Thu hút đầu tư là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ kết quả thu hút đầu tư không ngừng tăng trưởng qua các năm mà nền kinh tế nước ta đã có những bước phát triển ngoạn mục. Tốc độ tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng cao trong nhiều năm liền, bình quân 5 năm (2006-2010) đạt 6,9%/năm.
Thu ngân sách nhà nước ngày càng tăng cao (năm 2006 cả nước đạt 279.472 tỷ đồng thì năm 2009 dự kiến đạt 460.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho người lao động, đời sống của đại bộ phận nhân dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2006 là 723 USD/năm đến năm 2009 dự kiến đạt 12.000 USD/năm, tăng gấp 1,7 lần.
Tuy nhiên, bên cạnh những dự án đầu tư mang lại hiệu quả, còn nhiều dự án đầu tư hiệu quả thấp, thậm chí còn để lại những tác động xấu đến tình hình kinh tế- xã hội của địa phương có dự án, đáng quan tâm là các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản.
Khai thác tài nguyên khoáng sản là lĩnh vực hấp dẫn do sớm mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư vì dễ làm với thiết bị phổ thông, không cần lao động trình độ cao, sản phẩm tiêu thụ được ngay không cần tìm kiếm thị trường hay xây dựng thương hiệu. Nhưng đáng buồn là tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu của nhà nước nhưng lợi nhuận lại rơi phần lớn vào túi nhà đầu tư, Nhà nước không thu được gì, thậm chí xã hội còn phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ như ô nhiễm môi trường, hư hại đường giao thông và nhiều vấn đề xã hội khác. Những sai lầm đó lại do những thiếu sót của công tác thẩm định, đánh giá dự án đầu tư khi cấp phép.
Để có kết quả “con số” thu hút đầu tư, nhiều địa phương đã quá kỳ vọng vào sự tác động cho phát triển mà ít quan tâm đến nội dung, chất lượng dự án, tạo sự chểnh mảng, qua loa trong việc thẩm định chất lượng đầu tư, độ tin cậy của dự án.
Luật hiện hành quy định: Dự án đầu tư do nhà đầu tư lập, các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và cấp phép. Nhưng mẫu của dự án đầu tư thì chỉ nêu lên sự cấp thiết, tính toán hiệu quả đầu tư đối với nhà đầu tư. Phần của Nhà nước được thể hiện trong dự án đầu tư có chăng chỉ là phần nghĩa vụ nộp thuế của dự án trong khi đó thuế suất tài nguyên hiện nay là quá thấp (Quốc hội đang thảo luận để sửa đổi). Phần quan trọng nhất là đánh giá tác động của dự án đối với tổng thể nền kinh tế- xã hội thì chúng ta chưa làm trước khi cấp phép đầu tư vì chưa có quy định.
Đánh giá tác động về kinh tế- xã hội là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, còn đánh giá hiệu quả lời lãi của dự án là việc của nhà đầu tư. Lâu nay chúng ta hay làm theo thói quen cũ nên dẫn đến những hậu quả xấu cho nền kinh tế- xã hội, đó là ô nhiễm môi trường, là hạ tầng hư hỏng nặng do vận chuyển sản phẩm tài nguyên khoáng sản quá tải. Mức nộp ngân sách nhà nước không đủ bù đắp cho những thiệt hại mà dự án gây ra.
Đối với Gia Lai, tài nguyên khoáng sản không nhiều nhưng hiện trạng quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản thời gian qua còn nhiều bất cập. Thời gian qua, tỉnh đã cấp 85 giấy phép khai thác khoáng sản các loại với quy mô nhỏ, tập trung vào một số loại khoáng sản như: Cát, đá, sỏi xây dựng, đá granit, bazan, đá vôi, đất sét, laterit, puzơlan, than bùn, mỏ sắt,.. và trong tương lai tỉnh còn nhiều dự án khai thác tài nguyên khoáng sản sẽ được triển khai. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác đánh giá tác động của dự án đầu tư trước khi cấp phép triển khai dự án, lấp dần “lỗ hổng” trong quy trình thẩm định cấp phép đầu tư nhằm tránh thiệt hại cho nền kinh tế tỉnh nhà.
Bùi Khắc Quang
UV Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai