(GLO)- Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hàng hóa ngày càng phong phú đa dạng, phân bổ về khắp các chợ, ngõ ngách ở thành phố, thị trấn, địa bàn vùng xa. Tuy nhiên, với cách bố trí gian hàng ở chợ hiện nay, kể cả những người nội trợ sành sỏi nhất cũng không dám đảm bảo chắc chắn về mức độ vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Vào Trung tâm Thương mại Pleiku, từ cổng chợ đường Trần Phú, khu vực tập trung buôn bán các mặt hàng rau quả, thịt, cá… người dân bị tra tấn bởi mùi tanh hôi hỗn hợp xộc vào mũi đến khó thở. Bên cạnh hàng rau, quả được bày bán tùy thích trên nền đất là thúng bánh mì; liền kề hàng cá tươi, tôm, mực, mắm ruốc là hàng chè ăn tại chỗ, bún tươi... Ngay từ cổng chính dẫn vào khu vực bán rau quả, cá sông và khu nhà lồng dành cho hàng cá, thịt, mùi tanh hôi của cá trộn lẫn với mùi hôi của gà vịt làm tại chỗ. Hệ thống cống rãnh xử lý nước thải nội bộ chợ xuống cấp đến mức nước thải tràn lênh láng cả lối đi. Tất cả cứ mặc nhiên tồn tại. Nếu để ý quan sát một chút sẽ thấy các gian hàng bún phở, chè được kê trên rãnh nước thải đen sì, đặc quánh bốc mùi hôi.
Ngồi bán hàng trên rác và nước thải. Ảnh: T.Đ |
Tiêu chuẩn vệ sinh ngoại cảnh, dụng cụ ở đây mới đáng sợ hơn. Một chậu nước đa năng được chị chủ hàng dùng suốt buổi để khoắng qua hàng mớ chén đũa, một chiếc khăn sạm màu cháo lòng cũng đa năng không kém khi vừa lau chén bát vừa dùng để bà chủ quệt tay vào đó trước khi bốc thức ăn cho khách. Quy trình rút gọn thời gian trong khâu nội trợ theo kiểu này làm người tiêu dùng quên hẳn sự kiện hàng năm có không dưới vài trăm người phải vào cơ sở y tế cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm.
Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm nhiều nhất ở chợ có lẽ là các loại thức ăn chế biến sẵn như: heo quay, gà quay, chả cá… mà nếu mới chỉ nhìn bên ngoài thì cực kỳ hấp dẫn, bắt mắt. Riêng về nguồn heo, gà quay thì không ai dám khẳng định lại không gồm cả gia súc đã chết hoặc bị bệnh được gom về một lò kín đáo nào đó để sơ chế rồi mới đưa ra chợ bán; còn các loại phẩm màu, hóa chất dùng để phù phép lên bề mặt của thức ăn thì đã từng được cơ quan chuyên môn khẳng định là phẩm màu công nghiệp, thậm chí có khi họ còn dùng cả hàn the và phoóc môn (những chất có khả năng gây bệnh ung thư, vô sinh thuộc danh mục các loại phụ gia tuyệt đối cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm của Bộ Y tế). Rồi hàng thịt tươi sống gia súc, gia cầm được giết mổ, bày bán tràn lan mà chưa qua kiểm định vệ sinh thú y…
Hầu hết thịt heo bán ở chợ không có dấu kiểm phẩm của ngành chức năng. Ảnh: T.Đ |
Không chỉ có Trung tâm Thương mại Pleiku mới xảy ra tình trạng mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, mà ở nhiều chợ trong TP. Pleiku như: Yên Thế, Biển Hồ, chợ Nhỏ, Phù Đổng… đều có chung tình trạng tương tự. Các gian hàng bày bán lộn xộn, chen chúc nhau, chỉ chừa cho dòng người vào chợ một lối đi nhỏ như con lươn, chen lấn thật khổ sở mà điều này một phần là do ở việc sắp xếp gian hàng chưa thật sự hợp lý. Ở một số chợ, nhiều bà con tự tìm chỗ ngồi kinh doanh không có sự sắp xếp của Ban Quản lý chợ, hoặc nếu có sự sắp xếp thì chỉ được một lát, sau đó tùy nghi di tản (trừ những hộ kinh doanh cố định).
Về điều này, đã có không ít ý kiến phản ánh lên Ban Quản lý chợ nhưng cho đến nay vẫn là “một việc khó giải quyết”(!). Bởi vậy, nếu không có sự nhắc nhở thường xuyên, sự sắp xếp gian hàng thuận tiện, hợp lý thì không biết đến bao giờ mới giải quyết dứt điểm tình trạng hàng thịt quay ngồi lẫn hàng thịt sống, hàng nộm lẫn hàng cá, hàng ăn bún phở ngồi trên cống rãnh... Rồi nguy cơ ở các chợ cóc, chợ tạm mọc lên ở nhiều ngõ hẻm mà ít khi được kiểm tra, nhắc nhở về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm là chúng ta đang tự bảo vệ sức khỏe và tuổi thọ của chính mình. Việc này không chỉ có Ban Quản lý chợ, những hộ kinh doanh hay các bà nội trợ phải làm mà phải trở thành nhận thức sâu sắc và hành động thiết thực trong toàn thể cộng đồng cùng tham gia thực hiện.
Trần Đức