Trưa 25-11, bão số 9 đổ bộ, gây mưa lớn tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Nhờ chủ động di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm nên các địa phương đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản. Bão đi qua, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng tích cực tổ chức lực lượng, phương tiện giúp người dân khắc phục hậu quả, đồng thời triển khai giải pháp đối phó hoàn lưu bão gây mưa to, lũ lớn...
Cán bộ, chiến sĩ Công an TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận hỗ trợ ngư dân chằng buộc tàu thuyền neo đậu trên sông Cà Ty. |
Khánh Hòa, lũ chồng lũ
Ngày 25-11, toàn tỉnh Khánh Hòa có mưa to. Theo đồng chí Lê Đức Vinh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh, trên địa bàn, nhiều nơi bị ngập nặng. Mạng lưới giao thông thiệt hại nặng, nhiều trục đường chính bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc như tuyến quốc lộ 1A đoạn qua TP Cam Ranh; quốc lộ 27C từ Nha Trang đi Đà Lạt; quốc lộ 26 từ Ninh Hòa đi Đác Lắc... Tỉnh lộ 9 lên huyện miền núi Khánh Sơn bị sạt lở nặng tại Km 22, hư hỏng nhiều ngầm tràn nên không thể đi lại được, chia cắt hoàn toàn Khánh Sơn với các địa phương đồng bằng. Ngành giao thông vận tải huy động ngay phương tiện dọn dẹp, sửa chữa để nhanh chóng thông tuyến. Song, do sạt lở, hư hỏng quá nặng, chưa xác định được thời gian thông tuyến. Chiều tối 25-11, ở Khánh Sơn mưa rất to, mực nước trên các sông, suối tiếp tục dâng cao, gây chia cắt nhiều điểm. Toàn huyện đã di dời 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh cho biết, các xã Cam Thịnh Đông, Cam Phước Đông bị ngập nặng. Hiện, thành phố có 71 điểm có nguy cơ sạt lở rất cao. Tại TP Nha Trang, cơ quan chức năng đã chỉ đạo di dời 1.398 hộ dân với 5.816 nhân khẩu đến nơi an toàn. Chiều 25-11, Nha Trang tiếp tục di dời dân một số khu vực nước chảy xiết có nguy cơ sạt lở cao ở tổ 13, phường Vĩnh Hải.
Toàn tỉnh Khánh Hòa có 12 hồ thủy lợi đang xả lũ, điều tiết mực nước trong các hồ. Ba hồ chứa nước phía nam tỉnh đang tăng lưu lượng xả lũ. Cụ thể: hồ Tà Rục xả lũ với lưu lượng 157,7 m3/s (tăng 130,7 m3/s); hồ Cam Ranh xả 56,5 m3/s (tăng 19,5 m3/s); hồ Suối Dầu 68,2 m3/s (tăng 26,9 m3/s). Do lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất lớn, phía hạ du mực nước thấp nên các hồ đang tăng cường lưu lượng xả lũ vào ban ngày, hạn chế xả ban đêm. Cơ quan chức năng cảnh báo, do mưa lớn trên diện rộng, cùng với một số hồ chứa đang xả điều tiết lũ nên các vùng thấp trũng ở hạ du có nhiều nguy cơ ngập sâu.
Vùng cơn bão tràn qua
Từ đêm 24 đến trưa 25-11, bão số 9 mang theo mưa lớn cùng gió giật mạnh đổ bộ vào Bà Rịa - Vũng Tàu. Mưa xối xả tại hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, gây ngập úng cục bộ nhiều tuyến đường.
Sáng 25-11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trực tiếp thăm, chỉ đạo ứng phó bão tại nhiều khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao tại TP Vũng Tàu. Nhiều hàng cây trên các tuyến phố Lê Hồng Phong, Thùy Vân, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám... bị bật gốc. Trên đường Nguyễn Du, cây xà cừ hơn 100 tuổi bị đổ đè xuống hai xe ô-tô nằm trong khuôn viên Công ty Công trình đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên các tuyến đường đi qua huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc... cây xanh nằm la liệt. Chủ tịch UBND huyện Long Điền Nguyễn Bá Hùng cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng trực 24 giờ trong ngày để ứng phó bão số 9. Ngay sau khi bão tan, chính quyền huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục ngay sự cố đứt đường dây truyền tải điện, mạng viễn thông, cây gãy đổ.
Đồng chí Phạm Ngọc Quế, Giám đốc Điện lực Vũng Tàu cho biết, mưa lớn khiến nhiều cây xanh bật gốc, đổ vào đường dây điện, làm mất điện tại nhiều khu vực. Dù mưa rất to và gió lớn, nhưng ngành Điện lực Vũng Tàu vẫn huy động cán bộ, công nhân viên ứng trực, triển khai đấu nối. Đến chiều 25-11, Điện lực Vũng Tàu duy trì cung cấp điện đầy đủ cho người dân thành phố. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục ra thông báo cho học sinh trên địa bàn tỉnh được nghỉ học ngày 26-11.
Ninh Thuận mênh mang biển nước
Đợt mưa lớn kéo dài trong hai ngày 24 và 25-11 đã gây ngập cục bộ nhiều nơi ở tỉnh Ninh Thuận, làm hàng nghìn căn nhà bị ngập. Tuyến đường sắt bắc - nam (đoạn ngang qua tỉnh) bị sạt lở nghiêm trọng. Nước lũ cuốn phăng hơn 300 m nền đất đường ray tàu, khiến tuyến đường sắt tê liệt.
Sáng 25-11, Công ty Quản lý Đường sắt Thuận Hải được người dân báo tin, nhiều đoạn đường ray bị nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây hư hỏng. Đơn vị nhanh chóng điều động gần 100 công nhân cùng nhiều phương tiện cơ giới đến những nơi xảy ra sự cố để khẩn trương khắc phục. Tại đoạn đường sắt gần ga Cà-Rôm (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc), nước lũ cuốn phăng hầu hết phần đất đá bồi đắp phía dưới, khiến nhiều đoạn đường ray làm bằng thép lộ ra khung “xương” trơ trọi, vắt vẻo qua sông, suối.
Giám đốc Công ty CP Đường sắt Thuận Hải Lê Bá Tuấn Vũ cho biết: “Tuyến đường sắt từ Km 1382+600 đến Km 1383+300 do đơn vị quản lý có nhiều điểm bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 300 m. Công ty đã tập trung mọi nguồn lực khắc phục, để sớm bảo đảm giao thông ổn định trở lại. Phải mất hai đến ba ngày mới khắc phục xong”. Chiều 25-11, nhiều hộ dân sống gần ga Cà-Rôm đã di dời đến nơi khác ở tạm.
Nhiều vùng hạ lưu, vùng trũng ở Ninh Thuận cũng bị ngập cục bộ. Từ đường quốc lộ 1A, nhìn về thôn Gò Đền, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, mênh mông một biển nước. Ông Hữu Tín, một người dân cho biết, khi thấy mưa to, nhiều người cũng định di dời, nhưng do cùng lúc triều cường và nước lũ trên thượng nguồn đổ về quá mạnh nên chỉ trong chốc lát, cả thôn chìm trong biển nước. Bà con vội vã sơ tán, tài sản hầu như bỏ lại. Đồng chí Nguyễn Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Hải cho biết, từ hai giờ sáng đến chiều 25-11, ba thôn Gò Thao, Gò Đền và Thủy Lợi bị ngập hoàn toàn, 1.425 hộ đã sơ tán an toàn.
Tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, đồng chí Huỳnh Thanh Huy Thái, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sáu giờ sáng 25-11, nhận được thông báo có xả lũ hồ Tân Giang, xã tập trung đội xung kích đưa 300 người dân ở thôn Từ Tâm 1 về nhà tránh trú bão của xã. Hiện, nước lũ rất lớn, xã tiếp tục tập trung di dời người dân vùng trũng đến nơi an toàn. Tại huyện Ninh Sơn, nước lũ ngập quốc lộ 27 khiến tuyến giao thông Ninh Thuận đi Lâm Đồng gặp khó khăn. Công an Ninh Thuận đã bố trí lực lượng, chốt chặn tại khu vực đèo Cậu, ngăn người dân không đi lại. Tại tuyến đường đến xã Phước Trung, huyện Bác Ái, khu vực cầu Ô Căm, núi lở đất lấp chặn đường đi, khiến giao thông gặp rất nhiều khó khăn.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công điện chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai các công tác ứng phó. Ngoài việc thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam và Thuận Bắc di dời hàng nghìn người dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và TP Phan Rang - Tháp Chàm cũng di dời nhiều hộ dân sống ở vùng trũng và dọc theo hai bờ sông Dinh đi tránh trú tại những nơi cao ráo. UBND tỉnh quyết định cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học hết ngày 26-11.
Bình Thuận giúp dân sau bão
Đồng chí Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết cho biết, rạng sáng 25-11, triều cường, sóng lớn xâm thực sâu vào đất liền đã cuốn trôi ra biển 31 thuyền máy nhỏ và thúng máy đang neo buộc tại các hàng dừa ven biển. Địa phương huy động lực lượng và phương tiện giúp dân di chuyển thuyền máy còn lại vào sâu trong đất liền. Tuy nhiên, toàn phường có ba thuyền máy, ba thúng máy mất tích, chín thuyền máy bị thiệt hại hoàn toàn, 15 thuyền máy thiệt hại từ 40 đến 50%. Có hai nhà tạm bị sóng đánh sập, chính quyền đã kịp thời di dời hai hộ dân.
Thành phố đang tổ chức lực lượng sửa chữa thuyền hư hỏng của bà con, ứng trực tại những địa bàn xung yếu, sẵn sàng xử lý sự cố.
Tại khu vực nuôi cá lồng bè trên biển ở thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, ông Nguyễn Văn Sáu có một lồng bè với 12 ô nuôi cá bớp bị sóng cuốn trôi, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Tại huyện đảo Phú Quý, không có thiệt hại đáng kể, chỉ có một chiếc tàu công suất 707 CV neo đậu trong cảng bị sóng lớn gây va đập làm hư hại, một thuyền nhỏ dưới 20 CV bị sóng đánh chìm. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đã huy động lực lượng trục vớt chiếc thuyền này lên bờ. Tại xã bãi ngang ven biển Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, sóng lớn lấn sâu vào đất liền khoảng từ 5 đến 10 m với chiều dài khoảng 1 km, làm bật gốc nhiều cây rừng. Sáng 25-11, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận đã xả lũ hồ Sông Quao với lưu lượng điều tiết qua tràn 20 m3/giây. Đến chiều cùng ngày, công ty tiếp tục xả nước tại bốn hồ khác là Phan Dũng, Cà Giây, Cẩm Hà và Đá Bạc. Công ty đã thông báo đến chính quyền các địa phương và nhân dân vùng có thể bị ảnh hưởng để chủ động ứng phó.
Thống kê sơ bộ, đến chiều 25-11, tỉnh Bình Thuận có 19 căn nhà bị thiệt hại; 36 tàu thuyền nhỏ bị thiệt hại; hai lồng bè với hơn 11.000 cá nuôi bị trôi ra biển; hơn 3 km bờ biển bị sạt lở; 25 m2 kè biển hư hỏng. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, sẵn sàng phương tiện, lực lượng ứng phó tình huống xấu, thống kê thiệt hại do bão số 9 gây ra để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Châu Nguyên Tuấn - Nam Trung (nhandan)