(GLO)- Sau 5 năm triển khai cho vay phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, mặc dù mức cho vay còn khá thấp so với nhu cầu thực tế nhưng nhiều hộ gia đình đã biết cách sử dụng đồng vốn để tăng gia sản xuất, kết hợp với các chương trình hỗ trợ khác để vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Đây cũng là mục tiêu lâu dài mà chương trình tín dụng này hướng đến...
Hướng dẫn kỹ thuật trồng tre lấy măng. Ảnh: Đức Thụy |
“Vay vốn Nhà nước là để làm ăn”-nhận thức này là của ông Rmah Jil-Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1 (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cũng như các hội viên trong tổ khi sử dụng đồng vốn ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Thông qua hoạt động bình xét công khai, năm 2009 đã có 6 hội viên trong tổ được Phòng Giao dịch Đak Đoa (Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh) cho vay mức tối đa 5 triệu đồng/hộ, lãi suất bằng 0%, thời hạn vay 5 năm theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg. Có vốn vay, có phương án sản xuất rõ ràng lại thêm sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách Xã hội nên các hội viên đã mạnh dạn đầu tư nuôi heo, bò, mua vật tư phân bón chăm sóc vườn cà phê, cải tạo vườn tạp gia đình...
- Bà Siu Thị Nữ Hạnh-Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội-Chi nhánh tỉnh: Đồng vốn của chương trình tín dụng đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực sự là đồng vốn góp phần giảm nghèo. Ngoài chương trình này, bà con còn được vay vốn từ các chương trình khác với tổng dư nợ đến 31-12-2013 là 15,457 tỷ đồng, với 1.547 hộ dư nợ. Vốn đã có, nhưng cũng cần phải kết hợp, hỗ trợ bà con qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm thì đồng vốn mới phát huy hiệu quả. Đồng thời, cần quan tâm gắn kết với công tác dạy nghề nông thôn tùy theo thế mạnh của từng địa phương. - Ông Lê Trọng-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang: Thời gian qua, những hộ thoát nghèo trên địa bàn huyện đều đã được tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội và 100% hộ nghèo có nhu cầu đều được tạo điều kiện để vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội bởi đây là nguồn lực, là công cụ hỗ trợ xóa đói giảm nghèo đắc lực. Về phía địa phương, huyện đã chỉ đạo các phòng ban thực hiện lồng ghép các chương trình chính sách, dự án khác với chương trình tín dụng cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, giúp phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện điều kiện sống của bà con ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. |
Đến nay, đời sống một số gia đình hội viên đã được cải thiện rõ rệt, 1/6 hộ vay đã ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn. Tương tự như địa bàn xã Ia Băng, hầu hết bà con dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở xã Ia Pết không có khả năng, điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Do đó, đồng vốn vay ưu đãi từ kênh Ngân hàng Chính sách Xã hội dù ít ỏi nhưng được bà con trân trọng, có ý thức sử dụng đúng mục đích, biết gửi tiền tiết kiệm vào tổ để có thể hoàn trả đúng kỳ hạn. Trong các năm 2007, 2008, 2010 đã có 30 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trong xã được vay vốn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg. Tính đến thời điểm hiện nay, dư nợ chương trình này tại xã Ia Pết chỉ còn 142 triệu đồng vì nhiều hộ vay đã tích cực trả nợ trước hạn, có hộ chỉ còn dư nợ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Từ những điểm sáng ở Ia Băng, Ia Pết (huyện Đak Đoa) cho thấy, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho bà con trong phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để bà con vươn lên thoát nghèo chỉ nhờ nguồn vốn này là chưa đủ. Đa số hộ vay được Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện tiếp cận thêm dòng vốn từ chương trình hộ nghèo với mức cho vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường, cho vay làm nhà ở theo Chương trình 167, cho vay học sinh-sinh viên...
Chính vì vậy, các địa phương đã tích cực triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, tiêu, bời lời, chăn nuôi... diễn ra hàng năm, giúp bà con lựa chọn cây trồng-vật nuôi phù hợp đầu tư sản xuất. Có vốn, có kiến thức làm ăn cộng với tinh thần nỗ lực phấn đấu từ chính hộ vay đã nâng cao giá trị, hiệu quả vốn vay theo thời gian. Trải qua 5 năm triển khai chương trình tín dụng này, đã có 930 hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thoát nghèo, chiếm 15% số hộ vay vốn. Từ nguồn vốn vay đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình nuôi được 4.034 con bò, 1.002 con heo, chăm sóc 95 ha cà phê, 30 ha bời lời... Đặc biệt, tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình chỉ chiếm 0,29%.
Sơn Ca