Nơi ấy, một thời tôi đã sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã gần 40 năm nhưng với tôi đất ấy và người ấy vẫn còn in mãi trong ký ức. Đó là một ngày tháng 8 năm 1977, tôi được Ty Giáo dục Gia Lai-Kon Tum chuyển công tác từ thị xã Kon Tum về huyện Chư Pah (cũ) nay là huyện Ia Grai. Số là trước đó sau khi ra trường, tôi được tăng cường dạy bổ túc văn hóa cho khóa sư phạm mẫu giáo đầu tiên của tỉnh, khóa học này phần lớn giáo sinh đều đến từ các xã vùng xa và học lực chưa qua cấp II. Khóa học xong, nhiệm vụ của chúng tôi cũng hoàn thành và thế là đi một vèo xuống huyện…
 

Thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai. Ảnh: Đức Thụy
Thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai. Ảnh: Đức Thụy

Năm ấy, đã cuối tháng tám mà trời vẫn mưa dầm dề không ngớt. Xe đò không chạy được. Nghe người ta bày, tôi mua sẵn một ổ bánh mì và một quả dưa nước mang theo ba lô. Đường đất trơn và nhão nhoẹt. Đến cây đa Dù nghỉ lại ăn bánh và quả dưa thay cho nước. Mãi gần trưa mới đến thị trấn huyện lỵ, đôi chân mỏi nhừ… Tiếng là thị trấn nhưng chỉ có một con đường chính qua khu trung tâm được rải nhựa rộng khoảng 3 mét, còn lại toàn đường đất. Nhà cửa thưa thớt. Hầu hết trụ sở các cơ quan hành chính huyện nằm bên này đường, tất cả đều lợp tôn, xung quanh thưng ván. Trụ sở Phòng Giáo dục là một ngôi nhà nhỏ nằm giữa, cũng tôn ván, hai bên hai dãy lán, mái lợp tranh, vách thưng nứa tạo thành hình chữ U. Ngôi nhà giữa làm phòng họp và một bên chái làm chỗ ở của lãnh đạo. Dãy lán là khu làm việc của cán bộ trong cơ quan ngăn ra ba phòng, mỗi phòng kê hai chiếc giường nhỏ rộng chưa đến một mét, ở giữa đặt bàn làm việc. Bên kia đường toàn rừng le và cây lùm bụi, cỏ đuôi chồn. Chiều chiều cán bộ viên chức vẫn sang đó đào bẻ măng hoặc lấy củi khô đem về đun nấu.

Cầm quyết định của Phòng Giáo dục, ngay chiều hôm ấy tôi tiếp tục đi bộ dưới mưa để lên xã B14 tức Ia Grai (nay là Ia Tô) trước đây nguyên là nơi các cơ quan huyện đóng. May có một anh giáo viên dạy xóa mù tên Nhân đi cùng. Con đường qua dốc cầu Ia Châm mới đúng là con đường khủng khiếp. Cả một quãng dài gần cây số bùn ngập đến nửa cẳng chân, đi như tập thể dục, mỗi lần rút chân lên nghe oàm oạp. Mồ hôi trộn lẫn nước mưa, bùn đất. Cầu Ia Châm nước lũ đục ngầu chảy ầm ầm, nước tràn lên cả mặt cầu, hàng trăm con rết lớn và cuốn chiếu bò lên bám dày hai bên thành cầu.

Tối mịt mới đến được xã. May là trước khi vào trường anh Nhân đưa tôi ghé nhà một người quen ở thôn 2 ăn cơm chứ không thì đêm đó đành nhịn đói. Ia Grai lúc này có ba thôn kinh tế mới từ Quy Nhơn lên năm 1976 cư trú dọc trục tỉnh lộ 664 và các làng dân tộc Jrai như làng Hlũ, Delung, Khớp… Dân kinh tế mới đều ở nhà tranh, tất cả đều làm từ tranh: mái tranh, vách tranh, nhà chính tranh, nhà bếp cũng tranh (trừ một số ít nhà vách đất), có thể cháy bất kỳ lúc nào và cháy liền mấy nhà một lúc… Ngôi trường tôi công tác là trường Phổ thông cơ sở Ia Grai, có đủ ba cấp học: mầm non, cấp I và cấp II (cấp II chỉ một lớp 6). Ngoài khu trường chính ngay trụ sở xã, còn có các điểm trường phụ như các lớp mẫu giáo ở 3 thôn kinh tế mới, một lớp 1 ở làng Delung, chưa kể một số lớp xóa mù chữ ở các làng. Nhà dân bằng tranh, nhà trường cũng tranh, vách ngăn các lớp học là những tấm phên đan bằng nứa, lớp bên này học nghe rõ tiếng lớp bên kia. Thầy trò chốc chốc lại ngưng, nhắm mắt chờ cho cơn gió bụi thổi qua…

Trường nghèo và thiếu thốn, đời sống người dân trong xã cũng không hơn, hầu hết sống dựa vào đất rẫy trồng lúa cạn và trồng khoai lang, khoai mì vào mùa mưa. Dân kinh tế mới ở đây vốn là dân nghèo thành phố, chưa quen với công việc cuốc đất, làm ruộng. Mà ruộng cũng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ chục ha cánh đồng Ia Bẽ và cánh đồng thôn 1, sáng nghe kẻng tập đoàn đánh, bà con vác cuốc lững thững đi như dạo phố, cuối vụ nhà nào thu nhiều cũng chỉ dăm sáu bao lúa, lại thiếu trước hụt sau. Hàng quán trong vùng đếm được trên một bàn tay, các làng dân tộc thiểu số không có quán, chủ yếu là ba thôn người Kinh: Quán bà Liễu, quán bà Thu ở thôn 2, quán ông Bốn Thanh ở thôn 3, các quán bán mấy thứ sơ sài như thuốc líp, bánh tráng, trứng vịt… còn mua bầu bí, rau xanh của bà con các làng là chính. Mùa khô xe khách lên đến nơi còn có chút thịt cá, mùa mưa đành chịu!

 

 Trung tâm xã Ia Krái. Ảnh: Đức Thụy
Trung tâm xã Ia Krái. Ảnh: Đức Thụy

Chẳng hiểu sao ngày ấy bệnh sốt rét hoành hành đến vậy! Dân sốt, cán bộ sốt, giáo viên cũng sốt, hàng năm người nào ít nhất cũng phải qua bệnh viện huyện gần đó vài lần (các cơ quan huyện đều chuyển xuống thị trấn mới nhưng bệnh viện thì chưa). Dân đang cuốc ruộng lên cơn khiêng vào viện, giáo viên lên lớp rét run bần bật vào viện, cán bộ huyện đi công tác các xã vùng trên bị sốt được dân võng về nhập viện… Ai nấy gầy gò, bủng beo, da tái mét vì sốt. Cắt cơn rồi cũng chẳng có gì bồi dưỡng, kha khá mới được cân đường, hộp sữa, gói mì tôm. Ngày ấy thức ăn quanh năm của chúng tôi là rau tàu bay, đọt khoai lang, đọt mì, mít non, họa hoằn lắm mới có chút cá khô kho. Trường có Đỗ Ngọc Khuynh nói rất giỏi tiếng Jrai, anh dạy toán và kiêm nhiệm công tác Công đoàn. Vậy là thi thoảng chúng tôi lại năn nỉ anh vào làng xin thức ăn, nhất là thịt treo giàn bếp. Thịt mang về, chịu khó nấu nước sôi nhúng sơ qua rồi nạo bỏ những chỗ không thể ăn được, sau đó thái nhỏ chế biến với dầu, bột ngọt, gọi là cải thiện, vậy mà chúng tôi ăn đến mấy chén khoai độn cơm…

Rồi mấy năm sau chúng tôi lần lượt rời Ia Grai, người về quê, người chuyển trường, chuyển ngành. Anh Phạm Đình Bài-Hiệu trưởng, qua Đak Lak công tác; anh Trần Văn Hạnh-Hiệu trưởng sau anh Bài, mất chôn ở thị trấn huyện; Khuynh về Pleiku rồi nghỉ dạy; cô Bông, cô Thu giáo viên cấp I lấy chồng; anh Hưng, giáo viên sử cũng vậy…

Gần 4 thập kỷ đã qua. Con đường từ Pleiku về xã trước đây tôi đi bộ mất một ngày giờ chỉ non tiếng đồng hồ bon bon xe máy trên con đường rải nhựa là đã đến thị trấn huyện. Nét đô thị hiện rõ trên con đường đôi trung tâm một bên là rừng le năm xưa. Bây giờ đường rộng thênh thang, làn đường phân rõ. Hai bên sin sít những ngôi nhà cao tầng. Chợ búa, hàng quán, cửa tiệm, shop thời trang, nhiều biệt thự nguy nga giữa vườn cây... Và đâu chỉ có thế, đến những xã vùng xa trên kia cũng có các công trình thủy điện như Sê San 3A, Sê San 4 nên người và xe qua lại trên đường luôn tấp nập. Vào nhà dân không còn nghe người ta bàn chuyện đủ ăn hay thiếu ăn, vụ mùa mỗi năm được mấy bao lúa mà là mấy tỷ, mấy trăm triệu đồng từ mua bán, từ làm vườn cà phê, điều, cao su tiểu điền. Tôi đứng lặng trước nơi xưa là trường phổ thông tranh tre bây giờ là một ngôi trường trung học cơ sở khang trang, tường rào, sân chơi, thư viện, nhà để xe… bài bản, những thứ mà ngày xưa có mơ chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến. Vùng xa Ia Grai giờ đã trở thành một thị tứ trù phú. Hỏi chuyện một vài người quen cũ biết lứa học trò chúng tôi ngày ấy giờ nhiều người đã lên ông, lên bà, có người là cán bộ chủ chốt, là “đại gia” của xã.

Bốn mươi năm, nhìn cảnh vật trước mắt cứ ngỡ như đang trong một giấc mơ…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.