(GLO)- Cho tới thời buổi này rồi mà vẫn còn không ít cán bộ và hộ nông dân cho rằng hãy để người nông dân có quyền định đoạt (làm chủ) trên mảnh đất của mình. Có nghĩa là, anh có ruộng đất được Nhà nước giao thì có quyền muốn làm gì trên mảnh đất đó. Điều đó có phần đúng, bởi có những quyền đã được Nhà nước công nhận khi giao đất. Song, do sự nhận thức này mà bao năm nay làm cho người nông dân gặp khó, vì luôn chạy theo thị trường, “trồng-chặt, chặt-trồng”, may ít, rủi nhiều, thậm chí không ít gia đình bị tán gia bại sản. Cụ thể, trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến tình trạng phát triển tràn lan cây chanh dây trên địa bàn tỉnh.
Người dân chặt cà phê trồng chanh dây. Ảnh: Q.T |
Hiện nay, trên thị trường nông sản ở Gia Lai, chanh dây là một trong những loại sản phẩm đang được giá. Tìm hiểu hiện tượng này, được biết có rất nhiều thương lái gom mua với giá cao loại trái cây này để bán sang thị trường Trung Quốc. Do đó, không ít nông dân chặt cà phê, cao su và phá bỏ một số loại cây trồng khác để đua nhau trồng chanh dây. Riêng trên địa bàn huyện Mang Yang, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện đã đạt diện tích trên 200 ha; các huyện, thị xã khác như: Kbang, Chư Pưh, Đak Đoa, An Khê... mỗi nơi bà con nông dân cũng đã trồng từ 15 đến 20 ha loại cây này. Còn nghe có một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mang Yang dự kiến sẽ phát triển cây chanh dây lên đến... 500 ha trong tương lai. Theo chúng tôi biết, loại cây này, cho đến nay chưa nằm trong quy hoạch phát triển của tỉnh Gia Lai. Thị trường tiêu thụ của trái chanh dây lại hầu hết nằm ở... Trung Quốc, đây là một thị trường rất đáng lo ngại. Lo ngại bởi vì từ trước đến nay đã có quá nhiều loại sản phẩm nông-lâm-hải sản của Việt Nam bị thị trường này làm cho điêu đứng. Chạy theo thị trường này, chẳng khác nào người nông dân... nắm đằng lưỡi, thương lái Trung Quốc nắm đằng chuôi. Biết vậy nhưng nhiều người vẫn đang thích nắm... đằng lưỡi?
Vấn đề đáng suy nghĩ là, về phía chính quyền địa phương cần có trách nhiệm trong công tác quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện quy hoạch, tuyên truyền, vận động, cảnh báo người dân trong việc “quyết định” trồng cây gì cho có hiệu quả kinh tế, thị trường tiêu thụ ổn định, cả trước mắt và lâu dài. Các hội-đoàn thể, các nhà khoa học, doanh nghiệp... trong vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình cũng rất cần tuyên truyền, định hướng để nông dân nhận thức đúng trong việc đầu tư phát triển sản xuất, hạn chế rủi ro, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến trong nước và xuất khẩu. Không thể có chuyện “để cho nông dân tự định đoạt trên mảnh ruộng của mình” một cách tự phát, chạy theo thị trường, nhất là thị trường do thương lái Trung Quốc chi phối, để rồi luôn tái diễn điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, đặc biệt là tình trạng phá vỡ quy hoạch, dẫn đến... phá sản. Ai dám chắc rồi đây với tình trạng phát triển không theo quy hoạch, kế hoạch cây chanh dây sẽ không bị thương lái Trung Quốc thao túng, ép giá, gây thiệt hại cho nông dân như họ đã từng làm lâu nay với nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác của chúng ta.
Về phía mình, người nông dân cũng cần nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, phải biết “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Trước khi quyết định đầu tư sản xuất những loại sản phẩm gì cần có sự tư vấn của các nhà quản lý, nhà khoa học, đặc biệt là các doanh nghiệp cùng ngành sản xuất trên địa bàn, tránh và giảm đến tối thiểu rủi ro. Ngành sản xuất nông nghiệp là ngành khó tránh khỏi rủi ro, nhất là trong cơ chế thị trường, lại chịu nhiều chi phối bởi thời tiết, khí hậu thất thường, cho nên người nông dân ngày nay cũng cần tiếp cận và hiểu biết về thị trường, về lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Đoàn kết, tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm, tạo sức mạnh từ cộng đồng hợp tác và hợp tác xã là điều cần thiết, hợp quy luật phát triển, cần sớm chấm dứt tình trạng nông dân “không thích nắm đằng chuôi” mà muốn “nắm đằng lưỡi” càng sớm càng có lợi cho nông dân, cho nền sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt Gia Lai nói riêng!
Bích Hà