Những nữ TNXP lỗi hẹn với hạnh phúc: Leo lắt sớm tối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Họ từng san rừng bạt núi, phá đá mở đường, lấp hố bom, tải lương, tải đạn, cống hiến cả tuổi xuân, xương máu cho Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng họ vẫn phải lỗi hẹn với hạnh phúc của riêng mình khi không thể xây dựng gia đình, không nơi nương tựa và chịu nhiều thiệt thòi khác.

“Thương con nhưng giờ tôi không biết làm sao nữa…”

Năm 1972, bà Vũ Thị Phương (SN 1953, ở phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh) xung phong đi chống Mỹ cứu nước và được phân công vào đội C1, Tổng đội 53. Công việc của bà và đồng đội là san lấp hố bom, vận chuyển lương thực, tải đạn, làm đường ở tuyến đường 21, 22 và đường 8 (Lào). Năm 1975, khi đang cùng đồng đội làm đường, bị giặc đánh bom, hàng chục đồng đội của bà bị thương, có người hi sinh tại chỗ, còn bà bị mảnh bom găm vào lưng và chân, may mắn sống sót.

 

Cựu TNXP Vũ Thị Phương khoe với đồng đội bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi của người con gái không may mang bệnh hiểm nghèo.
Cựu TNXP Vũ Thị Phương khoe với đồng đội bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi của người con gái không may mang bệnh hiểm nghèo.

Trở về địa phương khi vẫn còn trẻ, 22 tuổi, bà không dám lập gia đình bởi những vết thương quái ác. Vết thương ở lưng khiến bà không cúi được. Cứ trái gió trở trời là những cơn đau nhức xuất hiện hành hạ bà. Với khát khao cháy bỏng được làm mẹ, bà đã xin con một người đàn ông không phải là chồng. Tưởng chừng hạnh phúc đã đến khi năm 1992, bà sinh hạ được cô con gái bụ bẫm kháu khỉnh. Nhưng năm lên 14 tuổi con gái bà bị mắc chứng bệnh hiểm nghèo xơ cứng tuyến bì. Bà đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng không mang lại kết quả, bao nhiêu của cải tích cóp được cũng dồn hết để chữa bệnh cho con. Hằng tháng tiền lương trợ cấp thương binh hạng 4/4 cũng không đủ tiền trang trải thuốc men cho 2 mẹ con. Nhưng bà không sợ đói nghèo, chỉ lo cái căn bệnh quái ác kia cướp đi đứa con duy nhất của bà.

Mang cho chúng tôi xem những tấm giấy khen, bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi của con gái, bà Phương nói trong nước mắt: “Năm nay cháu đã 25 tuổi nhưng chỉ được 30 kg, đi lại phải ngồi xe lăn. Cháu học giỏi lắm, luôn có nghị lực vươn lên trong học tập và cuộc sống. Cháu tốt nghiệp loại giỏi ngành Sư phạm Toán (trường ĐH Hà Tĩnh) nhưng vì sức khỏe yếu nên không thể đi dạy. Thương con nhưng giờ tôi không biết làm sao nữa…”.

Con gái bà Phương giờ chỉ ở nhà với mẹ. Còn bà mỗi ngày một già yếu đi. Hai mẹ con chăm nhau sớm tối như hai ngọn nến leo lắt...

Chỉ được hưởng trợ cấp một lần

 

Cựu TNXP Ngô Thị Thành trong căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo của mình.
Cựu TNXP Ngô Thị Thành trong căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo của mình.

Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, xiêu vẹo, gió có thể thổi thông bốn bề, vậy mà vợ chồng cựu TNXP Ngô Thị Thành, ở xã Thạch Thanh, Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn ở đó bao nhiêu năm nay. Hiện vợ chồng bà sống qua ngày chỉ nhờ vào những đồng tiền trợ cấp người mù ít ỏi.

Tham gia TNXP từ năm 1972 - 1975, bà Thành cùng đồng đội làm nhiệm vụ lấp hố bom, mở đường tại các tuyến đường Trường Sơn ở Quảng Bình, Quảng Trị. Trong những năm đó, bà bị thương biết bao lần cũng không nhớ nữa. Lần nặng nhất là khi đang trú ẩn, bà bị bom đạn phía bên kia thả trúng hầm và vùi lấp. “Mãi mấy ngày sau đồng đội mới tìm thấy tôi. Nhiều người còn tưởng tôi đã chết nên báo tử về nhà. Sau đó cha và anh trai còn vào Quảng Bình để xem tôi còn sống hay đã chết”, bà Thành nhớ lại.

Rời chiến trường, bà trở về bị đau ốm triền miên. Rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với bà khi có người cùng xã thương mến đến hỏi cưới. Có tình yêu bà trở lên khỏe mạnh, ba đứa con lần lượt ra đời. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu, tai họa lại ập đến với bà. Một buổi sáng thức dậy, bà hốt hoảng khi nhìn mọi thứ chỉ thấy mờ mờ. Những ngày sau đó thì mù hẳn. Bà được chồng đưa đi bệnh viện khám, các bác sỹ kết luận do di chứng chiến tranh khiến mắt bà bị thoái hóa giác mạc và rất khó chữa trị. Đã nghèo lại còn sinh bệnh tật, hai vợ chồng bà rơi vào cảnh túng quẫn. Những đứa con của vợ chồng bà đã lớn nhưng cũng chẳng giúp được gì.

“Sau khi tham gia TNXP trở về, tôi không còn giấy tờ gốc nên chỉ được hưởng trợ cấp một lần với số tiền 2,5 triệu đồng. Hai vợ chồng già giờ sống bằng tiền trợ cấp cho người tàn tật là tôi bị hỏng 2 mắt. Vừa rồi có nhà hảo tâm đến tỏ ý tài trợ 30 triệu đồng để xây lại nhà. Nhưng nếu xây nhà mới chúng tôi lại phải đi vay mượn thêm mới đủ. Mà bây giờ đi vay mượn ai được? Nếu có thì lấy gì trả? Do vậy chúng tôi đành từ chối, sống tạm bợ thế này”, bà Thành nói.

Còn nhiều người mất giấy tờ không được hưởng chế độ đầy đủ

 

Căn nhà cấp 4 lụp xụp, xiêu vẹo, gió có thể thổi thông bốn bề của cựu TNXP Ngô Thị Thành và chồng.
Căn nhà cấp 4 lụp xụp, xiêu vẹo, gió có thể thổi thông bốn bề của cựu TNXP Ngô Thị Thành và chồng.

Bà Lương Thị Tuệ, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện còn rất nhiều cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, trong đó đa phần là nữ giới. Bên cạnh những trường hợp đơn côi, không ít chị em đã lập gia đình nhưng không thể làm mẹ, hoặc có con bị dị tật. Nhiều trường hợp đã được các tổ chức hảo tâm hứa tặng tiền làm nhà nhưng không có một tấc đất cắm dùi, vẫn phải đi ở nhờ, ở đậu.

“Trong những năm tháng chiến tranh, ngoài những hiểm nguy của bom, đạn, chất độc hóa học…chị em TNXP còn phải chịu đựng nhiều bệnh tật như sốt rét, rụng tóc và đặc biệt là bệnh phụ khoa. Thời gian đóng quân có khi suốt cả nửa năm trời mưa dầm dề, chị em không mấy khi được mặc quần áo khô. Hay những đợt nắng nóng trong rừng sâu không được tắm rửa. Bởi vậy, rất nhiều nữ cựu TNXP sau khi lập gia đình bị mắc nhiều chứng bệnh và không có cơ hội làm mẹ. Cùng một mặt trận, cùng đóng góp, nhưng nếu so với nam giới, các nữ TNXP vất vả, thiệt thòi hơn rất nhiều”, bà Tuệ nói.

Theo Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh, chế độ cho TNXP còn gặp nhiều vướng mắc. “Trong 1.000 trường hợp TNXP làm chế độ chính sách, chỉ có số ít có giấy tờ được hưởng trọn vẹn hỗ trợ của nhà nước, ngoài chế độ trợ cấp một lần cho TNXP là 2,5 triệu đồng/người và tham gia từ năm thứ 3 trở đi, mỗi năm được thêm 8 trăm nghìn đồng/người/năm. Còn lại phần nhiều mất giấy tờ gốc nên chỉ được hưởng 2,5 triệu đồng, rất thiệt thòi”, bà Tuệ nói thêm.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh còn 8.714 hội viên TNXP (trong đó có 5.715 là phụ nữ, có 298 phụ nữ đơn thân không lấy chồng và có 143 chị có con). Sau khi rà soát phân loại, còn lại 586 trường hợp thuộc 7 nhóm đối tượng chưa được hưởng các chính sách.

Quang Lộc/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.