Cây mía là một trong những cây trồng chủ lực giúp nông dân các huyện, thị xã phía Đông Gia Lai cải thiện đời sống. Do niên vụ 2008-2009 cây mía được mùa, được giá nên nông dân đã nhanh chóng mở rộng thêm diện tích.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang: Đến nay, nông dân trong huyện đã trồng 2.326 ha (đạt 128,5% kế hoạch), và dự báo diện tích mía trồng mới tiếp tục tăng thêm khoảng 10- 15% trong thời gian tới. Còn tại huyện Kông Chro, do thấy mía mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, nhiều nông dân cũng nhanh chóng chuyển đổi một số cây trồng hiệu quả kinh tế thấp (mì, bắp) sang trồng mía. Niên vụ này, diện tích mía trồng mới của huyện tăng gần 50% so với niên vụ 2008-2009 (kế hoạch trồng 410 ha, hiện đã trồng 608 ha).
Nhiều nông dân tại huyện Đak Pơ và thị xã An Khê cũng không ngừng mở rộng diện tích mía.
Nông dân huyện Đak Pơ chăm sóc mía trồng mới. Ảnh: Lê Nam |
Ngoài diện tích mía lưu gốc, nông dân dân vẫn đang cố gắng đầu tư và tích cực mở rộng diện tích mía trồng mới. Nhiều người đi khắp nơi thuê đất trồng mía. Đặc biệt, nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số cũng đã biết tận dụng đất rẫy trước đây trồng cây mì hoặc bỏ không để trồng mía. Ông Nguyễn Thành Đạt (làng Breng, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) cho biết: “Năm trước, gia đình tôi trồng được gần 16 ha mía, năng suất hơn 60 tạ/ha. Do mía năm nay được giá nên trừ chi phí gia đình thu được hơn 400 triệu đồng. Cây mía là loại cây trồng giá cả rất ổn định và được Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ về giống, cày đất, phân bón và đầu tư ít nên hiệu quả kinh tế cao. Vụ mía năm nay, gia đình quyết định mở rộng thêm diện tích lên 20 ha. Hy vọng giá mía tiếp tục ổn định giúp nông dân chúng tôi có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình”.
Về việc nông dân ồ ạt đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng mía, ông Nguyễn Tấn Cương- Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho rằng: “Niên vụ 2009-2010, Nhà máy Đường An Khê bắt đầu nâng công suất lên 4.500 tấn mía/ngày. Nếu nông dân trong vùng tiếp tục mở rộng thêm diện tích mía cũng không phải điều gì quá lo lắng. Hiện nay, Nhà máy vẫn đang cần nguồn nguyên liệu và có chủ trương tiếp tục hỗ trợ giống, phân bón, máy móc và hợp đồng bảo hiểm giá cả cho nông dân mở rộng thêm diện tích để đáp ứng công suất…”. Bên cạnh mở rộng thêm diện tích, nông dân cũng đã biết sử dụng những giống mía mới cho năng suất cao (R570, R579, K88-65), đồng thời có hợp đồng bảo hiểm giá cả với nhà máy đường, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, trồng trọt và chăm sóc...
Cây mía đang là một trong những loại cây trồng chủ lực có tính ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đầu tư vào cây mía là đi đúng hướng, giúp nông dân ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.
Lê Nam