(GLO)- Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh Công an huyện Mang Yang đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng kiên trì vận động, cảm hóa, đưa hàng ngàn người dân từng đi theo “tà đạo Hà Mòn” ở các xã Hà Ra, Lơ Pang thoát khỏi con đường lầm lạc.
Nhờ được cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh Công an huyện Mang Yang tuyên truyền, vận động, cảm hóa, nhiều người dân làng Kret Krot đã từ bỏ "tà đạo Hà Mòn". Ảnh: Vĩnh Phúc |
Theo Trung tá Vũ Văn Huệ -Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Mang Yang, “tà đạo Hà Mòn” bắt đầu có dấu hiệu nhen nhóm hoạt động trên địa bàn huyện Mang Yang từ cuối năm 2007. Từ một nhóm đối tượng ở làng Kret Krot (xã Hà Ra), chỉ trong một thời gian ngắn, hoạt động “tà đạo Hà Mòn” bắt đầu lan sang các làng Kdung 1, Bchăk (xã Hà Ra) và làng Alao, Drăh (xã Lơ Pang), lôi kéo hàng ngàn người dân tộc thiểu số tham gia.
Đáng chú ý, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện, các đối tượng theo “tà đạo Hà Mòn” có sự móc nối với bọn phản động FULRO lưu vong. Bộ mặt phản động của các đối tượng cầm đầu, cốt cán “tà đạo Hà Mòn” ngày càng bộc lộ khi chúng không ngừng tuyên truyền, kích động người dân chống phá chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đỉnh điểm là vào cuối năm 2011, thông qua sự chỉ đạo của bọn phản động FULRO lưu vong, số đối tượng cầm đầu “tà đạo Hà Mòn” đã tuyên truyền những người đi theo không làm thẻ bảo hiểm y tế, không nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, không tiếp xúc với cán bộ chính quyền…
Kể từ khi “tà đạo Hà Mòn” xâm nhập, theo Trung tá Vũ Văn Huệ, chẳng những không được sung sướng như những gì các đối tượng cầm đầu, cốt cán rêu rao, đời sống của nhân dân các làng Kret Krot, Kdung 1, Bchăk, Alao và Drăh vốn đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn. Hầu hết người dân đều bỏ bê việc nương rẫy, suốt ngày chỉ lo tụ họp, tụng kinh. Không những vậy, nhiều người còn bị ép buộc phải cung cấp tiền, lương thực, thực phẩm cho số đối tượng cầm đầu, cốt cán lẩn trốn hoạt động trong rừng.
Cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh Công an huyện Mang Yang. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Trước tình hình trên, cùng với các lực lượng của Bộ Công an, Công an tỉnh và huyện, Công an huyện Mang Yang đã triển khai các tổ công tác xuống địa bàn, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, quyết tâm đấu tranh, truy quét, bóc gỡ số đối tượng cầm đầu, cốt cán “tà đạo Hà Mòn”. Đây là một nhiệm vụ hết sức gian khổ. Bởi lẽ, hầu hết các đối tượng cầm đầu, cốt cán “tà đạo Hà Mòn” đều hoạt động rất tinh ranh và thường xuyên lẩn trốn vào rừng. Trung tá Vũ Văn Huệ kể, địa bàn các đối tượng lẩn trốn nếu tính theo đường chim bay thì rất gần nhưng để đi được đến nơi, có khi anh em Công an phải mất cả nửa ngày băng rừng, vượt suối. Đã vậy, để đảm bảo bí mật, anh em đều phải đi vào ban đêm và không được sử dụng đèn pin. “Mùa mưa thì lạnh thấu xương rồi trượt lên ngã xuống trầy trật chân tay, mùa khô thì bị vắt cắn, muỗi đốt nhưng cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh, kể cả số anh em trẻ mới về đơn vị đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”-Trung tá Huệ tâm sự. Nhờ tinh thần nỗ lực, khắc phục khó khăn gian khổ đó, trong năm 2012 và 2013, Đội An ninh Công an huyện Mang Yang đã phối hợp cùng các lực lượng của Công an tỉnh và Bộ Công an liên tiếp bắt giữ nhiều đối tượng cầm đầu, cốt cán “tà đạo Hà Mòn” trên địa bàn như: Runh, Rơnh, Byưk, Đinh Lứ, Đinh Hrôn… để đưa ra xét xử trước pháp luật.
Theo Trung tá Vũ Văn Huệ, chẳng những không được sung sướng như những gì các đối tượng cầm đầu, cốt cán rêu rao, đời sống của nhân dân các làng Kret Krot, Kdung 1, Bchăk, Alao và Drăh vốn đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn. Hầu hết người dân đều bỏ bê việc nương rẫy, suốt ngày chỉ lo tụ họp, tụng kinh. Không những vậy, nhiều người còn bị ép buộc phải cung cấp tiền, lương thực, thực phẩm cho số đối tượng cầm đầu, cốt cán lẩn trốn hoạt động trong rừng. |
Đồng thời với việc phối hợp truy quét, bắt giữ các đối tượng cầm đầu, cốt cán “tà đạo Hà Mòn”, từ năm 2009 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh Công an huyện Mang Yang còn thường xuyên cùng các lực lượng chức năng bám dân, bám làng tuyên truyền, vận động, cảm hóa những người lầm lỡ, đi theo “tà đạo Hà Mòn”. So với những chuyến truy quét trong rừng, nhiệm vụ này của cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh cũng không kém phần khó khăn, vất vả. Bởi lẽ, để thay đổi được “niềm tin” của những người từng đi theo “tà đạo Hà Mòn” không phải là chuyện một sớm một chiều mà đòi hỏi cả một quá trình vừa kết hợp tuyên truyền vận động chung, vừa tuyên truyền, vận động cá biệt với sự kiên trì, tận tâm, khéo léo, thậm chí phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm của người cán bộ an ninh. Điều này được minh chứng rất rõ qua câu chuyện của Thiếu úy Lê Huy Cương-cán bộ Đội An ninh Công an huyện Mang Yang. Thiếu úy Cương tâm sự, giữa năm 2014, anh được đơn vị giao nhiệm vụ vận động gia đình anh Kuy (làng Kdung 1, xã Hà Ra). Đây là một gia đình mà tất cả đều đi theo “tà đạo Hà Mòn”. Trong đó, đứa con trai lớn là Xui đang lẩn trốn trong rừng. Khi Thiếu úy Cương đến nhà làm công tác vận động, ban đầu, vợ chồng anh Kuy thể hiện rõ sự lảng tránh, không muốn tiếp xúc. Không nản lòng, ngày ngày Thiếu úy Cương vẫn đến nhà anh Kuy trò chuyện, hỏi han. “Muốn cảm hóa được họ thì ngoài sự kiên trì, nhẫn nại, mình còn phải thật lòng, phải coi mình như một người trong gia đình họ”-Thiếu úy Cương nói. Và để chứng minh điều đó với vợ chồng anh Kuy, những ngày sau đó, khi thấy gia đình đi làm nương, gặt lúa, Thiếu úy Cương đều xin đi làm cùng. Ngoài ra, khi con cái anh Kuy ốm đau, Thiếu úy Cương còn chủ động mua thuốc về cho các cháu uống. Mưa dầm thấm lâu, sau 3 tháng kiên trì vận động, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với gia đình anh Kuy, cái tình của Thiếu úy Cương cuối cùng cũng cảm hóa được vợ chồng anh Kuy, giúp họ nhận ra sự lầm đường lạc lối của mình khi đi theo “tà đạo Hà Mòn”. Ngoài việc quyết tâm từ bỏ “tà đạo Hà Mòn”, anh Kuy còn hăng hái đi vào rừng để vận động con mình trở về trình diện trước dân làng và tổ công tác của Công an huyện Mang Yang.
Nói về công tác vận động, cảm hóa người dân từ bỏ “tà đạo Hà Mòn” của cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh Công an huyện Mang Yang, không thể không nhắc đến trường hợp của Thượng úy Bùi Quang Thành (nay đã chuyển về công tác tại Phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai). Theo lời kể của Trung tá Vũ Văn Huệ, cuối năm 2012, Thượng úy Thành được đơn vị giao nhiệm vụ cảm hóa, giáo dục ông Ger ở làng Bchăk (xã Hà Ra). Đây là người từng làm giáo phu Công giáo và rất có uy tín với dân làng nhưng sau đó đi theo “tà đạo Hà Mòn”, lẩn trốn vào rừng hoạt động rồi bị lực lượng Công an bắt trong một đợt truy quét. Sau đúng 1 tháng trời cùng ăn, cùng ở, cùng làm với gia đình ông Ger, sự chân thành cùng với những phân tích thuyết phục của Thượng úy Thành đã khiến ông Ger đi đến quyết tâm từ bỏ “tà đạo Hà Mòn”. Không những vậy, ông Ger còn quyết định làm một cái lễ mời dân làng đến để chứng kiến việc ông từ bỏ “tà đạo Hà Mòn” và nhận Thượng úy Thành làm con nuôi.
Nhờ lòng yêu nghề, cộng với sự kiên trì, bền bỉ trong công tác, những năm qua, cùng với các lực lượng khác của Bộ Công an, Công an tỉnh, huyện Mang Yang và Công an huyện, cán bộ, chiến sĩ Đội An ninh đã vận động, cảm hóa được hàng ngàn người dân ở các xã Hà Ra và Lơ Pang từ bỏ “tà đạo Hà Mòn” trở về sinh hoạt Công giáo và Tin lành, chuyên tâm lao động, sản xuất. “Ngày xưa, khi nhìn thấy anh em xuống làng, nhiều người dân còn tìm cách lảng tránh. Nhưng bây giờ, nhiều người trong số họ khi gặp anh em đã bày tỏ sự cảm ơn vì giúp họ nhận ra sai lầm. Họ còn nhiệt tình mời anh em vào nhà chơi hay tặng cho anh em lon gạo nếp, mớ rau, quả bí mỗi khi xuống làng”-Trung tá Vũ Văn Huệ cho biết.
Cũng theo Trung tá Vũ Văn Huệ, dù hầu hết người dân theo “tà đạo Hà Mòn” trên địa bàn huyện Mang Yang đã tuyên bố từ bỏ nhưng hiện nay, một số đối tượng vẫn ngoan cố hoạt động. Bởi vậy, Đội An ninh vẫn luôn xác định, công tác đấu tranh xóa bỏ “tà đạo Hà Mòn” là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và lâu dài, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong công tác, góp phần vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn huyện.
Vĩnh Phúc