(GLO)- 40 năm sau ngày giải phóng, nhất là gần 30 năm đổi mới, ngành Nông nghiệp Gia Lai đã gặt hái nhiều thành tựu, đóng góp tích cực vào thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân trong tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thành tựu trên là tiền đề vững chắc để thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển hội nhập vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ảnh: Đức Thụy |
Theo trí nhớ của Chủ tịch Hội nông dân xã Hải Yang (huyện Đak Đoa)-ông Phạm Minh Đông (một trong những người đầu tiên của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đặt chân đến xã Hải Yang năm 1986 theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước đi xây dựng kinh tế mới) thì vùng đất Hải Yang ngày ấy bao bọc bởi núi rừng, giao thông đi lại khó khăn. Cuộc sống của người dân những ngày đầu khởi nghiệp dựa vào lúa rẫy, mì, bắp, khoai lang... thường xuyên mất mùa do quy trình canh tác chưa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất mới. Cũng đất ấy, người ấy nhưng nông dân Hải Yang bây giờ đã đổi đời. Điểm nhấn trong hành trình biến vùng đất Hải Yang hoang sơ thành nơi đáng sống như ngày nay là việc nông dân mạnh dạn đưa cây cà phê vào trồng những năm 1994-1995, đến năm 2004 là cây hồ tiêu. Song hành với bước khởi chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên là sự nhập cuộc hỗ trợ kỹ thuật của ngành nông nghiệp huyện, chính quyền địa phương, năng suất cây trồng tăng lên, người dân Hải Yang thoát nghèo và dư giả về tài chính cũng nhờ cà phê, hồ tiêu. Ông Nguyễn Hồng Sinh (thôn 3) cho biết gia đình ông sở hữu khoảng 4.000 trụ tiêu, hơn 1,3 ha cà phê, thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm.
Giá trị kinh tế của cà phê, hồ tiêu được kiểm chứng, phong trào nhân rộng diện tích cà phê, hồ tiêu ở Hải Yang phát triển. Kinh tế hộ khởi sắc nhờ 768 ha cà phê; hơn 205 hồ tiêu, kinh tế-xã hội của xã tăng trưởng hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn hơn 10%, ước năm 2015 còn 8,09%, giảm 15,7% so với năm 2010.
Không đếm hết những vùng đất trên địa bàn tỉnh chuyển mình nhờ đánh thức tiềm năng hơn 1,3 triệu ha đất nông-lâm nghiệp; tài nguyên nước để phát triển kinh tế hộ, chăn nuôi, thủy sản như xã Hải Yang. Sự chuyển mình ấy góp phần làm dày thêm thành tựu của ngành nông nghiệp. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thành tựu nổi bật nhất trong 40 năm đất nước thống nhất, đặc biệt là 30 năm đổi mới là chúng ta đã chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp thuần nông, tự cung, tự cấp, độc canh cây lương thực sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Để đạt mức tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 2014 đạt 9.272,18 tỷ đồng, là cả quá trình đầu tư xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là tiến bộ về giống cây trồng. 349 công trình thủy lợi, tổng năng lực tưới thiết kế 54.300 ha và hàng ngàn công trình thủy lợi do dân tự làm tưới khoảng 50.000 ha cây trồng các loại giải cơn khát nước cho cây trồng mùa hạn. Việc đầu tư hệ thống công trình thủy lợi, nhất là thủy lợi quy mô lớn như: Ayun Hạ, Ia Mláh, Ia Ring, Hà Ra… mở ra nhiều cơ hội để nông dân phát triển sản xuất tăng năng suất, sản lượng cây trồng hàng năm, nhất là năng suất hiện tại của nhóm cây trồng chủ lực như: lúa nước, cà phê, cao su, mì, mía… tăng 2-5 lần so với năm 1990. Năm 2014, tổng sản lượng lương thực đạt 566.738 tấn, tăng 2,76 lần so với năm 1990.
Thành tựu của ngành nông nghiệp được nhân lên khi lĩnh vực trồng trọt đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng quy mô lớn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Dải đất phía Đông và Đông Nam tỉnh là vùng chuyên canh mía 38.100 ha cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy đường. Các huyện: Chư Prông, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Pah, Chư Sê, Chư Pưh, Đức Cơ, Ia Grai là đất của 103.000 ha cao su cung cấp nguyên liệu cho 6 nhà máy chế biến, tổng công suất 100.000 tấn sản phẩm/năm; 12.000 ha hồ tiêu cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến gắn thương hiệu hồ tiêu Gia Lai; gần 80.000 ha cà phê cung cấp nguyên liệu cho 21 cơ sở chế biến cà phê bột và cà phê nhân. Đó là chưa tính vùng nguyên liệu chè với tổng diện tích 860 ha, 17.100 ha điều, 18.200 ha rau đậu các loại gắn với cơ sở chế biến trong tỉnh và khu vực. Chất lượng nông sản chủ lực của tỉnh như: cao su, hồ tiêu, cà phê, điều, mì, lâm sản chiếm vị thế trên thị trường trong và ngoài nước không chỉ góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 620,49 triệu USD, gấp 436,7 lần so với năm 1986 mà còn được xếp vào nhóm 10 mặt hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD của cả nước năm 2014.
Ảnh: Đức Thụy |
Lĩnh vực chăn nuôi cũng phát triển mạnh mẽ. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện tại lên đến 969.860 con, gấp 3,4 lần so với năm 1985. Tỷ lệ bò lai chiếm 44,7% tổng đàn, tăng gấp 29,8 lần so với năm 1990; hình thành vùng chăn nuôi tập trung bò lai tại các huyện: Đak Pơ, Kbang, An Khê, Kông Chro. Nuôi heo hướng nạc; gà công nghiệp... tại Pleiku, An Khê, Chư Pah. Nuôi ong Ý tại Ia Grai, Chư Sê, Đức Cơ... Điểm nhấn trong phát triển chăn nuôi là năm 2014 Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt trên địa bàn tỉnh, tổng đàn bò đến năm 2020 là 236 ngàn con, trong đó 116 ngàn con bò thịt, 120 ngàn con bò sữa gắn với nhà máy chế biến sữa công suất 500 triệu lít/năm.
Sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống người dân khu vực nông thôn từ chỗ thiếu đói lúc giáp hạt đến nay đã từng bước được cải thiện. Hầu hết các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã và đang có bước phát triển nhanh, diện mạo nông thôn được đổi thay từng ngày với nhiều tuyến đường giao thông nông thôn liên xã, liên thôn được cứng hóa, nhà cửa khang trang hơn... Ngành nghề, dịch vụ-thương mại nông thôn cũng có những bước phát triển quan trọng. Cơ sở hạ tầng nông thôn và các điều kiện hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hộ gia đình, làng nghề, cụm công nghiệp cũng được hoàn thiện. Đặc biệt, từ ngày cụ thể hóa Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp-nông dân-nông thôn, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% xã của tỉnh có điện, đường ô tô đến trung tâm xã; có trạm y tế, điện thoại, 80,05% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đã có 25/185 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 13,96%.
Quang Văn-Quang Tấn