(GLO)- Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, ở nước ta trung bình mỗi ngày có khoảng 30 người bị tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng, cùng với đó là hàng trăm người phải gánh chịu thương tật suốt đời. Đây không chỉ là tổn thất không thể bù đắp của những gia đình có người thân bị tai nạn mà còn là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội.
Đau lòng những thảm cảnh
Đã 3 tháng trôi qua song cái chết tức tưởi của chị Đào Thị Thảo (SN 1976, trú tại thôn 1, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) vẫn còn để lại nỗi đau đớn khôn nguôi trong lòng anh Vũ Văn Thức và những người thân. Theo lời kể của anh Thức, sáng sớm 16-8, chị Thảo (vợ anh Thức) dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà xuôi theo quốc lộ 25 để thu mua nhôm nhựa. Ngang đường, gặp một người Jrai, chị Thảo dừng lại hỏi xem có đồ bán không thì bất ngờ bị chiếc xe tải BKS 81L-2557 do Mai Huyền Lư (trú tại 27 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) điều khiển trong tình trạng ngủ gật bất ngờ tông vào từ phía sau. Vụ tai nạn định mệnh đã cướp đi sinh mạng của người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó, quanh năm chỉ biết làm lụng để cùng chồng nuôi dưỡng cha mẹ già và 3 đứa con thơ đang tuổi ăn học.
Cũng rơi vào thảm cảnh mất người thân do tai nạn giao thông là trường hợp chị Nguyễn Thị Hồng Diễm (trú tại thôn Tân Định, xã Tân An, huyện Đak Pơ). Chiều 5-9-2013, mẹ, chị gái và em gái chị Diễm đang phơi lúa bên vệ đường thì bị một xe ô tô tải chở củi lưu thông hướng Đak Pơ-An Khê lật nghiêng đè lên. Vụ tai nạn đã khiến cả 3 người thân của chị Diễm bị thương nặng. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng do vết thương quá nặng, chị Nguyễn Thị Lệ Trang (chị gái chị Diễm) sau đó đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 24.
Bên cạnh nỗi đau đớn về tinh thần khi mất người thân, nhiều gia đình còn bị đẩy vào vực sâu khó khăn, hậu quả của những vụ tai nạn giao thông để lại. Sau khi chị Thảo mất đi, gánh nặng gạo tiền trong gia đình 6 miệng ăn, trong đó có 3 đứa con đang đi học đều đổ dồn lên đôi vai anh Vũ Văn Thức. Là một lái xe thu nhập cũng chẳng đáng là bao nên anh Thức đành phải gửi một đứa con gái đang học lớp 11 lên nhờ người em gái trên Kon Tum nuôi giùm để con mình không rơi vào cảnh giữa đường đứt gánh học hành. Trong khi đó, suốt hơn 2 tháng qua, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Diễm luôn phải tất bật chạy vạy tiền nong để chữa trị cho người mẹ bị gãy xương cổ đang nằm một chỗ. Còn em gái chị Diễm đang học lớp 12 vì chấn thương nặng sau vụ tai nạn cũng đã phải gián đoạn việc học hành.
Hành động vì một môi trường giao thông an toàn
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Tiến Dũng |
Những thảm cảnh như gia đình anh Thức, chị Diễm không phải là trường hợp cá biệt mà đang hiện hữu ở khắp quanh chúng ta. Bởi lẽ, theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, chỉ trong 10 tháng năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 193 vụ tai nạn giao thông, làm chết 215 người, bị thương 141 người. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 199 vụ va chạm giao thông làm bị thương 308 người. Còn tính trên phạm vi cả nước, 10 tháng năm 2013 đã có hơn 7.800 người tử nạn và trên 24 ngàn người bị thương do tai nạn giao thông. Điều này đồng nghĩa với việc, cứ mỗi ngày trên cả nước có khoảng 30 người ra đường nhưng vĩnh viễn không trở về với gia đình và hàng trăm người khác phải gánh chịu thương tật suốt đời. Đây là một sự mất mát không thể đong đếm đối với nhiều gia đình và của toàn xã hội.
Chính bởi vậy, trong thông điệp tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông năm 2013, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia khẳng định, đã đến lúc mỗi người Việt Nam cần phải nhận thức sâu sắc về tác hại khôn lường của tai nai nạn giao thông đến toàn bộ tiến trình vươn lên của dân tộc và sự phát triển lành mạnh của giống nòi. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật là mỗi vụ tai nạn giao thông có cả lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và Nhà nước.
Bằng nhiều hành động mạnh mẽ thông qua các chính sách quốc gia và cam kết cộng đồng, chúng ta đã làm mọi cách để giảm thiểu số người chết và bị thương do tai nạn giao thông nhưng chúng ta vẫn có thể và cần phải làm nhiều hơn nữa. Không chỉ Nhà nước mà các tổ chức xã hội, các đoàn thể cho đến từng cá nhân đều phải chung tay hành động và hành động một cách quyết liệt vì một môi trường giao thông an toàn cho chính mình và cộng đồng. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi người cần phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông Đường bộ, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông; mỗi gia đình, nhà trường cần phải giáo dục con em, học sinh từ khi còn bé về ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông.
Tiến Dũng