Lần đầu tiên dự giải Olympic Toán học sinh-sinh viên toàn quốc, Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An ở Bình Định có 4 thí sinh đi thi thì cả 4 đều đạt giải.
Em Nguyễn Phương Thùy (ngoài cùng, bên trái) cùng nhóm bạn vừa giành giải cao tại cuộc thi Olympic Toán học sinh-sinh viên toàn quốc lần thứ 27. (Ảnh: Phạm Ly Kha/TTXVN) |
Chuyện về cô học trò nghèo, mồ côi bố, ở ngôi trường vừa được thành lập chưa được 2 năm đã đoạt Giải vàng Olympic Toán học khiến nhiều vùng quê ở tỉnh Bình Định xôn xao, phấn khởi tự hào.
Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An mới đi vào hoạt động giảng dạy, học tập từ năm học 2017-2018. Trường được thành lập với tham vọng sẽ tập hợp được những học sinh giỏi ở 4 huyện cánh Bắc của tỉnh Bình Định (Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân và Phù Mỹ), nhưng thiếu điều kiện vào thành phố Quy Nhơn học trường chuyên.
Năm học đầu, trường chỉ có 8 lớp, đến năm học 2018-2019 trường có 24 lớp ở 3 khối, mỗi khối có 7 lớp chuyên và một lớp không chuyên.
Năm học này cũng là lần đầu tiên Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An cử đội học sinh dự thi Olympic Toán học sinh-sinh viên toàn quốc lần thứ 27.
Cuộc thi, diễn ra từ ngày 2-7/4, do Hội Toán học Việt Nam phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa), có 650 thí sinh dự thi. Cuộc thi có 6 huy chương vàng dành cho hệ học sinh các trường Trung học Phổ thông chuyên trên toàn quốc.
Lần đầu tiên dự giải, Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An có 4 thí sinh đi thi thì cả 4 đều đạt giải, trong đó, em Nguyễn Phương Thùy giành giải vàng trong số 6 giải vàng dành cho học sinh trường chuyên. Các em Trần Thị Kim Thùy, Hồ Trọng Nhân (lớp 11 Toán) và em Huỳnh Nguyên Phúc (lớp 10 Toán) đều giành huy chương đồng. Riêng Phương Thùy ngoài giải vàng còn được nhận học bổng Lê Văn Thiêm và giải thưởng dành cho thí sinh nữ đoạt giải.
Cô học sinh Nguyễn Phương Thùy, lớp 11 chuyên Toán đang là học sinh lưu trú tại trường. Mỗi sáng thức dậy, điểm tâm chính của Thùy chỉ có bánh tráng mì nhúng nước hoặc mỳ ăn liền.
Con đường học tập của Nguyễn Phương Thùy cũng không dễ dàng khi nhà em ở tại thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín - xã miền núi thuộc nhóm khó khăn nhất của huyện trung du Hoài Ân.
Từ Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An đến nhà em là cả một quãng đường xa hơn 10km, đi qua những quả đồi, núi, rừng keo, cánh đồng.
Thật khó mường tượng được một cô học trò ở vùng quê nghèo, mồ côi bố từ năm 2008 lại có niềm đam mê học tập rất lớn và liên tục giành giải cấp huyện, cấp tỉnh, giải Olympic Toán và giải quốc gia từ năm lớp 3 đến nay. Hiện nay, Phương Thùy là một trong những tài năng Toán học giỏi nhất của Bình Định.
Khi thi tuyển đầu vào Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An, Phương Thùy đạt số điểm cao nhất. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình Phương Thùy quyết định cho em thôi không học Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An mà học trường gần nhà.
Em Nguyễn Phương Thùy trong giờ học Toán. (Ảnh: Phạm Ly Kha/TTXVN) |
Khi biết tin Phương Thùy sẽ không học trường chuyên, thầy Huỳnh Duy Thủy, Tổ trưởng bộ môn Toán-Tin đã tìm đến nhà Phương Thùy để thuyết phục.
Sau nhiều lần thuyết phục, gia đình đồng ý để Phương Thùy xuống huyện Hoài Nhơn học tập. Nhưng đến cận ngày khai giảng, thầy Thủy lại được tin trò Phương Thùy bỏ học trường chuyên.
Thầy Huỳnh Duy Thủy lại thuyết phục gia đình thêm lần nữa. “Tôi dạy con tôi thế nào thì sẽ dạy trò Thùy như thế. Nếu không có chỗ ở, có thể đến ở nhà thầy; nếu cần gì mà thầy có thể giúp được thì thầy sẽ giúp hết sức mình có,” thầy Thủy nói với mẹ con Phương Thùy.
Thầy Huỳnh Duy Thủy nguyên là giáo viên Toán Trường Trung học Phổ thông Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Nhơn), chuyển về phụ trách bộ môn Toán-Tin tại Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An từ khi trường thành lập. Năm 2008, con trai thầy Thủy là Huỳnh Anh Vũ đã vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và đang giảng dạy đại học tại Australia.
Thầy Thủy nói về cuộc thi Olympic Toán học sinh-sinh viên toàn quốc lần thứ 27 vừa qua: “Thầy trò chúng tôi tham dự kỳ thi với ước mơ là được giao lưu, học hỏi, được tiếp nhận những bài giảng từ những người thầy mà chúng tôi rất kính yêu, chứ không nghĩ sẽ đạt giải ở kỳ thi uy tín này."
Nói về việc học tập của mình, Phương Thùy nói: “Mẹ là động lực lớn nhất và việc chuyển đến học ở Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An là quyết định tốt nhất trong cuộc đời cho đến nay. Mục tiêu sắp tới là được tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh Bình Định."
"Toán học có rất nhiều điều thú vị, rất hay chứ không phải là môn học khô khan. Giải Vàng Olympic Toán học sinh-sinh viên toàn quốc là động lực cho những phấn đấu, nỗ lực tiếp theo, tiếp thêm cho con sức mạnh trên con đường học tập," Phương Thùy chia sẻ.
Bây giờ, niềm tự hào của chị Nguyễn Thị Chỉnh (mẹ Phương Thùy) càng lớn hơn khi cô con gái bé nhỏ đã bước chân ra một nấc thang học tập mới.
“Đó là điều mà tôi không nghĩ là cháu sẽ đạt được," chị Nguyễn Thị Chỉnh cho biết.
Tuy chỉ mới thành lập nhưng Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An đã đáp ứng được mục tiêu của tỉnh Bình Định đặt ra là tập hợp và đào tạo được nhiều học sinh giỏi thiếu điều kiện học tập.
Trong cuộc thi Olympic Toán truyền thống 30/4 được tổ chức ngày 6/4/2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An cũng đã đạt được 44 huy chương; xếp hạng 12/63 trường từ thành phố Đà Nẵng trở vào.
“Đó là thành tích đáng tự hào của huyện, của tỉnh," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Nhơn Trương Đề khẳng định.
Ông Trương Đề nhấn mạnh trong một giai đoạn rất ngắn nhưng nhà trường đã đạt được những thành quả vượt mong đợi. Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà trường và đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định dành thêm những phần kinh phí xây dựng, hoàn chỉnh cơ sở vật chất để Trường Trung học Phổ thông chuyên Chu Văn An thật sự là một trong những ngôi trường đào tạo học sinh giỏi, tạo nên môi trường học tập thật tốt cho những hạt nhân tương lai của đất nước.
Phạm Kha (TTXVN/Vietnam+)