Những "ngôi sao biên cương"-Kỳ 2: Qua rồi nước mắt Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyến đò định mệnh trên sông Pô Cô năm nào để lại những nỗi đau đong đầy nước mắt. Không chỉ dòng họ cháu Hly, hàng trăm người ở các thôn, xã của H. Ia Grai, tỉnh Gia Lai một thời từng bị lôi kéo đi tìm “miền đất hứa” bên kia sông phải trải qua trăm ngàn đắng cay tại các trại tị nạn. Những ai may mắn quay trở lại quê nhà đều nhận thức rõ một điều: “Miền đất hứa” chỉ có ở nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Ở đó, cùng với sự siêng năng cần cù của mình, họ được những người lính quân hàm xanh của các đồn biên phòng bảo bọc, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, chung tay xây dựng cuộc sống mới.
Bộ đội biên phòng luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động.
Bộ đội biên phòng luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động.
Đã 13 năm trôi qua, đến giờ ông Siu Blo, tuổi ngoại lục tuần (trú làng Bi, xã Ia O, H. Ia Grai) vẫn không thể quên những tháng ngày sống không bằng chết bên “miền đất hứa” Campuchia. Đồng ý kể lại chuyện, nhưng ông Blo bảo đừng chụp hình đăng báo, bởi ông xấu hổ quá rồi! Bị người xấu xúi giục, lôi kéo, giữa năm 2005, ông bỏ rẫy nương rẫy cùng bầy gia súc, sang Campuchia để có cơ hội qua nước thứ 3 là Mỹ nuôi giấc mộng được sống sung sướng, có xe hơi, nhà lầu. Nửa mơ, nửa tỉnh, có lúc ông không tin, nhưng lời đường mật có bài bản rót vào tai từ vở kịch dựng sẵn mà kẻ xấu “vẽ” ra, chừng nửa tháng, ông đã bị thu phục hoàn toàn. Sau khi bàn với vợ con, gần 10 người trong gia đình ông đã bán hết đồ đạc, gom tiền của dành dụm được từ những mùa rẫy, đàn heo, đàn bò nửa đêm lặng lẽ chèo thuyền qua sông Pô Cô. Rồi gia đình ông được đưa đến trại tị nạn tại Phnôm Pênh. Tương lai tươi sáng đâu chẳng thấy, trước mặt gia đình ông là bạt ngàn những túp lều tôn tạm bợ, người người chen nhau trú tránh những đợt nắng như thiêu đốt. Ngày qua ngày, họ đối mặt với cảnh đói khát. Sau khi ăn tiêu hết tài sản mang theo, gia đình ông cũng đối mặt với nỗi cơ cực: Ngủ không chăn màn, bữa ăn thiếu đói! Thấy quá cơ cực, nhiều người trong gia đình ông phải tìm cách trốn khỏi trại về lại làng Bi. Bắt đầu lại cuộc sống ở quê chưa đầy nửa tháng, mọi người lại bị một người ở xã hàng xóm Ia Der tìm tới rủ rê qua lại Campuchia để đi “miền đất hứa”. Nhất quyết không tin lần thứ 2, nhưng người này cùng vài đối tượng khác rỉ tai dọa rằng, CA đang chuẩn bị bắt gia đình ông vì lần trước vượt biên trái phép, nên mọi người phải đi theo nhóm người này. Tiếp tục khóc hết nước mắt bởi cảnh đói khát, khổ ải, ông cùng gia đình bàn nhau lần thứ 2 trốn về, đến đồn biên phòng trình diện, mong tha thứ để yên tâm bám rẫy làm ăn.
Cũng như ông Blo, BLá (67 tuổi, trú xã Ia O) chẳng mặn mà gì khi chúng tôi gợi hỏi chuyện qua Campuchia của bà, nếu không có lời trợ giúp của tổ công tác BĐBP. Theo lời bà, 12 năm trước, có người đến nói với bà là, nếu gia đình cùng với họ kết thuyền vượt sông, cuộc sống của mọi người sẽ đổi đời ngay. Tiền bạc, ăn uống gấp trăm ngàn lần ở quê. “Sướng đâu không thấy, suốt 3 năm ăn dầm nằm dề ở trại tị nạn, bị đánh đập khóc hết nước mắt, tôi và con mới biết mình bị lừa. Nhiều lần khuyên nhủ 3 đứa con trở về, nhưng chúng nó quyết ở lại đợi ngày sống sung sướng nên tôi trốn về” - bà BLá kể. Động viên bà, CBCS BĐBP thường xuyên lui tới hỏi han, mong bà cùng các cháu chăm lo trồng sắn, tỉa bắp, đừng bao giờ nghe theo kẻ xấu.
Rơ Lan Huyn (sau) kể về thời gian vượt biên, sống cơ cực bên trại tị nạn.
Rơ Lan Huyn (sau) kể về thời gian vượt biên, sống cơ cực bên trại tị nạn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các xã của huyện biên giới Ia Grai có gần 150 đối tượng sống ở 4 ngôi làng từng nghe lời kẻ xấu vượt biên đi tìm “miền đất hứa”. Có thời điểm như năm 2010-2011, lực lượng biên phòng 717, 719 đã phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ với khoảng 50 đối tượng tổ chức vượt biên theo nhóm. Cũng có số ít vượt biên và trốn qua được nước thứ 3, nhưng cuộc sống của họ chẳng ai hiểu rõ hiện ra sao, số còn lại đã được Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) trả về Việt Nam. Hầu hết với họ, thời gian sống ở trại tị nạn đều đói khổ, có người bệnh tật, qua đời cũng không ít. Không nói gì đến người lớn tuổi, sức dài vai rộng có thể ôm cả con bò như Rơ Lan Huyn (1988, làng Bi, xã Ia O) cũng không chịu nổi cảnh sống ở trại tị nạn Ban Lung, Campuchia sau khi bỏ ruộng rẫy, người vợ mới cưới quê nhà ra đi. “Khổ lắm chú ơi! Lúc đến đó, cháu thấy có 400-500 người nằm vật vạ để nuôi hy vọng sẽ qua được Mỹ. Ăn thì cơm không no, vài người chia nhau con mắm bằng ngón tay. Khỏe như cháu nhưng cũng chỉ 1 tháng phải tìm cách trốn về” - Huyn thổ lộ.
Đại úy Lê Minh Hải-Chính trị viên phó Đồn 717 cho hay, hầu hết các đối tượng từng tham gia vượt biên, mong có cơ hội “đi Mỹ” đều là đồng bào dân tộc thiểu số, ít có kiến thức xã hội. Trước khi quyết định đi, họ đều có cuộc sống ổn định, nhưng do không vượt qua được sự cám dỗ đường mật của kẻ xấu. May mắn, rời những “miền đất hứa” tìm cơ hội “đổi đời” trở về, nhờ được chính quyền địa phương, đặc biệt là hỗ trợ của CBCS đồn, giờ đây tất cả mọi người đều hiểu ra rằng: Chỉ có cuộc sống nơi họ sinh ra là vùng đất no đủ nhất. Nhiều năm qua, cùng với việc tổ chức hàng chục ngàn ngày công lao động, CBCS đồn còn cấp phát con giống, cây trồng, dạy cách chăn nuôi, trồng trọt để số người “hồi hương” về quê phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình trồng cao su tiểu điền, cây cà-phê, điều, lúa rẫy… đã phát huy hiệu quả, có hộ trong tay đang sở hữu 3-4ha, thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Cuộc sống con cháu trong mỗi gia đình cũng khá lên. Như ông Siu Blo khi về nước, sau hơn 6 năm chú tâm làm ăn, 5/7 người con của ông đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định với mức thu nhập trên dưới 50 triệu đồng mỗi năm. Bản thân ông Blo cũng đã xây được ngôi nhà khang trang, có xe máy đời mới cùng nhiều diện tích đất trồng điều, hồ tiêu. “Nhiều lần gặp CBCS biên phòng, ông cứ nói mãi câu, miền đất hứa chẳng có ở đâu, mà ngay tại quê mình. Cứ chăm chỉ lao động là hết đói nghèo thôi. Giá như ngày đó đừng nghe lời xúi bậy, chắc chừ đã khá hơn nhiều rồi” - Đại úy Hải kể.
Những người vượt biên đi tìm “miền đất hứa” trở về, nay đã siêng năng lao động, làm giàu.
Những người vượt biên đi tìm “miền đất hứa” trở về, nay đã siêng năng lao động, làm giàu.
Hay Rơ Lan Huyn, “thấm đòn” sau ngày trở về từ trại tị nạn, giờ Huyn sở hữu 4ha cao su, điều đã đến kỳ thu hoạch khiến bao trai trẻ ao ước. Nhiều người khác nữa như Siu Nok, Siu Hle, Siu Kró, Siu Nuông… của làng Kuk, làng Bi khi trở về, được BĐBP, cán bộ xã vận động tuyên truyền, dạy cho cách làm kinh tế, phát triển đồi rừng, mọi người vượt qua mặc cảm, tu chí cùng vợ ngày đêm lên rẫy cà-phê, chăm rừng cao su đang mùa thu hoạch. Không chỉ có nhà đẹp, xe máy, tivi xịn, có người còn khoe rằng, nếu siêng năng hơn nữa, mùa màng trúng còn có khả năng mua cả xe hơi. “Mỗi lần nghĩ đến cái ngày vượt biên giữa năm 2004, bị lực lượng chức năng Campuchia phát hiện, tôi phải chạy bạt mạng vào rừng sâu, chịu đói khát, bị vắt rừng hành hạ, chỉ muốn khóc. Có lúc phải leo lên nhánh cây to buộc dây vào tay, chân để ngủ. Sau này tìm đến trại tị nạn sống không chịu nổi đành trở về quê nhà. Mấy năm qua lo làm ăn cất được cái nhà đẹp, nuôi con cái ăn học. Cứ chịu khó vài năm nữa, không chừng sắm cả xe ô-tô cũng được” - Siu Nok tự tin.
Công Hạnh-Doãn Hùng (cadn)

Có thể bạn quan tâm