(GLO)- Năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ tai nạn lao động, làm chết 8 người và bị thương 9 người. Phần lớn các vụ tai nạn lao động là do người lao động bất cẩn, chủ quan, không tuân thủ quy trình làm việc, không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân, đó là chưa kể đến việc chủ sử dụng lao động thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức huấn luyện an toàn lao động hàng năm.
Trước ngày tổ chức lễ hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia an toàn-vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ lần thứ XVI-2014 phát động tại TP. Pleiku, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (tổ 2, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) là công nhân thuộc Công ty Hóa chất mỏ Gia Lai. Anh Tiến kể: Cách đây 9 năm, khi anh đang làm việc thì bất ngờ một dây chuyền máy công nghiệp bị sập, anh bị một thanh máy đè vào lưng làm sụn cột sống, thương tật đến 88%.
Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh thăm bà Hoàng Thị Xuân. Ảnh: Đinh Yến |
Vậy là chỉ trong phút chốc anh Tiến trở thành phế nhân. Anh không còn đủ sức khỏe nên phải nghỉ việc và được Nhà nước giải quyết chế độ thương tật mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình anh phụ thuộc tất cả vào vợ, với đồng lương công nhân trung bình mỗi tháng chỉ được 2 triệu đồng (vì thời gian còn lại chị phải ở nhà chăm anh-N.V) nên vô cùng chật vật. Việc đi lại của anh Tiến giờ đây cũng rất khó khăn, hàng ngày anh chỉ giúp được vợ làm những việc vặt trong gia đình.
Trường hợp tai nạn của bà Hoàng Thị Xuân (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) còn bi đát hơn. Đó là cách đây 30 năm, khi bà Xuân làm công nhân ở Nhà máy Xi măng Chư Sê (nay thuộc Công ty cổ phần Xi măng Gia Lai) đã gặp phải tai nạn lao động làm mất một bàn chân phải. Bà Xuân cho biết: Năm 1984, khi chúng tôi đang làm việc thì bất ngờ đá rơi tự do, tôi cùng rất nhiều người đã tháo chạy nhưng không may tôi bị đá đè lên. Do lương thấp, không có tiền chữa trị, bàn chân phải của tôi buộc phải cắt đi. Vì thế việc đi lại rất khó khăn. Cũng từ ấy, vì không đủ sức khỏe tôi đành phải nghỉ làm. Dù được Nhà nước chi trả chế độ 400.000 đồng/tháng nhưng cuộc sống của gia đình rất khó khăn.
Thấy hoàn cảnh của bà quá khó khăn, Nhà máy đã cho bà mượn một phòng của tập thể để làm chỗ nương thân. Hàng ngày, để có miếng ăn bà đã làm tất cả mọi thứ nhưng do mất một bàn chân việc đi lại khó khăn nên làm mãi cũng chẳng có dư. Bà mong có một gia đình hạnh phúc nhưng hoàn cảnh không cho phép. Để đỡ hiu quạnh, bà kiếm cho mình đứa con. Những tưởng cô con gái chào đời là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời bà nhưng khi nuôi con học đến lớp 10 thì phát hiện cháu bị ung thư máu. Bà đau đớn khôn cùng. Bà Xuân xót xa: “Cuộc đời này đã cướp đi niềm hạnh phúc lớn trong đời của tôi. Tôi đau đớn lắm, nghĩ lại ngày mang thai cháu, tôi hai lần bị sốt rét do một thời làm công nhân đá bị nhiễm bụi đá”. Với đồng lương trợ cấp tai nạn quá ít ỏi, hàng ngày để có tiền chữa trị cho con, bà lê bước chân trên mọi nẻo đường để bán từng tờ vé số. Nhiều người thấy hoàn cảnh của bà không mua vé cũng cho bà tiền để góp nhặt chữa bệnh cho con.
Anh Hoàng Văn Phùng (tổ 1, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) từng là kỹ sư trồng rừng thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Mơr, huyện Chư Prông. Gần 20 năm nay, anh không còn đủ sức khỏe để đi làm mà ở nhà làm vườn ươm trong mảnh vườn rộng 200 m2. Vụ tai nạn lao động khiến anh bị chấn thương cột sống, mức thương tật 71,80%. Dù hàng tháng có được tiền trợ cấp 1,3 triệu đồng nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu.
Có thể nói, những vụ tai nạn lao động không chỉ cướp đi sức khỏe, sinh mạng của rất nhiều người mà còn làm cho gia đình và xã hội thêm gánh nặng. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động có thể là chủ quan và cũng có thể là do khách quan. Vì thế, nỗi đau này sẽ vẫn còn tiếp diễn nếu như người lao động và người sử dụng lao động còn chủ quan trong công tác bảo vệ an toàn lao động. “Do vậy, để ngăn ngừa và giảm số vụ tai nạn lao động đau lòng kể trên thì việc tuyên truyền và huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động là rất cần thiết. Làm tốt và thường xuyên công tác này là giải pháp quan trọng để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và người lao động an toàn để sản xuất”-bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh cho biết.
Đinh Yến