thầy Sử suốt những năm học cấp II trong căn nhà tuềnh toàng gần trường.
Lên cấp III, H’Yam phải học ở thị trấn. Lúc này, dù kinh tế gia đình còn eo hẹp, lại phải nuôi các con ruột ăn học, nhưng vợ chồng thầy Sử đã tằn tiện, cắt xén từng đồng lương của mình để mua gạo gửi cho H’Yam. Năm 2008, H’Yam thi vào đại học, thầy Sử lại khăn gói lên đường tiếp sức cho con.
“Biết tin H’Yam trượt đại học, tôi đau xót lắm, nếu không lo được cho cháu vào một trường nghề nào đó thì tôi xấu hổ với gia đình H’Yam và dân làng Tung Chrúk. Cháu trở về làng “bắt chồng” thì mọi cố gắng của vợ chồng tôi… như công dã tràng. Rất may, H’Yam đủ điểm nguyện vọng 2 Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương cơ sở tại Hà Nội. Giờ thì cháu là sinh viên năm 2 rồi”- thầy Sử kể lại.
Trong vẻ mặt rạng rỡ của thầy Sử bây giờ vẫn hàm chứa bao nỗi ray rứt lo toan. Mỗi khi hết tiền H’Yam gọi. Mỗi khi nhớ nhà em lại đòi về… Còn một năm học nữa H’Yam mới ra trường thì liệu có đủ tiền để chu cấp cho em trong thời buổi giá cả thị trường leo thang! Rồi khi ra trường H’Yam có xin được việc làm không…
Nói chuyện với tôi qua điện thoại, H’Yam nghẹn lời trầm giọng: “Bố mẹ nuôi đã giúp em nhiều lắm. Mẹ em đã mất. Bố em là thương binh. Em nhớ bố mẹ nuôi. Em nhớ bố ruột. Em nhớ các em nhỏ trong làng. Em muốn về thăm bố mẹ và khuyên các em nhỏ đừng bỏ học, nhưng bố mẹ nuôi không có tiền. Bố em cũng không có tiền…”.
Thách thức một đời ông giáo
Tròn 30 năm “gieo chữ”, thầy Sử đã nếm trải đủ những ngọt bùi, cay đắng của vùng đất Ia Khai nghèo khó. Thậm chí, ông đã từng bị liệt nửa người vì sốt rét rừng và mất gần 10 năm bôn ba chữa trị. Ông nói tiếng Jrai như chính tiếng mẹ đẻ. Ông hiểu từ nếp sống, cách làm đến những suy nghĩ của bà con buôn làng về cái chữ, việc học. “Cố gắng lắm chúng tôi mới vận động được các em đến lớp, nhưng rồi cứ học hết lớp 3, lớp 4 các em lại nghỉ. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, vì bà con cho rằng học chữ không thể no được cái bụng cho con cái họ…”- thầy Sử bộc bạch.
Để xóa bỏ cách suy nghĩ hạn hẹp của bà con, thầy Sử  quyết định hỗ trợ cho H’Yam theo học đến khi có việc làm ổn định để dân làng nhận thức được việc học không chỉ làm no cái bụng mà còn thay đổi được cuộc sống nhiều đời nhọc nhằn của chính họ. Tuy nhiên, thầy Sử đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên bước đường “ươm mầm” của mình. Gia đình H’Yam liên tiếp xảy ra nhiều biến cố. Em trai H’Yam mất vì bệnh ung thư. Mẹ H’Yam qua đời vì nhớ con mà sinh bịnh. Một em trai khác lại uống thuốc độc… Mỗi biến cố, thầy Sử phải chạy đôn chạy đáo lo cho gia đình H’Yam từ vật chất đến tinh thần; rồi phải an ủi H’Yam để em được đứng vững. Bố H’Yam là thương binh không làm được việc nặng. Đồng lương chính sách không đủ lo cuộc sống gia đình thì lấy đâu nuôi H’Yam ăn học. Thầy Sử phải cắt xén đồng tiền lương của mình cùng một phần thu nhập ít ỏi từ quán tạp hóa nghèo của vợ để chi phí cho H’Yam.
Cả cuộc đời cống hiến vực dậy con chữ trên vùng đất khó này, thầy Sử vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tâm huyết thay đổi cách nghĩ của bà con buôn làng bằng việc hỗ trợ cho H’Yam có được việc làm từ con đường học vấn. Một năm học nữa H’Yam sẽ ra trường. Thế nhưng, với thầy Sử, phía trước vẫn còn nhiều chông chênh…
Tiến Thành

Có thể bạn quan tâm