Nỗi lo mất nghề làm bánh tráng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vượt qua cái xe lạnh của buổi sáng tinh mơ, tôi có mặt tại nhà ông Đào Trình (bà con thường gọi với cái tên thân mật là ông Tư Quỳnh, trú tại thôn 3, xã Nghĩa An, huyện Kbang) vào lúc 3 giờ sáng chỉ để mua và thưởng thức món bánh tráng. Trong cái hơi nóng nghi ngút từ lò bánh bốc ra, ông Tư Quỳnh vẫn miệt mài với công việc. Quần cộc, áo ngắn tay, mồ hôi lấm tấm, lúc thì tất bật khấy thau bột gạo cho đều tay, lúc thì tráng bánh trên lò và gói bánh lại cho những người ngồi đợi từ sáng.

Năm 1975, ông Đào Trình cùng gia đình từ Quảng Ngãi theo đoàn kinh tế mới vào mảnh đất Kbang lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Suy nghĩ nhiều đêm, ông bàn với vợ mở lò làm bánh, với hy vọng mang cái nghề truyền thống đến vùng đất mới và cũng một phần muốn gắn bó cái nghề đã ăn vào xương máu của ông.

 

Ông Tư mải mê với công việc tráng bánh gắn bó hơn 50 năm. Ảnh: Hoàng Oanh
Ông Tư mải mê với công việc tráng bánh gắn bó hơn 50 năm. Ảnh: Hoàng Oanh

Suốt  đời  gắn bó với nghề

Được biết đến như một gia đình có truyền thống làm bánh tráng đập lâu đời nhất ở huyện Kbang, hàng ngày ông Đào Trình sản xuất ra những ràng bánh ngon nổi tiếng khắp cả vùng, lan truyền đến nhiều khu chợ. Những ngày bình thường, bà con trong thôn tập trung đến ăn bánh của ông rất nhiều, đặc biệt là trẻ em. Ông Trình cho biết: "Khoảng 13-14 tuổi, tôi đã bắt đầu làm quen với nghề, lúc đầu là phụ giúp cha mẹ làm rồi gắn bó với nghề cho đến nay. Ngày đó, làm bánh tráng bằng thủ công, xay tay, lên nương đốn củi đến tận khuya nên rất vất vả. Lao động thâu đêm suốt sáng, cực nhọc lắm mới làm ra ràng bánh ngon…".  

Ông Tư Quỳnh chia sẻ thêm: "Để làm ra ràng bánh ngon phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc lựa gạo ngon mà phải phù hợp đến việc ngâm gạo trong 3-4 giờ đồng hồ, cho vào cối đá xay nhuyễn, sau đó lọc qua 3 lần nước bỏ bã, giữ lại nước cốt, cho vào nồi đun... Song bí quyết và kỹ thuật quan trọng nhất để làm bánh tráng ngon là công đoạn pha chế nước gạo xay, cần bỏ bao nhiêu nước và thêm chút gia vị, đến khi tráng bánh thì bánh dẻo, vẫn giữ được hương thơm, ăn có vị bùi ngậy, ngon, thanh khiết.

Những lời khen ngợi của bà con hàng xóm ngày ấy dành cho món bánh tráng của ông như là ngọn lửa tiếp sức, thôi thúc ông Tư Quỳnh tiếp tục gắn bó với nghề, ngay cả những lúc gian nan nhất. Dù lao động thâu đêm suốt sáng, cực nhọc lắm mới làm ra ràng bánh ngon mà lợi nhuận thu lại cũng không được bao nhiêu. Nhiều khi không đủ vốn bỏ ra mua gạo và tiền công hai vợ chồng lượm củi cõng về, tiền gia vị… nên dù gắn bó với nghề từ nhỏ nhưng cuộc sống gia đình ông không lấy gì làm khá giả. Trung bình mỗi ngày thu nhập mang lại cho ông từ bán bánh chỉ khoảng 100 ngàn đồng.

 

Thưởng thức món bánh đập hấp dẫn cùng mắm nước. Ảnh: Hoàng Oanh
Thưởng thức món bánh đập hấp dẫn cùng mắm nước. Ảnh: Hoàng Oanh

Trăn trở với nghề…

Ông Tư Quỳnh chia sẻ thêm: “Nghề làm bánh tráng bây giờ không còn hưng thịnh như xưa. Nhiều người đã bỏ nghề vì vất vả, nhọc nhằn; sản phẩm làm ra không cạnh tranh được trên thị trường. Ông Tư đã bao lần thao thức, trăn trở việc bỏ hay giữ lại cái nghề 3 đời vẫn giữ mỗi khi phải đối mặt với những khó khăn, túng thiếu. Thế rồi ông tự động viên mình phải cố sống với nghề, phải làm sao giữ được cái nghề của ông cha để lại. “Cả thôn này từ nhiều năm nay chỉ còn một mình tui giữ nghề, nhưng bánh tôi làm ra, bà con ở đây rất thích và đều khen. Vì thế tuy mình có khổ, nhưng cái nghề làm bánh tráng mấy chục năm nay vẫn còn tồn tại là sướng quá rồi…”.

Trước đây, xã Nghĩa An có khoảng 50 hộ gia đình làm nghề bánh tráng thì đến nay chỉ còn đúng 2 hộ gắn bó với nghề. Nói về nguyên nhân, ông Tư Quỳnh cho biết: “làm nghề này nặng vốn, ít lời, lại rất khó mua đất để làm vì ruộng đất đã khoán cho từng hộ gia đình canh tác rồi. Trước đây, cũng có nhiều người đến xin học nghề nhưng chỉ sau một thời gian, thấy làm nghề khổ quá mà thu nhập chẳng được bao nhiêu nên tất cả đều lần lượt bỏ học giữa chừng. Ngay cả những người con trai tôi cũng không còn mặn mà với nghề, thậm chí chúng còn khuyên tôi nên nghỉ làm”-ông Tư Quỳnh cho biết thêm.

Những hồi ức “vang bóng một thời” của nghề làm bánh tráng bây giờ được lưu giữ bởi ông Đào Trình. Điều ước của ông là mong được cấp trên giúp đỡ, hỗ trợ để nghề làm bánh tráng không bị mai một. “Nếu được như vậy, tui sẽ cố gắng truyền nghề lại cho lớp thợ trẻ về kỹ thuật làm bánh”-ông Tư Quỳnh khẳng định.

Hoàng Oanh

Có thể bạn quan tâm