Những sớm mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bốn mùa đi qua đều mang lại vẻ đẹp riêng khiến lòng người ngẩn ngơ, yêu mến. Với tôi, khi mùa đông đến là những kí ức gần xa bỗng ùa về, khiến lòng thêm bồi hồi, thương nhớ. Dường như như có điều chi vương vấn, tôi cứ yêu thích những sớm mùa đông đến lạ…

Mùa đông tuổi nhỏ, là những buổi sớm mai gió lùa ràn rạt phía bờ tre, là khi con gà cất tiếng gáy giòn vang phía đầu hè, tôi đã nghe ba má thức dậy thắp đèn. Ngọn đèn hột vịt leo lét chỉ đủ soi một quầng sáng nhỏ cũng theo bước chân người đi ra gian bếp.

Nơi ấy, bếp lửa được nhóm lên bằng thứ nan tre, củi tre còn thừa lại sau khi đan rổ. Mùi khói bay lên tận nhà trên, đánh thức tôi dậy sớm. Má lụi cụi lo cơm nước, ba chế ấm trà vừa uống vừa sửa soạn mấy vật dụng nhà nông đợi sáng ra đồng. Sáng sớm mùa đông sương gió lạnh, những đứa trẻ chúng tôi nhanh bước đến trường làng. Con đường sình lầy, trơn trượt, quần áo đứa nào cũng phong phanh nhưng tiếng cười giòn vang, rộn rã.

Đi giữa đồng làng đang chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân, nhìn mà thương ba má và những người ở quê đang miệt mài cày cuốc, giữa những cơn mưa phùn và gió bấc thổi qua. Có tiếng người quen nói vọng lên từ phía ruộng: “ráng học nhen mấy con”!

Những sớm mùa đông xa nhà trọ học, là cái lạnh của vùng đất đỏ cao nguyên, là những cơn mưa vắt ngang qua đồi vắng, là sương giăng trắng cả núi đồi, là những vạt hoa rợp vàng bên triền dốc. Những người bạn ở miền Trung cùng thấu hiểu, chung nỗi nhớ nhà, mừng lo đủ thứ chuyện. Khoản tiền học bổng bạn vừa mới nhận được, nếu dành dụm là đủ tiền cơm một tháng, nhưng tuổi trẻ cũng có những ước mơ lớn hơn chuyện cơm áo.

Buổi sáng mùa đông năm ấy, nơi góc quán lưng chừng đồi, hướng ra mặt hồ soi bóng những gốc thông già với hàng liễu rũ, bạn đọc tôi nghe truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Nhờ sự chia sẻ này tôi mới hiểu thêm thế giới văn chương bao la rộng lớn, vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Tôi cảm được cà phê ngon vì có hương thơm và vị đắng, những ngọn gió thổi liên hồi không chỉ ở Hua Tát, vẫn còn đau đáu những phận người trên chuyến đò chật chội vừa mới sang sông! Bạn nói phải lắng lòng mới cảm được lá thông reo, nhưng tôi chỉ nghe tiếng rao văng vẳng của người bán dạo bánh mì trên đường phố lạnh, thấy những bóng người lầm lũi giữa màn sương còn trắng mờ bên vườn su hào, cải bắp. Tôi chợt nhớ quê nhà mùa biển động, bão lụt liên miên, rổ sàng nong nia không bán được thì lấy tiền đâu để gửi cho con?!


 

 Mùa đông nơi thôn quê.
Mùa đông nơi thôn quê.



Công tác tại huyện miền núi vùng cao nhưng nhờ ngôi trường của tôi ở trung tâm thị trấn nên điều kiện đi lại tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, tôi vẫn biết về nhiều điểm trường xa xôi, còn rất khó khăn thiếu thốn. Ở những nơi đó, sáng sớm mùa đông trên từng cung đường lầy lội, quanh co đèo dốc, trong tiết trời lạnh buốt bởi đá núi sương mưa, học sinh và thầy cô giáo phải vượt qua bao nhọc nhằn, vất vả để đến trường. Nhìn quãng đường gian nan mà càng thương và cảm phục cho tinh thần vượt khó của thầy cô và các em!

Tôi và những đứa bạn ngày xưa cũng vượt quãng đường 10km bùn lầy sỏi đá, bằng chiếc xe đạp cũ, xuôi ngược mưa gió mùa đông suốt ba năm để đến trường. Dù gì chúng tôi cũng luôn cố gắng vì ghi nhớ câu nói mà thầy đã đọc: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.(Nguyễn Bá Học). Thật trân trọng tấm lòng của thầy cô giáo, những người gieo chữ, gieo những hạt nắng vô tư giữa mùa đông lạnh giá cho mầm đời vươn lên tươi sáng ngày mai!  

Những sớm mùa đông, tôi thường dậy sớm uống trà và cà phê trước sân. Tôi yêu thích cái lạnh của mùa đông và không gian yên vắng miền sơn cước. Cái thú vui khi trời còn mờ sương, dậy nấu ấm nước sôi chế trà và cà phê, rồi bật chiếc radio vừa uống vừa nghe đài đã theo tôi suốt bao mùa mưa nắng. Mưa mùa đông cứ lê thê, dầm dề, có hôm ầm ào trút nước. Ngồi nghe mưa rào rào trên mái tôn, mưa xiên xiên qua tán lá, mưa hắt vào mé sân cùng những cơn gió lạnh, tôi nhớ đến hiên nhà xưa gió lùa, mưa tạt. Và, giờ này chắc chắn ba tôi cũng đang chế bình trà, ngồi lặng lẽ bên sân. Dù tuổi già, không còn làm ruộng nữa nhưng mỗi sớm mùa đông ba má đều dậy sớm nấu cơm và thường nhìn về hướng biển để đoán định thời tiết, rồi cầu mong cho mưa bão đi qua để góc vườn xanh thêm một khoảnh rau, đỏ vàng thêm mấy khóm hoa vạn thọ!

Sáng sớm nay, sương giăng trắng mờ nhưng mưa đã thôi rơi, nghe tiếng vạc kêu ngang trời, thấy nhấp nháy vài ánh sao thưa, nhìn phía đằng đông nền trời bắt đầu ửng hồng, lòng tôi cũng vui rộn ràng vì sẽ có nắng lên ấm áp. Chỉ cần qua 23/10 âm lịch là nhẹ bớt nỗi lo bão lụt. Tôi nghĩ vẩn vơ, nếu không có lụt bão thì sẽ đẹp biết bao nhiêu những buổi sớm mùa đông!

Theo PHAN HUY THÙY (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.