Để đảm bảo an toàn cho người lao động khai thác đá, ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý, cần quy hoạch vùng cấp phép khai thác, đồng thời hướng tới các dịch vụ chuyên nghiệp như khoan đá, nổ mìn để hạn chế rủi ro.
|
Một mỏ đá cắt tầng, có an toàn cao ở Hòa Bình - Ảnh: Tâm Lê |
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Thơ, phó cục trưởng Cục An toàn lao động Bộ LĐ-TB&XH, về những tồn tại và hướng khắc phục trong hoạt động khai thác mỏ đá hiện nay.
Những nguyên nhân chết người
* Thưa ông, mới đây chỉ trong tháng 6-2020 đã xảy ra ba vụ tai nạn khiến năm phu đá thiệt mạng. Đâu là nguyên nhân dẫn tới những tai nạn nghiêm trọng này?
- Do muốn giảm chi phí, có sản phẩm ngay nên một số đơn vị đã cắt xén nhiều công đoạn trong quy trình khai thác như lập "hộ chiếu" nổ mìn (quản lý thuốc nổ) một lần cho nhiều bãi, khai thác chập tầng. Ở một số mỏ, người chủ khoán cho các tổ, nhóm lao động khai thác, điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn rất cao vì thiếu giám sát.
Chủ mỏ gần như phó mặc hoàn toàn cho các nhóm lao động, chỉ chu cấp cho họ những thứ rất cơ bản để làm việc, dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc". Họ hiểu biết về an toàn lao động chỉ thông qua học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình làm việc, kiểu làm tạm bợ, liều lĩnh, không tuân thủ nghiêm ngặt những quy chuẩn an toàn.
Cũng cần phải nói đến trách nhiệm người sử dụng lao động. Chủ mỏ không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và thiếu đầu tư. Khi xảy ra tai nạn thì tìm cách trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan và người lao động.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề, tuy không mới nhưng việc cấp phép với diện tích hẹp, thời gian ngắn, cùng với năng lực của chủ mỏ rất yếu. Hầu như chỉ đủ tiền đi xin cấp phép mỏ, không có tiền để đầu tư xây dựng cơ bản. Theo quy định pháp luật khoáng sản hiện nay, các mỏ còn phải mua quyền khai thác.
Họ không đủ tài chính, dẫn đến đầu tư chắp vá. Bỏ một ít tiền thuê công nhân rồi cứ vác máy lên khoan, đập ào ào đá xuống bán lấy tiền trước đã, tai nạn xảy ra là điều dễ hiểu.
* Xảy ra tai nạn nhưng mỏ đá vẫn trình đủ hồ sơ "đẹp". Phải chăng khâu duyệt thẩm định, giám sát là có vấn đề?
- Thực tế, tai nạn lao động thường xảy ra ở hầu hết khâu trong quá trình khai thác đá, do quá trình làm không đúng thiết kế. Chúng tôi cho rằng các mỏ đá vừa qua xảy ra tai nạn, nhất là các mỏ đá do các địa phương cấp cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ với công suất nhỏ, quá trình khai thác mỏ đã thiếu giám sát, thanh tra, kiểm tra sau cấp phép.
Trách nhiệm ở đây là các cơ quan tham mưu, quản lý của UBND các tỉnh, thành gồm: sở tài nguyên và môi trường, sở công thương, sở xây dựng, sở LĐ-TB&XH. Nhưng các cơ quan nhà nước đã kiểm tra, yêu cầu mà doanh nghiệp không thực hiện theo thiết kế được phê duyệt, vi phạm quy chuẩn, để dẫn đến tai nạn thì phải xử lý hình sự.
Việc cấp giấy phép khai thác mỏ phải đảm bảo theo quy chuẩn, quy mô công nghiệp, chỉ cấp cho nhà đầu tư nào có đủ năng lực. Cần phải có quy hoạch khu vực, vùng khai thác, không cấp phép đại trà, tận thu khoáng sản. Đồng thời, thúc đẩy các dịch vụ khai thác, nổ mìn để chuyên môn hóa hoạt động. Nếu đơn vị nào cấp phép rồi thì căn cứ vào vấn đề pháp lý để xử theo luật pháp.
|
Ông Nguyễn Anh Thơ |
Sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp
* Ông có thể nói rõ hơn giải pháp về dịch vụ nổ mìn, đây là khâu hay xảy ra tai nạn nghiêm trọng ở mỏ đá?
- Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tai nạn trong khai thác đá đang chiếm gần 20% tổng số vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, các sự cố, tai nạn do khâu nổ mìn trên mỏ đang gây những thiệt hại lớn về người và tâm lý hoang mang.
Các mỏ nên thuê đội nổ mìn chuyên nghiệp như ở một số mỏ khai thác than, khai thác đá phục vụ sản xuất ximăng, khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại các địa phương phía Nam đã sử dụng.
Những đơn vị cung ứng dịch vụ nổ mìn này có chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng được quy mô khai thác, khoan nổ mìn, tạo ra các bãi nổ lớn với chi phí hợp lý, về lâu dài là thấp hơn việc các mỏ tự thuê thợ khoan nổ mìn riêng.
* Thưa ông, vì sao chính sách đền bù tai nạn vẫn là hình thức "một cục" mà chủ mỏ tự áp dụng cho người lao động?
- Luật lao động và an toàn, vệ sinh lao động đã quy định rõ quyền lợi về trợ cấp, bồi thường tai nạn lao động. Thông tư 04/2015 và nghị định 39/2016/NĐ-CP có những điều khoản mà người lao động cần biết.
Tuy nhiên, thực tế người lao động không nắm được quyền lợi của mình nên không yêu cầu gì từ phía người sử dụng lao động khi sự cố xảy ra, nhất là liên quan đến tính mạng. Thường hai bên sẽ thỏa thuận để người nhà nhận được số tiền đền bù "một cục" như lâu nay một cách nhanh gọn.
Người lao động nên ký hợp đồng và tham gia bảo hiểm để được hưởng quyền lợi đầy đủ. Nếu xảy ra tai nạn, quyền lợi bị ảnh hưởng có thể nhờ luật sư tư vấn, bảo vệ cho mình. Chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc, đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Yêu cầu "bồi thường" chứ không phải "trợ cấp" tai nạn, cần phải hiểu đúng vì bồi thường nói về trách nhiệm của chủ mỏ, chứ không phải người lao động xin trợ cấp từ chủ doanh nghiệp.
Các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn, ví dụ hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, tổ chức công đoàn nên vào cuộc, phải tập hợp người lao động, gần người lao động hơn.
* Cảm ơn ông.
Cần giám sát có chuyên môn và trách nhiệm
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, ĐH Mỏ - địa chất, để giảm thiểu rủi ro, về mặt kỹ thuật thì thiết kế phải khả thi. Thiết kế xong phải thực hiện được, nếu thực hiện sai thiết kế thì lỗi do bên thiết kế và thẩm tra.
Đội thẩm tra thiết kế phải gồm chuyên gia các lĩnh vực để soi xét mới đi đến kết luận phê duyệt. Quá trình thực hiện cần có giám sát thi công có chuyên môn và chịu trách nhiệm công việc đó.
Bên cạnh kỹ sư mỏ, đội ngũ công nhân cũng phải được đào tạo bài bản. Ở các nước tiên tiến, khai thác mỏ gắn với công trình và có những yêu cầu chặt chẽ về an toàn. Máy móc nào kiểm tra không đạt chất lượng có thể bị cẩu ra khỏi công trường ngay lập tức.
Người lao động được trả mức lương mà họ thấy chấp nhận được, ổn định cho cuộc sống. Họ vui vẻ làm việc và tự hào về công việc của mình. Nếu có tai nạn, tổ chức công đoàn sẽ có mặt ngay và xử lý người trực tiếp chịu trách nhiệm trước.
Ngay gần TP.HCM, Dầu Tiếng là hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp nguồn nước nông nghiệp cho cả vùng rộng lớn Tây Ninh, Củ Chi, Long An. Đặc biệt, Dầu Tiếng còn đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, công nghiệp cực kỳ quan trọng cho hàng triệu dân TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Hồ thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á này đã được tạo dựng như thế nào trên vùng đất điêu tàn vì chiến tranh? Những "giải mật" về một trong các công trình kỳ vĩ nhất miền Nam hậu chiến...
Mời đón đọc hồ sơ: HỒ DẦU TIẾNG - NHỮNG BÍ ẨN CHƯA KỂ
TÂM LÊ (TTO)