(GLO)- 27 tác phẩm được vinh danh ở Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ III (2013-2014) là những tác phẩm tiêu biểu đã đề cập tới những vấn đề thời sự nóng hổi, thu hút sự quan tâm, chú ý của công chúng báo chí. Mỗi tác phẩm dự thi là một mảnh ghép chân thực, sinh động về các vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Một lần nữa, Giải đã chứng minh được sức hút từ sân chơi nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo trong tỉnh.
“Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ III thu hút sự tham gia của đông đảo tác giả, nhóm tác giả đang sinh hoạt tại các chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Gia Lai với 70 tác phẩm thuộc 3 loại hình: báo in, báo hình và báo nói. Qua sơ khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn được 27 tác phẩm vào vòng chung khảo, chấm điểm và trao giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất. Đây là những tác phẩm được đầu tư khá công phu cả về thời gian lẫn tâm sức của các nhà báo, phản ánh rõ nét và đầy đủ nhất về những vấn đề thời sự đang diễn ra trên địa bàn Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt, giải năm nay ghi dấu của những tay bút trẻ” -nhà báo Lê Hoàng Trung-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Gia Lai, đánh giá.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Phản ánh những vấn đề thời sự
Mảng đề tài liên quan tới các vấn đề chính trị nhạy cảm đòi hỏi người viết bên cạnh sự sắc sảo, khéo léo trong xử lý từng chi tiết, tình huống còn phải có một “phông” kiến thức đủ “dày”, đủ tầm để có thể đưa ra những đánh giá, nhận định “đúng, trúng, hay”. Ở Giải Báo chí lần này, có thể kể đến một số tác phẩm được đánh giá cao, như: Những ngôi làng sau cơn sóng cả (Ngọc Tấn-Báo Nông thôn Ngày nay-giải A thể loại báo in); Khắc khoải làng mới (Song Nguyễn-Khắc Quang, chi hội Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, giải A thể loại báo nói)…
Nếu trong “Khắc khoải làng mới” là câu chuyện về cuộc sống của bà con dân tộc ở các làng tái định cư với bộn bề những khó khăn, bất cập, thì ở “Những ngôi làng sau cơn sóng cả”, tác giả Ngọc Tấn lại đề cập tới cuộc sống của người dân ở những ngôi làng từng một thời là điểm nóng về an ninh, chính trị như: làng Răk (xã Ia Xier-huyện Sa Thầy-Kon Tum), buôn Broăi (xã Ia Broăi-huyện Ia Pa). Sau cơn sóng dữ, những ngôi làng đã tìm lại sự bình yên của chính mình. Người dân đang hăng say bắt tay xây dựng cuộc sống mới…
Ở thể loại báo hình, tác phẩm “Xua tan gió độc” (nhóm tác giả Phòng Công tác Chính trị-Công an tỉnh-giải B) lại phản ánh cuộc đấu trí, đấu lực của lực lượng an ninh trong cuộc chiến với các thế lực phản động, giữ bình yên cho nhân dân. Chia sẻ lại quá trình thực hiện tác phẩm, Thiếu tá Đặng Quốc Thành, cho hay: “Để có 12 phút phim lên sóng, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian, xem lại hàng chục cuốn băng tư liệu, lựa chọn từng thước phim, khuôn hình đắt giá… nhằm đem đến cho người xem những cảm nhận chân thực nhất về cuộc xâm nhập, vây bắt các đối tượng cộm cán trong đường dây của tà đạo Hà Mòn. Qua đó, người xem sẽ thấu hiểu và ý thức hơn về giá trị của cuộc sống bình yên và sự hy sinh vất vả, thầm lặng của những chiến sĩ an ninh”.
Nối tiếp thành công từ “mùa” giải trước, nhóm phóng viên Minh Dưỡng-Lê Hòa-Hồng Thi-Nguyễn Giác (chi hội Báo Gia Lai) lại tiếp tục ghi dấu ấn ở một mảng đề tài khá nhạy cảm và gai góc: Nạn chặt phá rừng hiện nay. Loạt bài “Nước mắt rừng xanh” giành giải B ở thể loại báo viết, đã góp thêm một tiếng nói kêu gọi mọi người cùng chung tay, cộng đồng trách nhiệm cứu lấy những cánh rừng-lá phổi xanh của trái đất.
Nhà báo Minh Dưỡng, chia sẻ: “Để thực hiện thành công loạt bài này, nhóm đã phải tổ chức nhiều chuyến đi thực tế tại khắp các địa bàn “nóng” về tình trạng chặt phá rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản. Từ các cánh rừng vùng biên giới huyện Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai… đến các huyện cánh Đông: Kbang, Kông Chro, Krông Pa… Để có được những thông tin và hình ảnh đắt giá, phóng viên đã phải xâm nhập, theo dõi nhiều ngày trên những cung đường “nóng”, tận mắt chứng kiến những cánh rừng đang dần bị “khai tử” và lắng nghe tiếng nói ngay cả từ phía cơ quan chức năng chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng để có được luồng thông tin hai chiều… Chính sự dấn thân, không ngại khó, ngại khổ và đi vào thực tế đã cho chúng tôi những cảm nhận, suy nghĩ chân thực, sinh động hơn khi đi vào bài viết và nối liền tới bạn đọc”.
Ngoài “Nước mắt rừng xanh”, giải năm nay cũng có khá nhiều tác phẩm khác cùng khai thác mảng đề tài này: “Rừng thông Mang Yang bị tàn phá-Trách nhiệm thuộc về ai?”, “Phát hiện một vụ gỗ lậu lớn ở Ia Grai (Ngọc Ánh-chi hội Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh); “Gia Lai với công tác bảo tồn rừng gỗ hương nguyên sinh” (Kim Dung-Đoàn Bình-Thanh Sáng-chi hội Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh)… Điều đó đủ cho thấy, đây vẫn luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí trong năm vừa qua.
Ghi dấu tay viết trẻ
Theo nhà báo Lê Hoàng Trung, cùng với sự tham gia nhiệt tình với những tác phẩm dài hơi, được đầu tư khá bài bản và kỹ lưỡng của các nhà báo thành danh, giàu kinh nghiệm như Ngọc Tấn, Thanh Phong, Văn Công Hùng, Khắc Quang, Quốc Anh, Kim Dung…; Giải Báo chí năm nay còn nhận được rất nhiều tác phẩm chất lượng của đội ngũ phóng viên trẻ. Điều này đã góp phần tạo nên những nét mới riêng có của giải với sự phong phú về nội dung, đa dạng về cách thể hiện; là một sân chơi bổ ích để các phóng viên thử sức và từng bước khẳng định mình.
Hình ảnh trong loạt bài "Nước mắt rừng xanh" |
Có thể kể đến một vài tác phẩm nổi trội như: Âm nhạc Jrai, Bahnar-kho tàng văn hóa cần được lưu giữ (nhóm tác giả H’Đuy, H’Liên, Xuân Nguyên, Tơ Ni-chi hội Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh); Báu vật của làng (Song Nguyễn-chi hội Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh); Xung quanh vụ làm nhục nữ sinh lớp 7 tại Siêu thị Vỹ Yên, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê (nhóm tác giả Minh Thanh, Hòa Giang-chi hội Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh); Nước mắt rừng xanh (nhóm tác giả Minh Dưỡng, Lê Hòa, Hồng Thi, Nguyễn Giác-chi hội Báo Gia Lai); Tranh chấp đất ở xã Hoà Phú, huyện Chư Pah: Chuyện thật như đùa (Minh Triều-chi hội Báo Gia Lai); Quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo trước nguy cơ thành phế tích (Lê Anh-chi hội Báo Gia Lai)…
Đặc biệt, nhà báo trẻ Song Nguyễn-chi hội Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, người gửi tham gia dự thi 4 tác phẩm thì cả 4 tác phẩm đều đoạt giải ở cả 2 loại hình báo nói và báo hình, trong đó có 1 giải A, 1 giải khuyến khích (báo nói), 1 giải B và 1 giải khuyến khích (báo hình). Chia sẻ với chúng tôi, nhà báo Song Nguyễn nói trong niềm vui: Tôi thực sự rất vui khi biết mình là một trong những phóng viên đoạt giải cao tại Giải Báo chí lần này, vui hơn khi các tác phẩm tôi tham dự đều nhận được sự đánh giá cao của Ban tổ chức. Đây là nguồn cổ vũ, động viên lớn, giúp tôi có thêm nhiều động lực trong quá trình tác nghiệp sau này”. Còn đối với phóng viên Trần Dung-chi hội Báo Gia Lai, niềm vui càng nhân lên gấp bội khi đây là lần đầu tiên chị được nhận giải thưởng của Hội Nhà báo tỉnh: “Tác phẩm tham dự Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần III của tôi và nhà báo Phương Duyên là loạt bài “Trường mầm non ngoài công lập và những lỗ hổng”. Khi biết tác phẩm đoạt giải B, tôi thực sự vui mừng, phấn khởi. Việc được nhận giải lần này là một niềm vui lớn, giúp tôi có thêm nhiều năng lượng để tiếp tục đeo đuổi nghiệp báo”.
Thu Huế-Lê Hòa-Minh Triều