Cặp nhím nuôi sau 2 tháng mua về đạt 5 kg/con. Ảnh: Hương Trà |
Nhím hiện được đưa vào nuôi ở khá nhiều địa phương trong cả nước. Để chuyển đổi ngành nghề theo hướng phát triển có lợi nhất, Phòng Công thương huyện Mang Yang, Gia Lai đã triển khai mô hình nuôi nhím trên địa bàn huyện.
Năm 2009, để giúp bà con nông dân phát triển sản xuất cải thiện đời sống, Phòng Công thương đã sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi nhím tại 6 hộ gia đình ở xã Đak Jơ Ta, Kon Thụp, Đak Trôi, Hà Ra và thị trấn Kon Dơng, quy mô mỗi hộ là 2 con gồm 1 nhím đực và 1 nhím cái.
Các hộ tham gia mô hình đã được cán bộ kỹ thuật của Phòng Công thương hướng dẫn xây dựng chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhím theo đúng quy trình. Ông Phan Lê Nguyên- Trưởng phòng Công thương cho biết, đây là mô hình mới lần đầu tiên đưa vào thực hiện nên Phòng hết sức quan tâm và đã cử một cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi và hướng dẫn bà con thực hiện mô hình. Giữa tháng 10-2009, Phòng đã mua giống nhím về thả nuôi và được cơ quan Kiểm lâm xác nhận nguồn gốc cấp phép hợp pháp.
Chúng tôi đến gia đình ông Vũ Khắc Viện ở tổ 6, thị trấn Kon Dơng là hộ thực hiện mô hình nuôi nhím. Hộ ông Viện được hỗ trợ một cặp (gồm 1 con đực và 1 con cái), gia đình ông còn mua thêm một cặp nữa để nuôi. Mới 2 tháng, nhím đã sinh trưởng và phát triển khá tốt trong điều kiện chăn nuôi ở hộ gia đình. Ông Viện cho biết: Nhím dễ nuôi là nhờ ăn các loại rau, củ, quả sẵn có tại chỗ như củ lang, củ mì, bí đỏ và trái su su, kể cả xương động vật sau khi gia đình sử dụng thừa bỏ cho chúng ăn. Lúc mới mua về mỗi con chỉ đạt 2-3 kg, nay đã đạt trên 5 kg/con.
Nhím là loại động vật có sức đề kháng cao với những thay đổi của ngoại cảnh, ít bệnh tật, nhanh chóng thích nghi với môi trường sống mới. Thức ăn của nhím gồm các loại rau, quả, củ kể cả non lẫn già miễn sao thức ăn đó phải đảm bảo sạch sẽ. Ngoài ra có thể tận dụng cả xương heo, dê, gà, măng rừng và một số côn trùng như ốc, sâu bọ, giun... cho nhím ăn. Một ngày cho nhím ăn từ 3 đến 4 lần. Hệ thống chuồng trại nuôi nhím cần xây kiên cố, có lỗ thông giữa các ngăn chuồng với nhau và được che chắn bằng lưới sắt. Chuồng trại cần thông thoáng về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Hàng ngày cần tắm cho nhím (nhất là vào mùa hè), kết hợp với vệ sinh chuồng trại. Khi nhím được một năm tuổi là bắt đầu có khả năng sinh sản. Thời gian mang thai của nhím khoảng từ 95 ngày đến 105 ngày. Trung bình một lứa đẻ của một cặp nhím là 2 con, mỗi năm nhím đẻ 2 lứa.
Nhím con nuôi từ 2 tháng đến 2,5 tháng là có thể bán được. Mỗi đôi nhím con giá bán hiện nay được 6 triệu đồng. Vì vậy nuôi một cặp nhím sinh sản mỗi năm thu được khoảng 12 triệu đồng.
Từ kết quả bước đầu của mô hình này, hy vọng thời gian tới phong trào nuôi nhím ở các xã nói trên và toàn huyện Mang Yang sẽ phát triển, thực sự trở thành nghề mới giúp bà con nông dân thoát nghèo.
Hương Trà