(GLO)- Dù bệnh uốn ván sơ sinh được công bố đã loại trừ vào năm 2005, bạch hầu được loại trừ vào năm 2010, nhưng thực tế đến nay, số trẻ mắc những bệnh trên vẫn còn và đã có nhiều trường hợp tử vong ở Gia Lai.
Gần như năm nào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng tiếp nhận, điều trị trẻ uốn ván sơ sinh và xảy ra trường hợp đáng tiếc trẻ bị chết vì uốn ván. Tỷ lệ tử vong uốn ván sơ sinh khoảng 10%-20%; những trường hợp còn lại dù được chữa khỏi cũng dễ rơi vào biến chứng nặng như liệt nửa người hoặc ảnh hưởng đến thần kinh, trí não. Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hiện đang điều trị cho 2 bệnh nhi 10 ngày tuổi và 22 ngày tuổi bị uốn ván do người nhà dùng dao lam và cật nứa không đảm bảo vô trùng cắt rốn. Trong đó, có 1 bé bị nặng đã nằm điều trị và phải thở máy đến 17 ngày nay.
Trẻ bị uốn ván sơ sinh đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Đ.P |
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đầu năm đến nay đã có 1 trẻ tử vong vì uốn ván sơ sinh. Gần như tất cả các trường hợp bị uốn ván sơ sinh từ trước đến nay đều là người dân tộc thiểu số. Nguyên nhân do khi mẹ mang thai không được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh uốn ván hoặc có được tiêm nhưng trong quá trình sinh đẻ đã không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, vô trùng. Môi trường sống ở nhà sàn, bên dưới là nhốt heo, bò gây ô nhiễm, các dụng cụ để cắt rốn như dao lam, cật nứa không đảm bảo vệ sinh, vô trùng nên gây nhiễm trùng rốn cho em bé, dễ dẫn đến việc trẻ sinh ra bị uốn ván, nguy hiểm đến tính mạng.
Cùng với đó, trong 3 tuần đầu tháng 9-2015 xảy ra 2 trường hợp bệnh bạch hầu, nâng tổng số bệnh bạch hầu từ đầu năm đến nay lên 3 trường hợp, trong đó có 1 bệnh nhân tử vong. Ngành Y tế ghi nhận, trường hợp tử vong là bé gái sinh năm 2002 người dân tộc Bahnar ở xã Krong (huyện Kbang) bị thiệt mạng sau 5 ngày khởi phát bệnh. Bệnh nhi vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện trong tình trạng sốt, đau họng, nuốt đau, cổ sưng hai bên bạnh ra từ góc hàm. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, trong họng của bệnh nhi xuất hiện nhiều giả mạc và các dấu hiệu của bệnh bạch hầu, lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm. Dù sau đó bé được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị với chẩn đoán bệnh bạch hầu thanh quản biến chứng viêm cơ tim và điều trị tích cực nhưng bé đã không qua khỏi.
Bác sĩ Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, trong 3 năm lại đây đều ghi nhận các trường hợp bệnh bạch hầu và có nhiều trường hợp tử vong. Huyện Kbang là địa bàn trọng điểm lưu hành bệnh bạch hầu. Năm 2013, qua khám sàng lọc tại huyện Kbang trong số 70 bệnh nhân có các triệu chứng sốt, đau cổ, ăn uống khó, a mi đan viêm sưng to thì có 39 trường hợp nghi ngờ bệnh bạch hầu và lấy mẫu xét nghiệm 34 bệnh nhân, kết quả có 7 mẫu dương tính với vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae trong dịch ngoáy hầu họng là tác nhân gây bệnh bạch hầu.
Đáng chú ý, cũng trong năm này, tại huyện Kbang có 4 trường hợp tử vong nghi do bệnh bạch hầu; trong đó 2 ca lấy được mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, 2 trường hợp khác không lấy được mẫu để xét nghiệm. Năm 2014, qua khám sàng lọc có 149 bệnh nhân nghi ngờ bệnh bạch hầu được lấy mẫu xét nghiệm thì 10 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu; không có trường hợp tử vong. Còn trong 9 tháng vừa qua cũng đã có 1 trường hợp bệnh nhân tử vong do bạch hầu tại huyện Kbang như đã nói ở trên.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, với uốn ván sơ sinh, mấu chốt của vấn đề là do các bà mẹ không chích vắc xin ngừa uốn ván đủ 2 mũi trong thai kỳ. Nếu mẹ đã chích vắc xin ngừa uốn ván thì trẻ sơ sinh khó có thể mắc bệnh uốn ván. Tuy nhiên, để đảm bảo vắc xin có hiệu quả, sản phụ nên chích mũi thứ hai cách ngày sinh tối thiểu ít nhất một tháng. Đáng tiếc, nhiều trường hợp trẻ sinh ra bị uốn ván do chính người nhà bệnh nhi tự cắt rốn bằng những dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn như: lưỡi lam, kéo, cật nứa… Còn đối với bệnh bạch hầu, vẫn để xảy ra tình trạng nhiều người mắc bệnh, thậm chí tử vong đang là câu hỏi được dư luận đặt ra cho trách nhiệm của ngành Y tế?
Đức Phương