Nóng lên tình trạng di dân tự do

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên 50 hộ với khoảng gần 200 nhân khẩu di dân tự do “đổ bộ” vào xã Ia Dreh, Ia Rmok dựng chòi, phá hàng chục ha rừng làm nương rẫy suốt nhiều tháng vừa mới “được” chính quyền huyện Krông Pa, Gia Lai …phát hiện. Nhiều ý kiến đề xuất đã được huyện và đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đưa ra song để giải quyết được thấu đáo vấn đề này xem ra không phải dễ dàng.
Cuối tháng 3-2010, từ việc kiểm tra hoạt động trồng rừng của Công ty TNHH Tân Tiến (đơn vị được UBND tỉnh giao trên 1.700 ha đất để trồng rừng), huyện Krông Pa mới “tá hỏa” phát hiện hàng chục hộ dân di cư tự do từ các tỉnh Đak Lak, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái …đang dựng chòi, phát rừng làm rẫy tại các xã Ia Dreh, Ia Rmok. Kiểm tra sau đó cho thấy, tình trạng này vẫn tiếp tục có dấu hiệu gia tăng theo chiều hướng hết sức lo ngại.   
Rừng thưa dễ …lọt
Theo báo cáo số 220/BC-UBND của UBND huyện Krông Pa do Chủ tịch Trần Văn Mạnh gửi UBND tỉnh ngày 6-4-2010:  Ngày 22-3, UBND huyện Krông Pa đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc phát rừng làm rẫy. Đoàn phát hiện khoảng 200 người dân H’Mông, Ê Đê, Jrai di cư tự do phát rừng làm rẫy tại các tiểu khu 1438, 1420, 1422 thuộc địa phận 2 xã Ia Dreh và Ia Rmok, khu vực giáp ranh với tỉnh Đak Lak.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đi kiểm tra tại rừng Ia Dréh. Ảnh: Tiến Dũng
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đi kiểm tra tại rừng Ia Dréh. Ảnh: Tiến Dũng
Ngay sau đó, từ ngày 7 đến ngày 12-4, UBND huyện Krông Pa đã thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành do ông Tô Văn Chánh –Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn trực tiếp đến từng điểm có dân di cư tự do, phát rừng làm rẫy. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện có 5 điểm dân di cư tự do từ các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Đak Lak, Tuyên Quang tự ý vào khu vực rừng các xã Ia Dreh, Ia Rmok, Krông Năng phát rừng làm rẫy. Cụ thể: tại khoảng 5, lô 4, tiểu khu 1433 thuộc địa phận xã Ia Dreh (khu vực nằm trong vị trí UBND tỉnh đã quy hoạch đất trồng cao su theo Quyết định số 871/QĐ-UBND ngày 28-12-2009) có 17 hộ, 58 nhân khẩu người H’Mông từ các huyện Mai Sơn, Bắc Yên, Sốp Cộp, Yên Châu, Sông Mã tỉnh Sơn La đang dựng lều bạt ở. Tại đây, từ tháng 1-2010, những hộ này đã phát 3,8 ha rừng. Tại khoảnh 3, lô 4, tiểu khu 1430, địa phận xã Ia Dreh có 8 hộ, 31 nhân khẩu người H’Mông từ các thôn Lung Tang, Suối Tiếng, Suối Hó, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La vào ở từ cuối tháng 3-2010. Các hộ này mới chỉ dựng lều, lán để ở chưa phát rừng. Tại khoảnh 3, lô 5, tiểu khu 1419, địa phận xã Ia Rmok có 7 hộ, 43 nhân khẩu người H’Mông (1 hộ ở Đak Lak, 6 hộ ở Văn Chấn, Yên Bái) đã phát 3 ha rừng. Tổng cộng tại 3 điểm trên có 32 hộ, 132 nhân khẩu người H’Mông đang cư trú. Trong số này có 3 người gồm: Vàng Páo Giàng, Mùa A Do và Mùa A Chống là đảng viên.
Tại khoảnh 5, lô 5, tiểu khu 1419, địa phận xã Ia Rmok, 8 hộ, 10 nhân khẩu người Ê Đê từ huyện Krông Năng, E Ka, thị xã Buôn Hồ (Đak Lak) di cư sang từ tháng 2-2010. Kiểm tra nơi ở của số hộ này, phát hiện thấy 1 cưa mâm, 1 xe công nông, 1 máy cày tay, 2 máy cắt cỏ và một số vỏ đạn súng kíp. Những người này đã phát khoảng 5 ha rừng và đang ươm cà phê, gieo mạ để trồng. Cách đó không xa, tại khoảnh 3, lô 22, tiểu khu 1419, địa phận xã Ia Rmok, 8 hộ, 8 nhân khẩu người Ê Đê từ thị xã Buôn Hồ (Đak Lak) cũng đã phát 3-3,5 ha rừng.
Ngoài 5 điểm trên, đoàn kiểm tra còn phát hiện tại khoảnh 8, lô 9 và khoảnh 6, lô 6, tiểu khu 1438, địa phận xã Krông Năng đang có 6 hộ, 19 nhân khẩu gồm người Tày, Nùng và Kinh đang sản xuất trên diện tích 22,8 ha. Qua tìm hiểu, các hộ này quê tại các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn đến đăng ký hộ khẩu tại xã Ia Ly (Sông Hinh, Phú Yên) rồi vào khu vực trên phát rừng làm rẫy từ năm 2004-2006 và 2010. Điều khá hài hước là dù số đất rừng trên thuộc địa phận xã Krông Năng (Krông Pa) nhưng 3 hộ trong số trên lại có diện tích trồng cao su từ năm 2006 và được huyện Sông Hinh (Phú Yên) cho vay vốn tín dụng trồng cao su theo Dự án đa dạng hóa nông nghiệp; 1 hộ báo cáo có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do huyện Sông Hinh cấp ngày 29-9-2006, diện tích 6,86 ha.
Cũng trong đợt kiểm tra trên, đoàn kiểm tra huyện Krông Pa đã phát hiện 13 hộ, 55 nhân khẩu người dân Jrai ở các buôn Ji B và buôn Jú, xã Krông Năng cũng đã vào khoảng 5, lô 1, tiểu khu 1433 và khoảng 3, khoảnh 7, lô 4, tiểu khu 1430 địa phận rừng xã Ia Dreh phát rừng trái phép làm nương rẫy với diện tích khoảng 17 ha. Theo lý do các hộ này đưa ra là gần buôn của họ đã hết đất sản xuất do bị ngập trong lòng hồ Thủy điện sông Ba Hạ…
Một nhóm phụ nữ, trẻ em người Mông trong rừng Ia Dréh. Ảnh: Tiến Dũng
Một nhóm phụ nữ, trẻ em người H’Mông trong rừng Ia Dréh. Ảnh: Tiến Dũng

Lúng túng trong cách giải quyết
Ngay sau khi đi kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Krông Pa đã có báo cáo số 40/KH-ĐKT ngày 15-4 do Phó Chủ tịch UBND huyện Tô Văn Chánh ký. Theo đó, đoàn kiểm tra lo ngại nếu không có thái độ dứt khoát với số dân trên thì việc phát rừng làm rẫy sẽ diễn ra gay gắt và nghiêm trọng hơn do thấy điều kiện đất đai tương đối rộng các hộ này sẽ liên hệ và giới thiệu thêm cho số khác cùng quê ở miền Bắc hoặc từ Đak Lak sang tiếp tục vào khu vực tạo ra áp lực rất lớn trong vấn đề quản lý bảo vệ rừng. Đoàn cũng nhận thấy “điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn đường đi và khu vực hẻo lánh, các điểm dân cư ở rải rác là một trong những yếu tố rất bất lợi và cực kỳ khó khăn cho việc quản lý số dân tại khu vực”.
Sự lo ngại ấy là hoàn toàn có cơ sở bởi chỉ ngay sau khi đoàn kiểm tra liên ngành huyện kiểm tra xong, số dân di cư tự do tại đây đã lại tăng lên. Ngày 16-4, khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vào kiểm tra khu vực dân di cư tại khoảng 5, lô 4, tiểu khu 1433 thuộc địa phận xã Ia Dreh đã phát hiện thêm 7 hộ, 10 nhân khẩu mới xuất hiện. Theo lời những người này, họ đi trước để nắm tình hình và chuẩn bị đón 19 người nữa trong gia đình đang nằm đợi ở Đak Lak sang. Tại khoảnh 3, lô 4, tiểu khu 1430, địa phận xã Ia Dreh, số người vẫn không thay đổi nhưng ở những điểm còn lại (đoàn kiểm tra không tới), khó ai dám chắc số người lại không tăng thêm.
 Ảnh: Tiến Dũng
Ảnh: Tiến Dũng
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết số người di dân tự do đều đang sống trong cảnh hết sức tạm bợ. Như tại khoảnh 5, lô 4, tiểu khu 1433, gần 70 người lớn nhỏ (nhỏ nhất mới 1 tuổi, lớn nhất 60 tuổi) đang chui rúc trong những căn lều bạt tuềnh toàng, thậm chí không che chắn xung quanh. Số hộ này cũng đang hết sức thiếu thốn về lương thực. Theo anh Sùng A Sình –một người H’Mông trong nhóm, cứ vài ngày họ lại phải cử người ra xã Ia Dreh mua gạo, muối và một ít cá khô để cầm cự. Anh Sình cũng cho biết, ở quê, mọi người đều không có đất sản xuất. Đi làm thuê chẳng ai thuê nên đời sống hết sức khó khăn. Nghe những người đi trước về nói chuyện, mọi người bán hết nhà cửa đón xe vào đây. Còn anh Hà A Dơ thì nói: “Mình biết phá rừng là sai nên chỉ dám chặt những cây nhỏ để làm lán và phát những chỗ thưa để làm lúa. Giờ về quê cũng không được nữa rồi. Mong chính quyền quan tâm cho chúng mình ở lại”.

Trước thực tế người dân di cư tự do từ nhiều tỉnh đến phát rừng làm rẫy, hiện tại, đoàn kiểm tra liên ngành huyện đề nghị: Đối với các hộ dân phát nương làm rẫy thuộc xã Krông Năng và Ia Dreh cần động viên người dân ra khỏi địa bàn và bố trí khai hoang chuyển đổi mục đích để giao đất cho các hộ này. Nếu không được thì yêu cầu các hộ câm kết không mở rộng diện tích phát rừng làm rẫy và chỉ ở làm rẫy không được kéo các hộ khác vào thêm. Đối với các hộ dân di cư tự do người H’Mông, Ê Đê, đoàn đề nghị báo cáo UBND tỉnh làm việc với địa phương có dân di cư tự do động viên, hỗ trợ kinh phí tàu xe để họ về quê cũ. Nếu họ không đi thì bố trí lực lượng cưỡng chế đưa xe vào chở họ về quê hoặc lập dự án bố trí dân di cư tự do theo quy định của pháp luật. Về phía đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, sau khi kiểm tra cũng chưa xác định được hướng giải quyết. Trong biên bản làm việc ngày 16-4, họ chỉ thống nhất rằng trước mắt, UBND huyện cần chỉ đạo các phòng ban chức năng tiếp tục làm tốt một số công tác sau: thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền nhân dân không gia tăng thêm dân số vào các khu vực trên; tuyên truyền, động viên các hộ dân tự nguyện trở về quê cu làm ăn; kiểm soát tình hình an ninh, tịch thu các dụng cụ phá rừng, súng tự tạo...
Những kiến nghị ấy rõ ràng đều phản ánh sự lúng túng của huyện Krông Pa và các ngành chức năng của tỉnh. Điều này cũng không phải là chuyện lạ ở tỉnh ta. Trước khi xảy ra hiện tượng dân di cư tự do “nhảy dù” vào Krông Pa phát rừng làm rẫy, chính quyền và các ngành chức năng ở tỉnh ta cũng đã thiếu dứt khoát ngay từ ban đầu trong việc xử lý vấn đề dân di cư tự do ở Ia Le (Chư Pưh) hay ở nhiều xã thuộc huyện Chư Prông cách đây vài năm. Hệ quả sau đó, những người dân di cư tự do này đã ít nhiều mang đến những hệ lụy về kinh tế -xã hội, an ninh trật tự cho địa phương, buộc tỉnh ta phải mất rất nhiều thời gian, công sức để giải quyết.
Cũng liên quan đến việc dân di cư tự do phát rừng làm rẫy với số lượng lớn ở các xã Ia Dreh, Ia Rmok, Krông Năng, không thể không nói đến trách nhiệm của huyện Krông Pa. Nếu chính quyền và các ngành chức năng có trách nhiệm hơn trong việc tuần tra, kiểm soát rừng thì điều này có lẽ đã không xảy ra. Để đến bây giờ, trong thế “nước đến chân” huyện mới phát hiện và tìm cách giải quyết thì có khi đã muộn!
Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Một phần hệ thống xử lý nước thải Nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Ảnh: Đ.Y

Gia Lai: Cấp giấy phép môi trường cho nhà máy chế biến cao su tại Chư Prông

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp vừa ký Quyết định số 588/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép môi trường cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở Nhà máy chế biến Cao su Trung tâm (tại xã Ia Boòng, huyện Chư Prông).

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Tối 5-12, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Pưh khai mạc phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chư Pưh năm 2024. Phiên chợ nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Chư Pưh (10/12/2009-10/12/2024).

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm