(GLO)- Ấy là chúng tôi muốn nói đến những chiến sĩ của Tiểu đoàn Bộ binh 50 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Trong hàng trăm chiến sĩ nhập ngũ cùng đợt, họ thật sự nổi bật nhờ vào tài lẻ của mình. Và hơn thế, chính nhờ những tài lẻ này mà những người lính đã góp phần làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Ngay trang đầu tiên trong cuốn nhật ký của Binh nhất Siu Rin-Tiểu đội 7, đại đội 3 có viết dòng chữ: “Tôi sẽ cố gắng hết mình để vượt qua mọi thử thách, khó khăn trên con đường tương lai của mình”. Điều gây ấn tượng không phải ở nội dung dòng chữ mà chính ở nét chữ rất đều, đẹp và bay bổng mà bất cứ ai nhìn vào cũng nghĩ ngay đó là nét chữ của một cô gái hoặc của một người chuyên về nghề viết lách… chứ chẳng phải của một anh lính chỉ quen với thao trường, súng ống.
Binh nhất Nguyễn Ngọc Định với nghề làm cửa sắt. Ảnh: P.D |
Và rồi, chẳng biết từ khi nào, nét chữ của Rin được mọi người “ưu ái” tặng cho danh hiệu-người viết chữ đẹp nhất đơn vị. Cũng vì thế, nét chữ của Rin cũng “góp mặt” trong nhiều sự kiện lớn, nhỏ của đơn vị như: viết báo tường, kẻ vẽ biển, bảng, làm pa nô, áp phích, kẻ vẽ một số hoa văn trên bảng tin, làm bảng ảnh ở phòng Hồ Chí Minh…
Theo lời kể của Rin, hồi còn học Tiểu học, em viết chữ rất xấu, thậm chí lần nào cầm tập vở lên bảng để thầy giáo kiểm tra, em cũng nhận được câu nhận xét: chữ viết quá xấu! Bị thầy nhắc nhở nhiều lần, Rin cũng thấy ngại với bạn bè nên quyết tâm phải luyện viết chữ cho thật đẹp và đến năm học cấp II, Rin đã đạt giải nhì về viết chữ đẹp do Trường THCS Trần Quốc Toản (huyện Phú Thiện) tổ chức.
Không chỉ viết chữ đẹp, Siu Rin còn nổi tiếng toàn tiểu đoàn về tài vẽ đẹp. Từ phong cảnh làng quê Phú Thiện với những cánh đồng lúa trải vàng đến hình ảnh người lính vững vàng tay súng, bảo vệ Tổ quốc qua nét vẽ của Rin đều lung linh sống động như thật. Rin tâm sự: “Hồi còn đi học, em hay được thầy-cô giáo trường Tiểu học, Mầm non nhờ vẽ tranh phong cảnh, vẽ các mô hình… trong các bài học của các em nhỏ. Đến khi nhập ngũ, em cứ nghĩ mình sẽ ít có dịp được cầm bút vẽ, nhưng rồi được các anh trong đơn vị tạo điều kiện, em rất vui.
Chiếc máy bay do Binh nhất Nguyễn Văn Tánh làm. Ảnh: P.D |
Vì công việc được giao phù hợp với khả năng, hơn thế em có thêm cơ hội rèn luyện chữ viết, nét vẽ cho đẹp hơn…”. Tuy nhiên, tài viết chữ đẹp-vẽ đẹp của Rin, sau khi nhập ngũ khá lâu mới được đồng chí, đồng đội phát hiện là nhờ vào bức tranh vẽ trên chiếc áo thun trắng gửi về tặng người thân. Phía trước chiếc áo thun, Rin vẽ phong cảnh làng quê Phú Thiện-quê Rin đang mùa gặt, phía sau là hình ảnh người lính đang cầm cây súng vững vàng bảo vệ Tổ quốc. Bức tranh là thông điệp mà Rin muốn nhắn nhủ với gia đình về sự nhớ nhung làng quê da diết, cũng như một lời hứa sẽ kiên trì vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng của một người lính.
Với Rin, vẽ là một niềm đam mê, mỗi khi rảnh rỗi em lại mang giấy bút ra vẽ. Có khi chỉ là vẽ những hình ảnh mình cảm thấy thích, đôi khi lại vẽ hình chân dung để tặng bạn bè, thậm chí có nhiều đồng đội còn nhờ vẽ tranh để dành tặng người yêu hoặc vẽ hình người yêu… “Em còn đang muốn vẽ nhiều bức tranh hơn nữa để tặng cho mỗi bạn một bức làm kỷ niệm trước khi xuất ngũ, nhưng không có nhiều thời gian”-Rin tâm sự. Và ước mong của Rin là sau khi xuất ngũ sẽ thi vào Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh để phát huy hết khả năng cũng như năng khiếu của mình.
Khác với Siu Rin, Binh nhất Nguyễn Văn Tánh-Trung đội Thông tin lại có tài “biến” những vỏ đạn vô tri vô giác thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao như: cây bút, máy bay, xe tăng, hình trái tim… được nhiều người yêu thích. Binh nhất Nguyễn Văn Tánh, cho biết: “Khi mới vào lính, thấy mấy anh đi trước dùng vỏ đạn làm những vật kỷ niệm rất đẹp, em rất thích và cũng bắt chước làm theo. Khi bắn đạn thật ngoài thao trường, lúc dọn thao trường, em thu gom những vỏ đạn sau đó tận dụng ngày nghỉ, giờ nghỉ để tranh thủ làm…”.
Theo Tánh, muốn sản phẩm đẹp thì trước hết phải làm bóng vỏ đạn và một cây bút đẹp phải được làm từ 8 vỏ đạn, còn bình thường chỉ cần làm bằng 5 vỏ đạn là được. Tuy nhiên, để hai vỏ đạn khớp với nhau đòi hỏi người làm phải vừa khéo tay, vừa tỉ mỉ, kỳ công, sau đó phải giũa ruột vỏ đạn sao cho vừa vặn một chiếc ruột bút… Đến nay, Tánh đã hoàn thành hai cây bút-một tặng người bạn thân, còn một chiếc giữ lại làm kỷ niệm và làm được máy bay, trái tim, xe tăng…
Với mỗi sản phẩm đều đòi hỏi sự công phu, riêng với chiếc máy bay quan trọng là cho cánh của nó phải cân để khi đặt xuống máy bay không bị nghiêng, sau đó tận dụng chiếc bật lửa hư để làm bánh…
Ở Tiểu đoàn 50, ngoài Siu Rin, Nguyễn Văn Tánh còn có Nguyễn Ngọc Định-Trung đội Thông tin, người làm cửa sắt rất… nghề. Theo Chính trị viên phó Tiểu đoàn Phan Thanh Tùng thì Định đã làm lợi rất nhiều cho đơn vị khi tham gia sửa chữa, làm mới kịp thời, an toàn nhiều giường sắt, trụ điện, mô hình học cụ… Ngoài ra, còn rất nhiều chiến sĩ khác, nhờ tài lẻ của mình đã làm lợi cho đơn vị rất nhiều.
Phương Dung