(GLO)- Kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm được Hội nghị Tỉnh ủy ngày 6-7 vừa qua đánh giá là có sự phát triển khả quan: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều đạt ở mức khá, kim ngạch xuất khẩu đạt chỉ tiêu đề ra, chỉ số giá các mặt hàng tiêu dùng có tăng nhưng ở mức thấp so bình quân chung của cả nước. Những vấn đề xã hội và quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng hệ thống chính trị… đều đạt được những kết quả nhất định.
Qua nhận định, đánh giá ấy, chúng ta có thể hình dung bộ mặt về kinh tế-xã hội của Gia Lai trong 6 tháng đầu năm có những chuyển biến đáng kể, cho dù tình hình kinh tế của cả nước đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, suy thoái có dấu hiệu chưa dừng.
Ảnh: Đức Thụy |
Thế nhưng, cũng tại Hội nghị này, nhiều ý kiến vẫn còn lo ngại cho sự bền vững của những kết quả đạt được nói trên và tại các văn bản (dự thảo) báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Hội nghị cũng cho rằng còn nhiều yếu kém, tồn tại, vướng mắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội của cấp ủy và chính quyền các cấp. Đó là: Công tác quản lý bảo vệ rừng; Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc quản lý, phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản; vấn đề môi trường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn…
Đặc biệt đáng quan tâm là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu, chưa đủ sức để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở, việc nắm bắt diễn biến tư tưởng của nhân dân ở một số nơi chưa kịp thời. Bổ sung những việc yếu kém cần làm rõ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu lưu ý: Tình hình khó khăn của nền kinh tế nói chung và đặc biệt là khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay là điều hết sức đáng quan tâm.
Hiện Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ-về thuế, lãi suất cho vay, về một số chính sách kinh tế-xã hội khác… nhưng trên thực tế doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được với các chính sách ưu đãi này (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả tỉnh đã có trên 600 doanh nghiệp bị phá sản hoặc “mất tích”-N.V); vấn đề nữa là nổi lên trong dư luận vừa qua là việc tiêu cực trong xây dựng cơ bản, nhiều nhà thầu bỏ chạy trong khi công trình thi công dở dang mà vốn đã ứng gần hết, công trình hư hỏng, hoang phế gây lãng phí tiền của của nhân dân, chắc chắn có “vấn đề” trong việc đấu thầu, chọn nhà thầu, tới đây cần nghiêm túc kiểm điểm, xử lý những người vi phạm.
Tiếp tục chủ đề này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh-ông Phạm Thế Dũng cho rằng xây dựng cơ bản khó khăn nhất là tìm nguồn vốn, nhưng khi vốn đã có thì… khó tiêu, nảy sinh vấn đề “thủ tục”-thủ tục lập dự án, phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu… vô cùng chậm. Đã vậy, khi hoàn tất các công việc thuộc về “thủ tục” nói trên, Chủ tịch Phạm Thế Dũng chỉ rõ: Năng lực của các ban quản lý, của chủ đầu tư, của các đơn vị tư vấn, giám sát… lại yếu kém, để cho nhà thầu “mượn đầu heo nấu cháo”. Còn nữa, các cơ quan chức năng đánh giá năng lực nhà thầu không chính xác dẫn đến nhiều khi chọn “nhầm” nhà thầu. Có thể xử lý các công trình xây dựng dở dang là xử lý các ban dự án, chủ đầu tư và nhà thầu bằng cách buộc họ bỏ tiền ra đền cho dự án.
Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới có những tiến bộ mà theo như báo cáo tại hội nghị đã nêu là 185 (100%) xã hoàn thành việc rà soát, đánh giá thực trạng và phê duyệt đồ án quy hoạch, đề án xây dựng… đặc biệt là tập trung ưu tiên vốn đầu tư cho 45 xã điểm. Vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng lưu ý, hiện vẫn còn không ít cán bộ lãnh đạo các cấp nhận thức chưa đúng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng cho nông thôn mới, còn ỷ lại cho ngân sách cấp trên, lúng túng trong quá trình tổ chức triển khai, về khách quan cũng cần có sự điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp thực tế nông thôn vùng miền núi và đó là việc của Chính phủ.
Cũng thuộc vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin lo ngại phần đầu tư cho nông thôn mới mà chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia là không thể hiện thực được khi mà nhiều địa phương không có doanh nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị nào có tiềm lực kinh tế, ngân sách mạnh đứng chân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng…
Một số nội dung khác nêu ra tại hội nghị lần này của Tỉnh ủy cũng đã được các đại biểu quan tâm thảo luận, đó là việc thông qua văn bản về “Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh” từ nay đến năm 2015 và tiếp đến năm 2020. Thực trạng khó khăn và yếu kém của lĩnh vực này cần được đánh giá chính xác trước khi đưa ra những nhiệm vụ mục tiêu cho thời gian đến, nhiều nội dung nêu trong dự thảo còn quá chung, quá lạc quan… nhưng khó có thể thực hiện, đó là ý kiến của một số đại biểu nêu ra. Công tác xây dựng hệ thống chính trị, nhất là việc tổ chức triển khai học tập và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng được đặc biệt quan tâm của nhiều đại biểu. Sẽ mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân khi mà việc thực hiện Nghị quyết này không nghiêm túc, không đạt yêu cầu.
Hiện tình hình tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong không ít cán bộ, đảng viên là vấn đề nhức nhối của xã hội, Nghị quyết 4 lần này phải là liều thuốc mạnh, đủ sức phòng và trị căn bệnh nan y này, làm cho nội bộ Đảng và bộ máy chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh và thật sự là của dân, do dân, vì dân. Làm được vậy sẽ góp phần khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo của tổ chức đảng, nâng cao nhận thức về tư tưởng, chính trị, nâng cao sức chiến đấu của Đảng từ cơ sở.
Những vấn đề Hội nghị Tỉnh ủy lần này thảo luận và kết luận là nội dung cơ bản, quan trọng (Báo Gia Lai đã đưa tin) để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện trong những tháng còn lại của năm nay và cho các năm tiếp theo!
Bích Hà